-
- 11/02/2016
(DĐDN) – Luật Doanh nghiệp sửa đổi ban hành tháng 11/2014 đã đi vào lịch sử, mở ra một chương mới cho cộng đồng doanh nghiệp Việt khi lần đầu tiên khai sinh khái niệm Doanh nghiệp xã hội đàng hoàng trong hệ thống pháp lý.
Doanh nghiệp xã hội được định nghĩa là DN hoạt động theo cơ chế thị trường với triết lý kinh doanh gắn liền với xây dựng cuộc sống bền vững, giải quyết các vấn đề xã hội thay vì lợi nhuận thuần tuý.
Với 24 triệu người chiếm 28% dân số thuộc diện đối tượng cần hỗ trợ bao gồm hộ nghèo và cận nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người mãn hạn tù, người nhiễm HIV/AIDS, người già neo đơn. Đồng thời hàng loạt các vấn đề xã hội nẩy sinh và chưa giải quyết được hết như bạo lực xã hội, lối sống không lành mạnh, stress của dân đô thị, giáo dục và y tế quá tải và bất hợp lý, thực phẩm an toàn, xử lý rác thải, ô nhiễm không khí, tiết kiệm năng lượng, bảo tồn văn hóa …. thì sự đồng hành của DN cùng với Chính phủ chạm đến vấn đề gốc rễ sâu xa là vấn đề xã hội làm cho cộng đồng trở nên nhân văn hơn.
Theo quy định tại Điều 10 Luật DN sửa đổi thì Doanh nghiệp xã hội là DN được đăng ký thành lập theo quy định của Luật DN. Doanh nghiệp xã hội sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của DN để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký, chứ không nhằm mục tiêu chia cho cổ đông hay thành viên. Doanh nghiệp xã hội có quyền kinh doanh tạo nguồn thu để bù đắp chi phí và phát triển các giá trị xã hội, tuyệt nhiên không phải để tối đa hóa lợi nhuận. Do đó, các DN này cũng cần có chiến lược vận hành nói chung và chiến lược phát triển tổng thể nói chung khác cơ bản so với các DN hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.
Đến thời điểm hiện nay, chưa có DN nào chính thức được thừa nhận pháp lý là Doanh nghiệp xã hội do việc đăng ký chuyển đổi mô hình hay thành lập mới Doanh nghiệp xã hội chưa tiến hành được vì thiếu thông tư hướng dẫn thi hành Nghị định 96. Trong thực tiễn, không cần đợi đến khi có luật, hàng chục ngàn tổ chức và DN có những đặc điểm của Doanh nghiệp xã hội đã hình thành từ lâu đời. Theo số liệu của Hội đồng Anh thì Việt Nam có khoảng 165.000 tổ chức có một số đặc tính hoạt động như Doanh nghiệp xã hội. Các mô hình Doanh nghiệp xã hội như Reaching Out, Kymviet, Thương Thương Handmade, Blind Link, Tò he … góp phần giải quyết vấn đề lao động cho người khuyết tật, đã thực sự truyền cảm hứng ra cộng đồng bởi những người thủ lĩnh tốt bụng và can đảm.
Giới trẻ Việt hiện nay khi khởi nghiệp thường quan tâm làm sao lồng ghép được các vấn đề môi trường và xã hội thông qua các mô hình kinh doanh. Đây là dấu hiệu tích cực trong thay đổi nhận thức lớp trẻ, nhận thức cộng đồng, hướng đến sự nhân văn ngay từ khi hình thành ý tưởng kinh doanh.
Bên cạnh sự chủ động của mỗi cá nhân khi khởi nghiệp góp phần giải quyết các vấn đề nhân văn, thì hình thành các cầu nối cộng đồng hoạt động phi vụ lợi, nhằm chia sẻ kiến thức, liên kết các cá nhân, tổ chức, DN có cùng tâm huyết hướng tới xây dựng DN xã hội theo xu hướng chung của quốc tế, gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, nhằm khai thác tối đa nguồn lực của khối tư nhân, đầu tư để giải quyết các vấn đề của xã hội và môi trường như Mạng lưới Doanh nghiệp xã hội Việt Nam (VSEN) và Mạng lưới học giả DNXH Việt Nam (VSES).
Phan Thị Thùy Trâm
Lý do cơ bản tạo tiền đề cho sự ra đời Doanh nghiệp xã hội chính là xuất phát từ nhu cầu và kỳ vọng của con người trong việc cân bằng giá trị kinh tế và giá trị xã hội.
Doanh nghiệp xã hội được xem như một giải pháp cho những vấn đề xã hội kinh niên như trợ giúp những người yếu thế, người yếm thế hay góp phần bảo vệ môi trường. Doanh nghiệp xã hội được coi là một trong những hình thái tận dụng nguồn lực mới bên cạnh crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) hay crowdsourcing (sử dụng ưu thế đám đông) … trợ giúp DN khai thác ý tưởng, trí tuệ tiềm ẩn từ cộng đồng, giúp giảm chi phí và gia tăng hiệu suất lao động. Vì thế, khi xã hội càng nhiều vấn đề cần giải quyết thì DNXH được coi là một công cụ, nếu biết cách sử dụng sẽ là hữu hiệu.
Trong khi CSR với mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, dành một phần lợi nhuận để thực hiện các dự án xã hội phụng sự cho chiến lược kinh doanh của DN nhằm thỏa mãn kỳ vọng của cổ đông, thì Doanh nghiệp xã hội có thể gây quỹ tài chính thực hiện các dự án xã hội dựa trên các vấn đề xã hội nóng bỏng mà chưa giải quyết.
Trong dự án CSR, chủ DN và cổ đông chỉ cần dành một phần lợi nhuận cho dự án xã hội mà không cần trực tiếp tham gia, ngược lại, họ phải tham gia trực tiếp vào dự án xã hội của Doanh nghiệp xã hội.
Trong khi CSR giải quyết rất hạn chế các vấn đề xã hội do tập trung chính yếu vào các tác động trực tiếp và tiêu cực của môi trường và xã hội vào công ty, thì DNXH coi kim chỉ nam là tối đa hóa mục tiêu xã hội nhằm trợ giúp trực tiếp những người nghèo nhất trong số những người nghèo hay những người cần được trợ giúp khẩn cấp nhất.
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực