Ngôn ngữ
Tin tức
HỆ SINH THÁI CHO DOANH NGHIỆP XÃ HỘI
  • 20/10/2018

Chị Nguyễn Thảo Vân với ý chí vượt ra ngoài những vòng xe lăn, vươn lên giúp mình và người yếu thế. Ảnh: CSIP

 

Sau một thập niên hình thành và phát triển, giờ đây khái niệm doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã không còn xa lạ với cộng đồng. Nhưng để mô hình này được nhân rộng và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội, vẫn cần đến vai trò của “bà đỡ chính sách” và sự cộng hưởng của cộng đồng.

Chuyện của những con người khác thường

10 năm trước, khái niệm DNXH hoàn toàn mới mẻ, và để hình thành nên hệ sinh thái DNXH được như bây giờ, ít ai ngờ lại có công sức của chính những con người vốn được nhìn nhận là “không bình thường”.

Chị Nguyễn Thảo Vân - mắc một căn bệnh càng lớn cơ thể càng teo tóp, và cuộc đời chị gắn chặt với chiếc xe lăn. Nhưng ý chí của người phụ nữ bé nhỏ ấy lại vượt ra ngoài những vòng xe lăn. Chị hiện đang là giám đốc của một công ty chỉ nghe tên thôi cũng đã hiểu sứ mạng khó khăn mà chị lựa chọn. Công ty CP Dịch vụ Nghị lực sống (Imator), có tới 60% nhân viên là người khuyết tật, nhưng đối tượng khách hàng họ hướng đến đều là những công ty tên tuổi hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và thương mại điện tử. Khách hàng lựa chọn công ty trước hết là vì chất lượng của các sản phẩm đồ họa, video tốt, nhiều tính sáng tạo, và quan trọng nữa, họ trân trọng nghị lực của những con người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.

Tuy nhiên, sẽ chẳng có ngày hôm nay nếu Vân không nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Năm 2012, khi tiếp nhận quản lý Trung tâm Nghị lực sống - trung tâm đào tạo và giới thiệu việc làm cho người khuyết tật, bài toán đặt ra cho Vân là kinh phí hoạt động khó khăn, học viên đồng loạt bỏ học. Chị phải tới nhà từng người để thuyết phục, đưa họ quay lại lớp học. Nếu chỉ trông vào thiện nguyện, trung tâm chỉ có thể tồn tại lay lắt. Khi gặp được chị Phạm Kiều Oanh - người sáng lập, Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), Vân hiểu ra, chỉ có một con đường, đó là phải đầu tư chuyển đổi mô hình hoạt động của trung tâm. Vậy là, với số tiền 30.000 USD do CSIP tài trợ, cộng với toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình, Vân đứng ra lập Imator, tạo nên một DNXH thành công ngày nay.

Một con người “không bình thường” nữa là anh Lê Thành. Anh đã dũng cảm khởi nghiệp từ chính sự khác biệt của mình. Năm 2009, anh và ba người bạn cùng cảnh ngộ lập nên G-link, một điểm hẹn cho những con người không thể công khai xu hướng tình dục của mình, qua đó, hỗ trợ nhau để sống tích 

cực, có ý nghĩa hơn. Ba năm sau, G-link nhận được một dự án đầu tiên về cung cấp dịch vụ dự phòng HIV. Nhờ kết quả rất khả quan khi áp dụng vào cộng đồng, chương trình này được xem là bước chuyển đầu tiên để G-link từ một tổ chức phi lợi nhuận trở thành một DNXH cung cấp các dịch vụ y tế về HIV và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục với chi phí thấp. Nói về con đường của G-link, anh Thành chia sẻ rằng, dẫu còn nhiều khó khăn, nhưng sẽ vẫn theo đuổi con đường làm sao để xã hội có cái nhìn đúng hơn về những con người có xu hướng tình dục bị cho là “không đúng với tự nhiên”.

Khởi đầu từ năm 2008, nhưng phải mãi đến năm 2014, DNXH mới được chính danh khi mà Ðiều 10 Luật Doanh nghiệp bổ sung năm 2014 và Nghị định 96/2015/NÐ-CP, đã nêu định nghĩa chính thức về DNXH với đầy đủ quyền và nghĩa vụ. Ðây được coi là thành tựu về mặt pháp lý chưa hề có tiền lệ tại châu Á, cho thấy sự ghi nhận của Nhà nước với vai trò của DNXH trong nền kinh tế.

Bên cạnh những thành tựu về pháp lý, hoạt động ươm tạo và hỗ trợ các DNXH cũng có những kết quả đáng ghi nhận. Một nghiên cứu gần đây cho thấy, ước tính số lượng DN kinh doanh tạo tác động xã hội đang chiếm khoảng 4% khu vực DN Việt Nam. Hiện tại, có hơn 20 tổ chức, đơn vị có các chương trình ươm tạo, tăng tốc phát triển hoặc hỗ trợ tài chính cho các DN và sáng kiến kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam. Các tổ chức, đơn vị này đã góp phần tạo nên một hệ sinh thái năng động và đa dạng, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển và lớn mạnh của DNXH Việt Nam.

Tuy nhiên, có được sự thừa nhận về mô hình doanh nghiệp hoạt động dựa trên mục tiêu giải quyết, cải thiện những vấn đề xã hội - môi trường, vẫn là chưa đủ. Con đường mà chị Vân, anh Thành và không ít chủ DNXH khác lựa chọn còn không ít chông gai.

Lan tỏa sứ mệnh vì cộng đồng

Bà Phạm Kiều Oanh, sáng lập, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), phân tích, thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để DNXH có thể phát huy hết tiềm năng của mình trong khi hệ sinh thái hỗ trợ còn khá mỏng. Quả vậy, rào cản trước hết đối với những DNXH đó chính là nguồn vốn, mô hình kinh doanh thường nhỏ và thiếu kinh nghiệm, chi phí cho sản xuất lại cao hơn DN bình thường do nguồn lao động của DNXH thường là người yếu thế, chất lượng lao động và năng suất lao động thấp, dẫn tới lợi nhuận không cao. TS Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng lưu ý, “khi mà hệ sinh thái DNXH Việt Nam còn chưa thật sự phát triển, DN cần phải đề đạt nguyện vọng với Chính phủ để nhận được sự hậu thuẫn chính sách hơn nữa”.

Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất bổ sung quy định miễn thuế đối với phần thu nhập không chia của DNXH, đồng thời bổ sung quy định hướng dẫn việc xác định thu nhập không chia của các cơ sở xã hội hóa hiện hành và DNXH. Nếu những đề xuất này được thông qua, cùng với những chính sách miễn và giảm thuế cho DNXH hiện đang được quy định trong Luật Doanh nghiệp sẽ tạo điều kiện hơn nữa để tạo nên một hệ sinh thái DNXH liên kết mạnh mẽ, phát huy triệt để thế mạnh của DNXH trong công cuộc giải quyết những vấn đề xã hội.

Những điều luật, những chính sách như thế này cũng chính là sự công nhận của Nhà nước về vị thế của DNXH, khiến cho những doanh nghiệp như G-link hay Imator ngày càng có thêm động lực để thực hiện sứ mệnh của mình đối với xã hội, đồng thời truyền cảm hứng cho cộng đồng.

Lựa chọn đặt trách nhiệm xã hội lên trên lợi nhuận thông thường đó đang là lựa chọn của nhiều DN trên thế giới. Nếu có được sự chung sức của cộng đồng, sự hỗ trợ từ quản lý nhà nước, những DNXH của Việt Nam sẽ hòa chung dòng chảy của DN trên thế giới với cùng mục tiêu “Vì một thế giới tốt đẹp hơn”!

Nguồn: Nguyễn Hà - Báo Nhân dân

Từ Khóa Phổ Biến