Ngôn ngữ
Doanh nghiệp xã hội
Doanh nghiệp Xã hội Tre Xứ Thanh (TxT)
"Doanh nghiệp Xã hội Tre Xứ Thanh (TxT) Mục tiêu: Cung cấp nguồn con giống gia cầm, thủy cầm chất lượng tại chỗ đi kèm với sự tư vấn kỹ thuật và tiêu thụ cho các hộ chăn nuôi đồng bào dân tộc thiểu số phía Tây Thanh Hóa, ươm tạo các doanh nhân vi mô trong lĩnh vực nông nghiệp tại những thôn bản vùng sâu, nơi có tỷ lệ nghèo cao. Địa bàn hoạt động: 05 tỉnh miền núi phía Tây Thanh Hóa. Công ty Tre xứ Thanh (TxT) được thành lập tháng 6 năm 2010 tại huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa với mong muốn của nhóm sáng lập nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của cả vùng hơn là tìm kiếm lợi nhuận cho doanh nghiệp. Quan Hóa và 4 huyện lân cận tạo thành một vùng 5/63 huyện miền núi nghèo nhất cả nước. Sự tập trung thành một vùng rộng lớn các huyện nghèo, với thành phần dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số (Thái, Mường), địa hình đồi núi phức tạp, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, đã tạo ra vô số thách thức cho người dân địa phương. Người dân có thu nhập chủ yếu vào cây luồng và cây ngắn ngày trên đất dốc (ngô, sắn). Chăn nuôi có tiềm năng nhưng đang bị hạn chế. Do không có đủ việc làm và thu nhập nên các thanh niên trẻ thường di cư đến khu vực thành thị để tìm việc làm. Một số may mắn có việc làm, số còn lại quay lại quê hương với những tệ nạn xã hội đi kèm. Ngành chăn nuôi gia cầm thủy cầm ở đây chỉ đáp ứng được 50 % nhu cầu sản phẩm thịt và 13% nhu cầu về trứng cho vùng. Lý do chính của sự kém phát triển này là do thiếu con giống chất lượng phù hợp với điều kiện vùng núi. Nhận thấy cơ hội giúp các hộ dân tộc nghèo miền núi thoát nghèo nhờ việc phát triển sinh kế mới từ chăn nuôi, từ năm 2012, TxT đã đầu tư sản xuất giống gia cầm, thủy cầm chất lượng để cung cấp cho đồng bào dân tộc thiểu số phía Tây Thanh Hóa. Giải pháp mà công ty TxT mang đến không những là việc cung cấp nguồn con giống chất lượng tại chỗ đi kèm với sự tư vấn kỹ thuật và tiêu thụ cho các hộ chăn nuôi, mà còn là sự hợp tác liên kết nhằm ươm tạo các doanh nhân vi mô trong lĩnh vực nông nghiệp tại những thôn bản vùng sâu, nơi có tỷ lệ nghèo cao. Chính các doanh nhân vi mô đó sẽ là các tác nhân tích cực trong mạng lưới phân phối sản phẩm và hỗ trợ kỹ thuật quan trọng của TxT trong chiến lược phát triển nguồn lực địa phương và cả ngành chăn nuôi gia cầm, thủy cầm của các huyện miền núi Thanh Hóa. Với các lợi ích kinh tế mà hoạt động chăn nuôi gia cầm mang lại, người dân miền núi nói chung hoặc các cộng đồng bị lề hóa nói riêng có được đời sống no đủ và hạnh phúc trên quê hương mình. Đó chính là mục tiêu dài hạn TxT mong muốn hướng đến. Đến năm 2015, TxT sẽ đạt được mục tiêu xã hội sau: 1. Nâng cao thu nhập cho 2.750 hộ ở 5 huyện mục tiêu, trong đó có 400 hộ đối tượng đích được thoát nghèo bền vững nhờ chăn nuôi (thu nhập trung bình 600.000đ/ người/ tháng). 2. Ươm tạo và xây dựng mạng lưới với 90 doanh nhân vi mô người dân tộc thiểu số thông qua việc liên kết sản xuất gà thịt, gà giống, tạo thêm thu nhập khoảng 12-14 triệu đồng/tháng/hộ (2 lao động). 3. Tạo việc làm & giúp ổn định cuộc sống cho 20 công nhân cũng thuộc nhóm đối tượng mục tiêu với mức lương trung bình 4,5 – 5,0 triệu đồng/tháng.