Giới thiệu chung về Zó Project
Vấn đề xã hội Giấy Dó đã từng xuất hiện tại Việt Nam vào thế kỉ thứ 13, như vậy có thể nói nó đã có những bước phát triển thăng trầm cùng lịch sử của đất Thăng Long (Hà Nội ngày nay). Thông qua nghiên cứu sử sách, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra làng đầu tiên làm giấy Dó là làng Nghĩa Đô ở cầu Giấy, sau phát triển đến làng Bưởi (Yên Thái) nơi có nghề làm giấy sắc phong nổi tiếng. Sau đó làng Đống Cao ở Bắc Ninh học được nghề và phát triển lưu giữ nghề cho đến tận ngày nay.
Như vậy, có thể khẳng định giấy Dó là một di sản văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ và phát huy cho các thế hệ mai sau. Tuy nhiên, một thực tế là nghề làm giấy Dó đang có nguy cơ bị biến mất. Hiện tại chỉ còn có 2 đến 3 hộ còn duy trì nghề làm giấy Dó tại Bắc Ninh. Nếu không có một cách nhìn nhận nghiêm túc để bảo tồn, có thể chúng ta sẽ chỉ còn nhìn thấy loại giấy này trong các bảo tàng. Mô hình kinh doanh Năm 2013, dự án Zó được thành lập bởi Trung tâm phát triển cộng đồng Nam Định (NCCD) với mục tiêu mang lại giá trị cao hơn cho giấy Dó và giúp cho sản phẩm gần gũi hơn với cuộc sống hiện đại cũng như tôn vinh nét đẹp của nghề làm giấy thủ công để xã hội thừa nhận họ là những nghệ nhân thực sự. Để làm được điều đó, Zó chọn cách tiếp cận làm tăng giá trị của từng tác nhân trong chuỗi giá trị từ nguyên liệu đến sản xuất và tiêu thụ.
Các hoạt động cụ thể của Zó bao gồm: nghiên cứu và phát triển các loại giấy thủ công từ kỹ thuật giấy Dó cổ truyền, thiết kế và sản xuất các sản phẩm nghệ thuật và ứng dụng từ giấy Dó và giấy thủ công do chính Zó nghiên cứu, tổ chức các lớp học về thủ công sáng tạo từ Giấy, tổ chức các sự kiện sáng tạo từ giấy Dó và đồ thủ công từ giấy của Việt Nam.
Tác động xã hội ( dự kiến đến năm 2018)
• Tăng số đơn đặt hàng ở làng nghề Bắc Ninh lên 2000 tờ/tháng tương đương 30 000 000 VND, nâng cao thu nhập cho các nghệ nhân làng nghề
• Phát triển các nhóm sản xuất ở vùng miền núi hoặc nông thôn để tạo ra các sản phẩm thủ công từ giấy Dó. Dự kiến nhóm khoảng 5 người và có thể có thu nhập từ 2.000.000 – 3.000.000 VND/tháng.
• Góp phần bảo tồn vùng trồng giấy Dó và bảo tồn kỹ thuật làm giấy cổ truyền của dân tộc.