Ngôn ngữ
Tin tức
Khu dự trữ sinh quyển thế giới quần đảo Cát Bà Tiềm năng phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội
  • 05/01/2016

Đặc điểm của doanh nghiệp xã hội

 

Có sự khác biệt giữa loại hình DNXH với tổ chức từ thiện và các loại hình doanh nghiệp khác. Cụ thể: Doanh nghiệp thương mại thường có hoạt động kinh doanh phục vụ lợi ích của doanh nghiệp; coi lợi nhuận là mục tiêu cho chủ doanh nghiệp hoặc cổ đông. Tổ chức từ thiện thường ít tạo ra lợi ích kinh tế, phụ thuộc vào tài trợ, bảo trợ, hoặc bao cấp. Trong khi đó, DNXH kinh doanh không vì lợi nhuận cá nhân, mà vì lợi ích chung cho cả cộng đồng, xã hội và môi trường. DNXH vì vậy có vị trí trung tâm trong các loại hình tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, đặc biệt là về khả năng lý tưởng trong việc kết hợp giữa sáng kiến tạo ra lợi nhuận với mục tiêu phục vụ cộng đồng, xã hội.

 

DNXH sử dụng lợi nhuận làm công cụ để giải quyết các vấn đề và nhu cầu của xã hội và môi trường. Trong mô hình DNXH lợi nhuận không được thâu tóm bởi một hoặc một nhóm cá nhân, mà hầu hết giá trị thặng dư được dành để tái đầu tư, gây dựng, phát triển các dự án, DNXH khác phục vụ cộng đồng và môi trường. Một ví dụ gần đây nhất, ông chủ tỷ phủ của mạng xã hội Facebook quyết định dành 99% tổng giá trị tài sản sở hữu cổ phiếu (tương đương 45 tỷ đô la Mỹ) để phát triển một doanh nghiệp có mục tiêu phúc lợi chung cho xã hội và con người.

Trung tâm Ecolife cà phê ở xã Phù Long có nhiều hoạt động phù hợp với mô hình doanh nghiệp xã hội.                           Ảnh: Phương Duy

Trung tâm Ecolife cà phê ở xã Phù Long có nhiều hoạt động phù hợp với mô hình doanh nghiệp xã hội.

Ảnh: Phương Duy

Để khởi nghiệp một DNXH cần bắt đầu từ “ý tưởng sáng tạo” về nhu cầu, sản phẩm hay dịch vụ có thể kinh doanh tạo lợi nhuận, nhưng lại có tác dụng phục vụ các nhu cầu cấp thiết trong sản xuất, sinh hoạt của cộng đồng; đi liền với ý tưởng đó là cam kết dành phần lớn hoặc hầu hết lợi nhuận thặng dư (ít nhất 51%) để tạo ra thêm những sáng kiến, dự án, DNXH mới tiếp tục theo cách đó. Kết quả, dần dần sẽ tạo ra một lượng vốn thặng dư tương đối lớn do các DNXH đóng góp, từ đó có thể được sử dụng như một “quỹ cộng đồng chung để khuyến khích, hỗ trợ và phát triển các sáng kiến phát triển cộng đồng”, xây dựng niềm tin, sự đùm bọc và thịnh vượng chung. Các sáng kiến DNXH cần bắt nguồn và hướng tới khôi phục, làm giàu các bản sắc tốt đẹp riêng có của mỗi cộng đồng về sinh kế, văn hóa và môi trường.

 

Nhiều điển hình đề cao trách nhiệm với cộng đồng, môi trường

 

Khu dự trữ SQTG quần đảo Cát Bà có những tiềm năng thuận lợi để khuyến khích, phát triển loại hình DNXH. Tại đây các doanh nghiệp được xây dựng nhãn hiệu chứng nhận và Quỹ phát triển bền vững là  những công cụ quan trọng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

 

Ban quản lý Khu dự trữ SQTG Cát Bà luôn hỗ trợ khuyến khích hình thành mối liên kết 5 bên, gồm: nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, tổ chức dân sự xã hội và nhà nông nhằm cải thiện sinh kế người dân thông qua việc phát triển các sản phẩm đặc sản địa phương theo hướng thương mại, sản xuất hàng hóa gắn với nhãn hiệu khu dự trữ sinh quyển. Quỹ phát triển bền vững luôn được các tập thể, cá nhân đóng góp, tài trợ nhằm khuyến khích, hỗ trợ các sáng kiến bảo tồn và phát triển bền vững phục vụ phát triển bền vững tại Khu dự trữ SQTG.

 

Hiện tại Khu dự trữ SQTG Cát Bà chưa có DNXH nào được thành lập. Tuy nhiên có nhiều điển hình trong sản xuất, kinh doanh đề cao trách nhiệm với cộng đồng, môi trường. Cụ thể, năm 2012, mô hình du lịch sinh thái cộng đồng được hình thành tại xã rừng ngập mặn Phù Long, do18 hộ dân tự nguyện thành lập và vận hành. Mô hình này có các nhóm như: nấu ăn, nghỉ tại nhà dân (homestay), hướng dẫn tham quan (làng quê, rừng ngập mặn, hang động đá vôi), nuôi trồng thủy sản, chèo thuyền vận chuyển khách, ca nhạc dân gian (chèo, múa quạt…) phục vụ khách du lịch. Với việc đẩy mạnh quảng bá và liên kết với các đơn vị lữ hành, hoạt động của mô hình ngày càng ổn định, tạo thu nhập gia tăng cho các hộ dân địa phương.

 

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản cũng xuất hiện nhiều sáng kiến, mô hình tương đồng như liên kết trồng, tiêu thụ hồng hoa, mật ong, cam, rau sạch, nuôi cua, nhuyễn thể thân thiện rừng ngập mặn, du lịch, giải trí tại khu nuôi cá lồng sinh thái trên biển… Mô hình CLB doanh nghiệp Nhãn hiệu sinh quyển cho thấy lợi ích của sự tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong việc xây dựng, duy trì chuẩn mực chất lượng và giá trị sản phẩm dịch vụ hướng tới đẳng cấp thương hiệu thế giới.

 

Tuy nhiên, sự thành công của một mô hình DNXH không chỉ cần có “một ý tưởng tốt”, mà còn đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ năng sản xuất, kinh doanh đồng bộ, và một môi trường hỗ trợ phù hợp. Đối với các hộ dân cần có những chương trình tập huấn giúp họ có kiến thức, năng lực để chuyển đổi sang các ngành nghề dịch vụ, hoặc chuyển mình thành những doanh nhân làm nông nghiệp. Các doanh nghiệp nâng cao chuẩn mực giá trị, chất lượng sản phẩm phục vụ du khách, người tiêu dùng; tăng cường gắn kết, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng mặt bằng chất lượng chung theo hiệp hội; ưu tiên sử dụng lao động, nguyên liệu, sản phẩm tại địa phương; khai thác triệt để uy tín, thương hiệu toàn cầu của nhãn hiệu khu dự trữ SQTG.

 

Lê Thanh Tuyên

 

(Thư ký BQL Khu dự trữ SQTG Cát Bà)

 

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến