Ngôn ngữ
Tin tức
CHUYÊN GIA KIẾN NGHỊ TẠO "CẦU" CHO DOANH NGHIỆP XÃ HỘI PHÁT TRIỂN
  • 09/10/2018

ENTERNEWS.VN Theo TS Nguyễn Đình Cung, những chương trình như xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi nghề cho thanh niên... nếu được thực hiện bằng phương pháp đấu thầu sẽ tạo "cầu" và cơ hội cho doanh nghiệp xã hội.

 

Theo ông Hoàng Hưng - đại diện tỉnh Hoà Bình, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động xã hội của tỉnh chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp còn gặp nhiều rào cản trong vấn đề tiếp cận nguồn lực vốn và đặc biệt là nhận thức của người tiêu dùng về hoạt động của doanh nghiệp xã hội.

 

Hội thảo quốc tế Một thập kỷ phát triển doanh nghiệp xã hội Việt Nam và châu Á với chủ đề 'Hợp lực tạo tác động" ngày 9/10 tại Hà Nội.

 

Chỉ chiếm 4% doanh nghiệp Việt Nam

Có cùng quan điểm, bà Phạm Kiều Oanh - Sáng lập, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) cũng cho biết, số lượng doanh nghiệp xã hội hiện còn hạn chế, năng lực quản trị hạn chế.

 

Theo Báo cáo nghiên cứu về khu vực doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB) tại Việt Nam, hiện có 22.000 doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội đang chiếm khoảng 4% khu vực doanh nghiệp Việt Nam.

 

Báo cáo cũng cho thấy doanh nghiệp cân bằng mục tiêu xã hội và kinh tế là mô hình kinh doanh bền vững. 70% SIB đang kinh doanh có lợi nhuận. 59% SIB ở Việt Nam lựa chọn cân bằng giữa mục tiêu xã hội và kinh tế, 34% tập trung vào mục tiêu xã hội. Việc làm, cuộc sống mạnh khỏe, hạnh phúc cho mọi người và bảo vệ môi trường là ba lĩnh vực tác động hàng đầu của SIB.

 

Điều đáng nói, tron số 22.000 doanh nghiệp này có đến 30% là doanh nghiệp siêu nhỏ và 70% là doanh nghiệp nhỏ. “Thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để doanh nghiệp xã hội có thể phát huy hết tiềm năng của mình trong khi hệ sinh thái hỗ trợ còn khá mỏng”, bà Oanh nhận định.            

 

Trong khi đó, doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp tạo tác động xã hội là mô hình của phát triển bền vững. Nói như bà Catherine Phuong - Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP tại Việt Nam chia sẻ: "Nắm bắt mô hình kinh doanh này là tối quan trọng đối với Việt Nam. Cụ thể là phát triển cách tiếp cận bền vững và bao trùm hơn cho tăng trưởng kinh tế thông qua đổi mới sáng tạo và công nghệ; nâng cao năng suất lao động, đồng thời giải quyết những thách thức về xã hội và môi trường mà quốc gia đang đối mặt, và đẩy nhanh tiến độ thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững".

 

Lý giải điều này, TS Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, doanh nghiệp bình thường còn chưa phát triển được vì những rào cản, khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thì doanh nghiệp xã hội hoạt động còn khó khăn gấp bội phần.

 

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định, doanh nghiệp xã hội là cách thức sáng tạo để thực hiện các vấn đề xã hội.

 

Bởi vậy, môi trường sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp truyền thống cần được cải thiện, khi đó doanh nghiệp xã hội mới có dư địa để phát triển”, ông Cung nhấn mạnh

 

Cơ quan chuyên trách về phát triển

Viện trưởng CIEM cũng cho rằng, doanh nghiệp xã hội là cách thức sáng tạo để thực hiện các vấn đề xã hội và Việt Nam có những dư địa để phát triển doanh nghiệp xã hội.

 

Chính phủ đã có nhiều chương trình như xoá đói giảm nghèo, chuyển đổi nghề cho thanh niên... Tuy nhiên, cách triển khai các chương trình này còn mang tính hành chính. Nếu thay đổi cách làm đó bằng phương pháp đấu thầu cho doanh nghiệp, trong đó ưu tiên cho doanh nghiệp xã hội thì đó là cách thức tạo cầu và cơ hội cho doanh nghiệp xã hội”, ông Cung kiến nghị.

 

Cũng theo Viện trưởng CIEM, nếu thay đổi cách thức thực hiện các chương trình xã hội, chưa cần ưu tiên, ưu đãi đã là cơ hội cho doanh nghiệp xã hội. Để làm được điều này, cần những người đứng đầu cơ quan nhà nước quyết liệt.

 

Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng cần chủ động, cụ thể là chủ động kết nối nhiều hơn, tạo dư địa và đóng góp sự thay đổi xã hội, chúng ta hoàn toàn có thể làm được điều đó”, ông Cung nhấn mạnh.

 

Nhóm nghiên cứu của PGS.TS Trương Thị Nam Thắng - Giám đốc Trung tâm sáng tạo xã hội và khởi nghiệp (ĐH Kinh tế Quốc dân) thì đề xuất, thành lập cơ quan nhà nước riêng cho doanh nghiệp xã hội, doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội.

 

Đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách về phát triển doanh nghiệp tạo tác động xã hội, sáng tạo xã hội và khởi nghiệp vì xã hội. Tại các nước Thái Lan, Maylaisia và Hàn Quốc cũng có cơ quan tương tự, tại Việt Nam, cơ quan này có thể thuộc Bộ KH&ĐT hoặc văn phòng 844 liên quan đến khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Bộ KH&CN”, đại diện nhóm nghiên cứu đề xuất.

Nguồn: Thy Hằng - Báo Diễn đàn Doanh nghiệp

Từ Khóa Phổ Biến