CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT
-
- 11/11/2024
Tại Việt Nam, hiện có ít nhất 84 tổ chức hỗ trợ (TCHT) đang triển khai hoặc có tiềm năng hỗ trợ cho SIBs (UNDP và CSIP, 2023). Các TCHT này có thể phân chia thành 4 nhóm chính: (i) TCHT thông thường có lồng ghép hoạt động hỗ trợ SIB; (ii) TCHT xuất phát từ các tổ chức xã hội; (iii) TCHT nằm trong các trường đại học; (iv) TCHT tập trung vào SIB và theo định hướng kinh doanh.
Là đôi cánh trợ lực cho các SIB chuyển mình trong một thị trường cạnh tranh, nhưng nhiều TCHT tại Việt Nam cũng đang đối diện với các thách thức sống còn như: thiếu mô hình tài chính bền vững; thiếu năng lực tổ chức và nguồn lực; khả năng nhận diện, kết nối với SIB và với các TCHT khác còn yếu.
Với mong muốn giúp các TCHT tháo gỡ phần nào các rào cản nêu trên thông qua trao đổi kinh nghiệm với các TCHT điển hình tại khu vực, trong tháng 10-11/2024, CSIP đã tổ chức Chuỗi hội thảo trực tuyến gồm 3 webinars với chủ đề “Tăng cường Năng lực cho Hệ sinh thái SIB tại Châu Á”. Đây là một Hoạt động thuộc khuôn khổ dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với COVID -19” (Dự án ISEE-COVID), được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada (GAC), đồng thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
-----------------------------------
Tại Webinar #1: “Kinh nghiệm từ hệ sinh thái Hàn Quốc trong việc phát triển các tổ chức hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của DNXH” diễn ra vào ngày 21/10/2024, cô Buyong Cho, Giám đốc quốc gia, CAMP International đã chia sẻ bài học kinh nghiệm tại HST Hàn Quốc và Philippines. Là một TCHT xuất phát từ khu vực phát triển, CAMP International hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và các đối tác tại Hàn Quốc, Philippines nhằm cung cấp hỗ trợ đa chiều, toàn diện cho các SIB về nhiều khía cạnh như nguồn nhân lực, quản trị phát triển kinh doanh, thuế, bán hàng, …. Để duy trì hợp tác với các Đối tác quốc tế, triển khai bền vững, hiệu quả các dự án hỗ trợ SIB, đồng thời duy trì các tác động tích cực và tính lan tỏa sau khi dự án kết thúc, CAMP International áp dụng mô hình 6 trụ cột bền vững trong thiết kế dự án can thiệp. Các trụ cột này bao gồm: Relevance (tính liên quan); Coherence (tính hợp lí); Effectiveness (tính hiệu quả); Efficiency (khả năng tối ưu hóa nguồn lực); Impact (tác động tạo ra); Sustainability (sự bền vững của dự án xét theo các khía cạnh pháp lý, nhân lực, lợi ích cộng đồng). CAMP International gợi ý Hệ sinh thái SIB tại Việt Nam có thể tham khảo mô hình Hàn Quốc, trong đó nhà nước hoặc các tập đoàn lớn đóng vai trò dẫn dắt, chi trả cho các TCHT để thực hiện chức năng hỗ trợ SIB khởi nghiệp. Bên cạnh đó, SIB và TCHT cũng nên tận dụng các nguồn lực mạng lưới (networking) để cân bằng giữa sứ mệnh, tác động và và sự bền vững tài chính của mình.
Tại Webinar #2: “Kinh nghiệm thúc đẩy các nghiên cứu và chính sách về doanh nghiệp xã hội tại Đông Nam Á” diễn ra ngày 23/10/2024, bà Marie Lisa M. Dacanay, Nhà sáng lập và Chủ tịch Viện Doanh nhân xã hội Châu Á (The Institute for Social Entrepreneurship in Asia (ISEA)) đã chia sẻ bài học kinh nghiệm vận động chính sách hỗ trợ SIB của đơn vị mình. ISEA đã triển khai chiến dịch vận động nhằm chính thức hóa các chính sách hỗ trợ SIBs ở Philippines (như ưu đãi mua sắm công, ưu đãi thuế, Quỹ phát triển DNXH). Bên cạnh đó, ISEA triển khai thí điểm các chương trình tác động trên phạm vi Đông Nam Á, điển hình là thiết kế và triển khai Bảng điểm Nâng cao Quyền năng cho phụ nữ trong Chuỗi giá trị nông nghiệp (BTP WEE Scorecard) tại Việt Nam, Indonesia và Philippines, Chương trình nâng cao năng lực kỹ thuật số cho cộng đồng, v.v. Trao đổi với các TCHT Việt Nam, bà Lisa khuyến nghị các TCHT có thể cân nhắc thúc đẩy một số chính sách dành hỗ trợ riêng cho các SIB bên cạnh cách làm truyền thống là lồng ghép trong các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp kinh doanh bao trùm. . Song song với quá trình thúc đẩy chính sách, các TCHT cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng địa phương để triển khai các giải pháp cụ thể và từng bước hỗ trợ SIB theo nhu cầu ở các giai đoạn phát triển doanh nghiệp khác nhau.
Nhằm tháo gỡ băn khoăn xây dựng chiến lược tài chính bền vững của TCHT, ông Romy Cahyadi, Đồng sáng lập và CEO Instellar (Indonesia), một Tổ chức ươm tạo (Incubator) với mô hình kinh doanh thú vị, đã chia sẻ bài học thành công trong Webinar #3: "Khai phá nguồn tài chính cho các đơn vị xây dựng hệ sinh thái và các doanh nghiệp xã hội: Góc nhìn từ Indonesia" diễn ra vào ngày 7/11/2024. Tương tự như tại Việt Nam, khả năng chi trả cho các dịch vụ của các SIB tại Indonesia không phải quá cao. Do đó, các TCHT nên coi SIB là nhóm đối tượng hưởng lợi thay vì tập khách hàng chính, và xây dựng các sản phẩm, dịch vụ nhằm điều chuyển nguồn thu sang các nhóm khách hàng có khả năng chi trả tốt hơn. Mô hình này có nhiều điểm tương đồng với mô hình kinh doanh của các nền tảng như TikTok, Instagram, trong đó nền tảng sử dụng nguồn thu từ nhóm khách hàng lớn (các doanh nghiệp, nhãn hàng có nhu cầu quảng cáo) để vận hành và cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc với mức phí thấp dành cho người dùng. Áp dụng suy nghĩ này, Instellar cung cấp dịch vụ tư vấn có trả phí cho khách hàng là các tập đoàn tư nhân và các tổ chức phát triển quốc tế, và sử dụng nguồn thu này để vận hành các chương trình không thu phí hoặc với mức phí không đáng kể dành cho nhóm hưởng lợi là SIB và startup.
Để được các khách hàng tin tưởng hợp tác, Instellar không ngừng nâng cao năng lực, uy tín của tổ chức, xây dựng chuyên môn mà mình có thế mạnh, đồng thời tận dụng mạng lưới quan hệ đối tác với các TCHT và SIB. Khi được hỏi về việc các chương trình hỗ trợ miễn phí có nguy cơ đánh mất tính cam kết của SIB khi tham gia, ông Romy Cahyadi cho rằng, các TCHT cần thiết kế hoạt động dựa trên việc thấu hiểu nhu cầu của SIB, xây dựng các nội dung hỗ trợ phù hợp, và kết nối SIB đúng với chuyên gia, đối tác mà họ cần. Đây cũng là những bí quyết then chốt đã kiến tạo thành công về mặt chương trình, tác động và mạng lưới cho Instellar.
-------------------------
Tổng kết chuỗi hội thảo trực tuyến, các diễn giả đã đại diện cho Tổ chức hỗ trợ SIB đến từ nhiều quốc gia khác nhau trong khu vực đã chia sẻ bài học thành công và kinh nghiệm hoạt động của mình, từ đó phần nào gợi mở những phương hướng cải thiện mô hình, cách thức hoạt động của TCHT nói riêng và HST hỗ trợ SIB nói chung tại Việt Nam.
Phân Loại Lĩnh Vực
Tin Mới
Từ Khóa Phổ Biến