-
- 10/06/2023
Từ việc quan sát rác thải xơ dừa tại địa phương (Trà Vinh) đang gây ra vấn đề lớn cho môi trường và cộng đồng, cũng như nhận thấy đây cũng là nguồn nguyên liệu hữu ích có thể đưa vào sản xuất thủ công mỹ nghệ, chị Nguyễn Thị Kim Thúy đã thành lập Công ty TNHH MTV Út Mừng từ năm 2009. Đến nay công ty đã sản xuất rất nhiều sản phẩm từ xơ dừa như: Dây thừng xơ dừa, thảm xơ dừa, chỉ xơ dừa, mụn dừa, chiếu lát, lõi lát se, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ chỉ xơ dừa... phục vụ cho thị trường Việt Nam và xuất khẩu.
Chị Thúy chia sẻ rằng: “Tôi mới học hết lớp 7, không có điều kiện được đi học tiếp nhưng đó cũng chính là động lực để đến nay vẫn luôn nỗ lực học tập và lao động”. Trong giai đoạn từ khi bắt đầu Út Mừng đến nay, chị đã tham gia rất nhiều chương trình tập huấn đào tạo của các tổ chức, đơn vị. Chị được học hỏi những kiến thức chưa từng nghĩ đến như quản lý tài chính; phát triển thị trường; phát triển sản phẩm;...
Nói về khó khăn của việc một mình làm doanh nghiệp, chị Thúy chia sẻ: Mỗi giai đoạn Út Mừng phải đối mặt với những khó khăn khác nhau. Đặc biệt trong những giai đoạn đầu, vấn đề tìm nguồn vốn là thử thách lớn, cũng như việc quản lý tài chính doanh nghiệp không phải là việc chị đã làm quen. Thế nhưng, với tinh thần chủ động học tập cùng sự quyết tâm không ngừng, hiện tại có thể cảm nhận được sự tự tin và truyền cảm hứng của chị Thúy đang thực sự được lan tỏa, cũng như sự tăng trưởng doanh thu ấn tượng của Út Mừng từ khoảng 23 tỷ đồng/năm (2018) lên hơn 30 tỷ đồng/năm (2021).
TẠO TÁC ĐỘNG ĐẾN MÔI TRƯỜNG VÀ ĐỜI SỐNG ĐỊA PHƯƠNG
Dưới sự ảnh hưởng của xâm ngập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, dừa tại vùng này dần trở nên kém năng suất trong mục đích thu hoạch làm thực phẩm. Khối lượng rác thải xơ dừa cũng là một gánh nặng lên môi trường, chính vì thế việc đưa xơ dừa trở thành nguyên liệu trong sản xuất chính là mô hình vừa đem lại tác động đến môi trường, vừa nâng cao giá trị của quả dừa tại đây. Một tháng Út Mừng trung bình xử lý được hơn 50.000 quả dừa; tương đương với 30 container sản phẩm đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, hiện tại Út Mừng đang có 150 lao động (trong đó 120 nữ, 15 người dân tộc thiểu số). Chị chia sẻ: dù có những giai đoạn hàng khó xuất đi, nhưng Út Mừng vẫn phấn đấu linh hoạt trong những cách vận hành để duy trì công việc cho bà con tại đây.
MÔ HÌNH LAO ĐỘNG THEO CẶP VỢ CHỒNG
Út Mừng đang phát triển một mô hình lao động đặc biệt gắn với đặc điểm của người dân tại đây, đó là làm việc theo cặp vợ chồng. Hiện tại đang có khoảng 15 cặp vợ chồng đang hàng ngày làm việc tại đây. Mỗi gia đình sẽ cùng nhau sản xuất từng sản phẩm, thành quả của từng gia đình sẽ là kết quả thi đua như cách để khuyến khích tăng gia sản xuất.
Cách làm việc này được sáng tạo ra từ thực trạng nhiều người chồng tại địa phương còn ham mê rượu bia, không lao động. Mô hình lao động theo cặp vợ chồng tại Út Mừng đã giúp tạo sự ổn định cả về thu nhập và hạnh phúc trong cuộc sống của người dân địa phương. Có những cặp vợ chồng có thể đạt thu nhập hơn 20 triệu đồng một tháng, sinh kế được đảm bảo và cuộc sống từ đó được cải thiện hơn rất nhiều.
TIỀM NĂNG LỚN CỦA CÁC SẢN PHẨM TỪ XƠ DỪA TRÊN THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Từ một loại rác, xơ dừa qua sự xử lý khéo léo và tinh tế của Út Mừng đã trở thành một mặt hàng tiềm năng xuất khẩu. Công ty đã có đối tác và xuất khẩu trực tiếp dây thừng xơ dừa và thảm xơ dừa (dùng để lát đường thay cho việc lát bê tông) qua thị trường Hàn Quốc, sản xuất thêm sản phẩm mới (chiếu lát – do đối tác Hàn Quốc đề nghị sản xuất), cung cấp thảm xơ dừa và các mặt hàng thủ công mỹ nghệ trang trí cho một số resort và khách sạn.
Anh Phan Duy Quang - Giảng viên ĐH Phenikaa cho rằng: Với công dụng, độ bền như 3 năm ngoài trời không hỏng của thảm xơ dừa, và giá thành hợp lý như các sản phẩm của Út Mừng thì cần được biết đến và sử dụng rộng rãi hơn cả ở Việt Nam và xuất khẩu quốc tế.”
Tới thăm mô hình hoạt động tại Út Mừng là một hoạt động nằm trong chương trình “Hành trình khám phá và kết nối Mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SIB Việt Nam và Dự án SME Trà Vinh” được phối hợp bởi dự án Dự án ISEE- COVID và dự án SME Trà Vinh, do CSIP là đơn vị tổ chức. Chương trình nhằm tạo cơ hội để các tổ chức trong hệ sinh thái SIBs và dự án SME giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại Trà Vinh; nâng cao nhận thức về kinh doanh tạo tác động và kết nối các nguồn lực hỗ trợ tài chính và phi tài chính cho doanh nghiệp.
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực