Ngôn ngữ
Tin tức
Bóng hồng sáng lập viên CSIP: Cân bằng là đạt được hạnh phúc theo định nghĩa riêng
  • 08/03/2016
Bóng hồng sáng lập viên CSIP: Cân bằng là đạt được hạnh phúc theo định nghĩa riêng

Bà Phạm Kiều Oanh, Người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP).

Năm 2008, bà Oanh sáng lập CSIP và từ đó cho đến nay CSIP đã hỗ trợ hình thành và phát triển cho 78 doanh nghiệp xã hội (DNXH) trên cả nước. Ngoài vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội bà Oanh còn tích cực tham gia vận động chính sách để đưa DNXH vào luật. Kết quả loại hình doanh nghiệp này đã được ghi nhận tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014.
Trước khi gắn bó với CSIP, bà Oanh đã có nhiều năm tham gia hoạt động xã hội tại các cơ quan quốc tế, tổ chức phi chính phủ về quyền phụ nữ và trẻ em. Hiện nay, bên cạnh vai trò điều hành CSIP, bà Oanh còn là đồng sáng lập mạng lưới DNXH châu Á, thành viên của Hiệp hội Từ thiện châu Á, sáng lập câu lạc bộ DNXH Việt Nam.
Nhân ngày Quốc tế phụ nữ (8/3) BizLIVE đã có cuộc trao đổi với người phụ nữ có nhiều ảnh hưởng với doanh nghiệp xã hội trong và ngoài nước này:
DNXH vẫn là một hình thức doanh nghiệp còn chưa được nhiều người Việt Nam biết đến, chưa có nhiều doanh nghiệp theo đuổi con đường này. Vậy tại sao bà lại lựa chọn đi theo con đường mới mẻ này?
Có lẽ vào thời diểm này, DNXH mới chỉ có những phát triển bước đầu tuy nhiên ít nhất nó cũng đã được ghi nhận trong các văn bản luật.
Còn vào những ngày đầu thành lập CSIP để hỗ trợ DNXH, nhiều người còn chưa biết DNXH là gì, thậm chí họ còn hồ nghi khái niệm DNXH, liệu việc kết hợp các vấn đề xã hội với kinh doanh có thực sự giải quyết được các vấn đề xã hội hay không.
Những người đi tiên phong như tôi, phía trước chưa có sẵn cái gì để gặt hái ngay lập tức mà phải xây dựng dần dần. Lĩnh vực DNXH là lĩnh vực rất mới nên không có gì đáng ngạc nhiên khi chưa có được những doanh nghiệp lớn như mong muốn nhưng tôi rất tin tưởng đây là một hướng đi đúng đắn. Đúng vì khi quay lại nhìn về lịch sử phát triển của các tổ chức xã hội hay các doanh nghiệp mình sẽ thấy, ngày xưa các tổ chức từ thiện xã hội và các doanh nghiệp như là hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Một thế giới hoạt động từ trái tim còn một thế giới thì thuần về khối óc. Trí tuệ và trái tim rất cần thiết cho nhau nhưng đôi lúc nó là hai thực thế hoàn toàn khác nhau và không có nhiều sự kết hợp lắm.
Tuy nhiên, DNXH lại là con đường kết hợp được cả trí tuệ, sự sắc sảo và kiến thức kinh doanh với những mục tiêu cao cả từ trái tim. Trong những năm gần đây, nhất là từ các năm 2008 đến nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra rằng không thể càng phát triển lên theo những cách như cũ mà rất nhiều học giả, kể cả các nhà kinh tế lơn trên thế giới đều đưa ra một quan điểm rất rõ ràng rằng những doanh nghiệp mà không hướng đến sự phụng sự cộng đồng, không gắn lợi ích doanh nghiệp với lợi ích của cộng đồng thì doanh nghiệp ấy rất dễ sụp đổ hoặc không được cộng đồng ủng hộ. 
Trong khi đó, các tổ chức xã hội một thời gian rất dài mặc dù đã làm được những công việc rất tốt nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài chính. Vì thế hướng đi kết hợp doanh nghiệp và xã hội này nó sẽ giải quyết được đồng thời hai thách thức của cả hai khối kinh doanh và xã hội. Tôi có niềm tin rằng nếu như chúng ta đã tìm được hướng đi thì dù có khó khăn, gặp nhiều chông gai và chưa có nhiều người ủng hộ thì đó vẫn là hướng đi đúng của tương lai. Bản thân tôi nhận thấy tại nhiều quốc gia trên thế giới họ cũng đã ghi nhận và dần đi theo hướng đi này.
Bà Phạm Kiều Oanh cùng TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế Trung ương là hai người đã tích cực tích cực tham gia vận động chính sách để loại hình DNXH được luật pháp công nhận.
Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc cho các tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ, bà nhận thấy DNXH Việt Nam có đặc thù gì khác với DNXH tại các quốc gia khác?
Theo tôi bối cảnh của mỗi đất nước rất khác nhau cho nên không có một DNXH nào giống DNXH nào cả. Trên thế giới có thể tạm chia ra làm hai cách thức phát triển DNXH: Theo kiểu Anh và kiểu Mỹ. 
Ở Anh DNXH là một phần của một loại hình lớn hơn là “big society” (xã hội rộng lớn) bao gồm khối xã hội rộng lớn cả các vấn đề dân sự và doanh nghiệp cũng như các tổ chức xung quanh, nên DNXH có điều kiện phát triển trong “big society” đó và nhà nước hỗ trợ phát triển bằng các hỗ trợ trực tiếp như vốn, phương tiện, kỹ thuật cũng như tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho dn phát triển. Đó là hướng đi chung của các nước châu Âu đi theo hướng nhà nước phúc lợi.
Nhưng ở một số nước khác như Mỹ hay Singapore,… nhà nước không can thiệp sâu mà tạo sự phát triển từ dưới đi lên của các cá nhân cũng như các DNXH. Những chính phủ như của Mỹ họ có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tài trợ cho các DNXH hoặc các tổ chức DXNH rất tốt. Tuy nhiên, ở Việt Nam chúng ta chưa có được nhiều yếu tố thúc đẩy như vậy. 
Dù vậy, Việt Nam lại có một yếu tố rất tốt là Chính phủ công nhận DNXH là một hướng đi tốt và cần thiết, chính vì vậy Nhà nước đã có những chính sách hỗ trợ, đưa hẳn loại hình DNXH vào Luật Doanh nghiệp. Đây là một trong những điều hiếm có mà không có nhiều nước trên thế giới làm được điều này. 
Một đặc thù thứ hai của Việt Nam là hầu hết các doanh nghiệp vẫn xem sự chia sẻ với cộng đồng là trách nhiệm bắt buộc hơn là thiện nguyện và khi họ làm thiện nguyện họ thường làm dưới hình thức từ thiện nhiều hơn là thành lập ra các tổ chức có sứ mệnh lâu dài, cho nên khi chúng tôi gây vốn, tìm được các doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư vốn thực sự là khó khăn. 
Dẫu vậy, vẫn có một điều thuận lợi là bản chất các doanh nghiệp nước ta vốn có nhiều gắn bó với nhiều lĩnh vực gần gũi với DNXH như nông nghiệp, phát triển nông thôn, sản xuất các sản phẩm văn hóa địa phương, gắn với cộng đồng. Đây là sự gắn bó tự nhiên hữu cơ nên khi doanh nghiệp có ý thức trách nhiệm xã hội thì họ đã tìm thấy DNXH như một phương thức để họ có thể vừa phát triển doanh nghiệp vừa góp phần giải quyết các vấn đề như nghèo đói, khuyết tật,… ở những cộng đồng mà họ làm việc. Đây là một đặc điểm hơi khác biệt so với các nước khác.
Tại các nước khác DNXH của họ rất phát triển nên loại hình doanh nghiệp kinh doanh cùng với người nghèo không phổ biến như ở Việt Nam. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam trong bối cảnh các nhà tài trợ đang rút đi, thiếu nguồn vốn để phát triển đang mong muốn chuyển hướng sang kinh doanh để duy trì hoạt động.
Vậy làm thế nào để các tổ chức xã hội dân sự sau khi bị cắt nguồn tài trợ có thể chuyển đổi thành DNXH để vừa tạo ra được lợi nhuận từ kinh doanh vừa giúp đỡ xã hội?
Thực ra với các tổ chức xã hội dân sự hiện nay hầu hết vẫn đang phụ thuộc vào bên ngoài, trước đây phần lớn phụ thuộc vào vốn tài trợ nước ngoài nhưng rõ ràng hiện nay nguồn hỗ trợ đấy đang giảm dần và nó đang thay đổi rất nhiều, trở thành thách thức với rất nhiều tổ chức. Họ cần rất nhiều phương thức để đa dạng hóa nguồn vốn và DNXH nó chỉ là một phương thức để đa dạng hóa nguồn vốn chứ nó không thay thế các nguồn vốn khác. 
Theo tôi, các tổ chức này thay vì phụ thuộc nguồn vốn tài trợ nước ngoài như trước đây, họ có thể chuyển hướng gây vốn từ các doanh nghiệp, cá nhân trong nước. Bản thân họ cũng cần vận hành các mô hình kinh doanh theo hướng DNXH để có thể đáp ứng cả hai mục tiêu phát triển kinh tế và tác động xã hội. 
Đối với loại hình DNXH này luôn luôn có những nhà đầu tư, tuy nhiên thực tế, các nhà đầu tư chỉ tập trung vào các doanh nghiệp tương đối lớn còn những doanh nghiệp rất nhỏ, gặp rất nhiều khó khăn thì nguồn vốn đầu tư tại chính lại rất hạn chế. Do đó, CSIP và các tổ chức khác phải nỗ lực rất nhiều để thu hút được nguồn vốn cho các DNXH nhỏ này.
CSIP hỗ trợ rất nhiều dự án liên quan đến người khuyết tật.
Ở các nước như Mỹ có rất nhiều người, trong đó có các tỷ phú họ hiến phần lớn tài sản cho các tổ chức từ thiện hoặc tự lập các quỹ từ thiện để giải quyết các vấn đề lớn toàn cầu nhưng ở Việt Nam các doanh nhân rất ít người làm từ thiện hoặc bỏ tiền ra lập quỹ để giúp đỡ lại xã hội hoặc các tổ chức xã hội. Theo bà đâu là rào cản?
Thực ra tôi nghĩ có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân đầu tiên là ở những nước như Mỹ xã hội tư bản đã rất phát triển, thế hệ doanh nhân hiện nay không còn là thế hệ đầu tiên nữa mà đã là thế hệ con cháu, chắt,… Còn ở Việt Nam sau đổi mới 1986, mãi đến những năm đầu 1990 những doanh nghiệp tư nhân mới bắt đầu phát triển, mới có vài chục năm phát triển và chúng ta mới chỉ có một vài tỷ phú đô la. Hơn nữa, quá trình tích lũy tư bản cũng cần có thời gian.
Và điều quan trọng hơn nữa là tinh thần văn hóa từ thiện của các nước châu Âu được thể hiện khá rõ ràng. Ở Việt Nam việc làm từ thiện vẫn có, số tiền làm từ thiện được hỗ trợ cho đồng bào khó khăn, bão lũ, thiên tai,… vẫn khá nhiều nhưng đó là từ thiện đơn thuần.
Hơn nữa, ở các nước phát triển ở một trình độ cao hơn, thì mức phúc lợi xã hội thấp nhất đã được Nhà nước đáp ứng và như vậy các nhà đầu tư thiện doanh có điều kiện đầu tư sâu hơn vào những nhu cầu phát triển con người, việc làm cũng như những mục đích có tính chất lâu dài chứ không phải những việc có tính chất ngắn hạn như “cho con cá” nữa mà họ bắt đầu nghĩ đến việc “cho cần câu”. 
Còn ở Việt Nam do tầng lớp dân nghèo còn rất nhiều nên nhu cầu “cho con cá” vẫn còn và đó cũng là điều chạm đến sự trắc ẩn của rất nhiều người nên họ rất dễ quyên góp tiền, lương thực thực phẩm, quần áo để ủng hộ. Tuy nhiên, sẽ khó hơn rất nhiều nếu chúng ta quyên góp để nâng cao năng lực của một cộng đồng và giúp cho một doanh nghiệp phát triển. Chúng ta chưa có một thói quen đầu tư một cách lâu dài mà mới chỉ có thói quen chia sẻ ngắn hạn. 
Một nguyên nhân nữa là chúng ta chưa có hệ thống pháp luật hỗ trợ cho việc thành lập các quỹ từ thiện tư nhân rộng rãi như tại một số nước phát triển. Mặc dù Nhà nước có những nghị định quy định về lập quỹ từ thiện nhưng trên thực tế việc các doanh nghiệp tư nhân hoặc các cá nhân muốn thành lập các quỹ này vẫn gặp khó nên số lượng các tổ chức từ thiện tư nhân rất hạn hữu, chỉ có một số người nổi tiếng lập một vài quỹ nhưng các quỹ này cũng chưa phải là đã có quyết định thành lập,…
Nhiều người làm kinh doanh đặt mục đích lợi nhuận lên trên, nhưng làm DNXH lợi nhuận không nhiều. Vậy bà có cho rằng công việc mình đang làm gần giống như làm từ thiện?
Thực ra mọi người đều nói tiền là quan trọng và tôi cũng không phủ nhận điều đó. Nhưng mọi người cũng biết tiền bạc không phải là mục đích cuối cùng mà nó chỉ là phương tiện. Và rõ ràng nếu như chúng tà có đầy đủ phương tiện, chúng ta có thể  thỏa mãn những điều kiện để đạt được một mục tiêu gì đó trong cuộc sống.
Với tôi tiền bạc đơn giản là công cụ đạt được hạnh phúc và giúp đỡ được cho nhiều người hơn. Ở góc độ đó, nó không phải là đích đến mà chỉ là phương tiện thôi. Do đó, nhiều khi tiền của mình thậm chí được dành để giúp đỡ cho nhiều người, còn trong trường hợp không có tiền thì vẫn có thể giúp đỡ được người khác thông qua việc gây quỹ, làm kinh doanh,… Tôi xem việc gây được quỹ, làm được một dự án có ý nghĩa cho cộng đồng là hạnh phúc.
Là một người phụ nữ làm kinh doanh, bà có thấy khó khăn gì hơn so với nam giới? Bà làm thế nào để cân bằng được công việc và cuộc sống?
Tôi nghĩ cân bằng thực chất là vấn đề xác định được sự ưu tiên trong cuộc sống. Thế nào cân bằng? cân bằng không có nghĩa là 50/50, không có nghĩa là tôi dành một nửa thời gian, công sức cho công việc, một nửa thời gian, công sức cho gia đình. Mà cân bằng là đạt được hạnh phúc theo định nghĩa của mình.
Với tôi hạnh phúc là niềm vui với gia đình, với con cái và nó cũng phụ thuộc một phần rất lớn vào thành công của công việc, nhất là những công việc có ý nghĩa.
Cá nhân, doanh nghiệp nào cũng hướng đến sự thành đạt và đó cũng là một điều kiện để hướng đến hạnh phúc nhưng cách nhìn về khuôn mặt, diện mạo của hạnh phúc đối với mỗi người lại khác nhau. Có những người định nghĩa hạnh phúc phải hoàn hảo, còn với tôi, hạnh phúc nó cũng phải bao gồm gia đình, công việc và bản thân, ngoài ra còn bao gồm cả xã hội, cộng đồng. Do đó, tôi chọn công việc gắn với cả cộng đồng.

KIỀU CHÂU

 

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến