Ngôn ngữ
Tin tức
Doanh nghiệp xã hội – Một làn sóng mới ?
  • 16/06/2015

Ms. Đào Thị Huệ Chi từ CSIP đang giới thiệu về Doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam

Trong 3 buổi tham dự Meetup gần nhất tôi tham gia, tất cả là về chủ đề Social Enterprise hay Doanh nghiệp xã hội, và những người làm doanh nghiệp xã hội được gọi là doanh nhân xã hội.

Không biết tình cờ hay có lý do, trong 2 buổi này tôi đều gặp những bạn (hoặc có liên quan) là người thuyết trình đến từ CSIP –  Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng . Từ năm 2009, CSIP đã hỗ trợ 78 tổ chức và Doanh nghiệp Xã hội mang lại những tác động tích cực ban đầu giúp cải thiện cuộc sống của hơn 200,000 người thuộc các cộng đồng yếu thế.

Trao đổi với những người bạn này tôi đã hiểu rõ hơn về khái niệm doanh nghiệp xã hội, mục tiêu hoạt động của các doanh nghiệp này và sự phát triển của các doanh nghiệp xã hội trong nền kinh tế Việt Nam. Mô hình này đã hình thành và phát triển ở khá nhiều nước, đặc biệt là các nước phát triển khi các vấn đề về xã hội rất được quan tâm.

Trong các buổi Meetup có sự tham dự của khá nhiều các bạn nước ngoài, có cả những người đại diện cho những quỹ đầu tư, những người rất quan tâm tới các cơ hội đầu tư vào các doanh nghiệp xã hội.

Có 2 điều khiến tôi băn khoăn sau những buổi gặp gỡ này:

1. Đầu tư vào doanh nghiệp xã hội có phải đang là một làn sóng ? Đây là cảm nhận chủ quan của tôi bởi có cả 3 buổi tham dự đều về chủ đề này và những người tới đây không chỉ tìm hiểu và có cả những người tìm kiếm những cơ hội đầu tư, họ đại diện cho những quỹ đầu tư, các tổ chức phi chính phủ. Họ đang tìm kiếm các doanh nghiệp xã hội có những sản phẩm hay dịch vụ giải quyết được một vấn đề xã hội nào đó. Họ sẵn sàng tài trợ, đào tạo, hỗ trợ các doanh nhân xã hội theo đuổi công việc này.

2. Chúng ta thường khởi nghiệp bằng việc xây dựng các doanh nghiệp vì mục tiêu tối đa lợi nhuận. Liệu chăng nên xem doanh nghiệp xã hội cũng là một trong những hướng đi để lựa chọn.

Cũng cần nói thêm là chưa có nhiều doanh nghiệp xã hội thành công ở Việt Nam, phần lớn còn khá nhỏ và vấp phải nhiều khó khăn, trong đó có cả những vấn đề pháp lý. Do vậy lựa chọn xây dựng doanh nghiệp xã hội chưa nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng doanh nhân. Một lý do nữa tôi nghĩ đó là những rủi ro về mặt kinh doanh trong bối cảnh nền kinh tế không thực sự khỏe mạnh. Khi theo đuổi mục tiêu vì xã hội thay vì lợi nhuận có thể sẽ khiến các doanh nghiệp xã hội gặp nhiều rủi ro hơn và vấn đề tăng trưởng trở thành một điều khó khăn khi lợi nhuận bị chia sẻ.

Nhưng dù sao các khó khăn cũng đang dần được tháo gỡ, các tổ chức hỗ trợ và đầu tư cũng đang tìm kiếm và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xã hội phát triển. Hi vọng sắp tới sẽ có nhiều các mô hình doanh nghiệp xã hội thành công ở Việt Nam. Có một dự án khá thiết thực đang hoạt động: dichung.vn

Doanh nghiệp xã hội được hiểu một cách chung nhất là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Nó được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường.

Đặc điểm chung của doanh nghiệp xã hội là: Trực tiếp giải quyết các vấn đề xã hội; Tạo nguồn thu đáng kể từ các hoạt động mang tính kinh doanh, tuyệt nhiên không phải để tối đa hóa lợi nhuận; Lấy việc mang lại những giá trị tốt đẹp đối với toàn xã hội làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động kinh doanh và xem nó như bản chất của doanh nghiệp cũng như lợi thế so với các doanh nghiệp khác.

Các loại hình doanh nghiệp xã hội cũng khá đa dạng: 1. Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận (Non-profit Social Enterprises) thường hoạt động dưới các hình thức như: trung tâm, hội, quỹ, câu lạc bộ, tổ/nhóm tự nguyện. Điểm khác biệt là khả năng đưa ra được những giải pháp mới và sáng tạo để giải quyết các vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm. 2. Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận (Not-for-profit Social Enterprises); do các doanh nhân xã hội sáng lập, với sứ mệnh xã hội được công bố rõ ràng, xác định rõ sự kết hợp bền vững giữa sứ mệnh xã hội với mục tiêu kinh tế, trong đó mục tiêu kinh tế là phương tiện để đạt mục tiêu tối cao là phát triển xã hội; 3. Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận (Social Business Ventures). Mô hình này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực tài chính vi mô với các ví dụ như Grameen Bank và BRAC ở Bangla¬desh, SKS Microfinance ở Ấn độ, Bina Swadaya ở Indonesia, KIVA ở Mỹ… Ở Việt Nam, chúng ta cũng có hàng ngàn tổ chức tài chính vi mô cơ sở mà điển hình nhất là các Quỹ TYM (Trung ương hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) và CEP (Liên đoàn Lao động TP HCM).

 

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến