Ngôn ngữ
Tin tức
CÁC SIB CHIA SẺ KINH NGHIỆM HUY ĐỘNG VỐN CHO DOANH NGHIỆP
  • 14/06/2023

Dẫn dắt vào Tọa đàm #3 mang chủ đề “Cơ hội và thách thức của SIB khi huy động vốn tài chính" tại hội thảo “Kết nối và xây dựng hệ sinh thái SIB tại Việt Nam”, chị Nguyễn Lan Anh - Quản lí vận hành, phòng Phát triển và Sáng Kiến Chiến Lược, ĐH Fulbright đã đưa ra câu hỏi: Anh chị đang huy động vốn từ các nguồn nào? Đâu là chiến lược huy động vốn của anh chị?

Tọa đàm có sự tham gia cả các diễn giả: Chị Thạch Thị Chal Thi - Co-Founder SokFarm; Chị Đặng Thị Trường An - CEO Hoa Nắng Organic; Anh Huỳnh Hạnh Phúc - CEO, Founder Green Connect; Anh Nguyễn Phan Anh Quốc - Đại diện BlockTree.

 

CÁCH THỨC HUY ĐỘNG VỐN CỦA SIB

 

Là một doanh nghiệp sản xuất gạo, chị Trường An cho biết: đối với những doanh nghiệp nhỏ đặc biệt là về nông nghiệp thì những khái niệm như "cấu trúc vốn", "hoạch định nguồn vốn" còn rất xa vời. Đây sẽ là rào cản cho các doanh nghiệp nhỏ trong việc tiếp cận các nhà đầu tư. Với khá nhiều kinh nghiệm trong huy động vốn, chị Trường An chia sẻ: Nếu mình có sự định hướng ngay từ ban đầu thì quá trình tiếp cận nhà đầu tư sẽ dễ dàng hơn và các nhà đầu tư sẽ có cảm tình hơn. Vừa qua, Hoa Nắng Organic cũng là đơn vị đã kêu gọn thành công hơn 4 tỷ đồng từ chương trình Shark Tank Việt Nam.

Chị Thạch Thị Chal Thi - Co-Founder Sokfarm

Cùng là một đơn vị làm nông nghiệp, hiện tại Sokfarm đang huy động vốn tự có là chủ yếu và một phần từ nguồn vay ngân hàng, khi kinh doanh có lợi nhuận thì tiếp tục tái đầu tư. Mỗi doanh nghiệp sẽ có các tính chất khác nhau, một số công ty công nghệ có thể có những bước phát triển rất nhanh về mô hình tài chính, nhưng đối với các công ty về nông nghiệp hay mang đậm và phụ thuộc vào bản sắc con người thì vấn đề này cần nhiều thời gian hơn.

Anh Nguyễn Phan Anh Quốc - Đại diện BlockTree

Với BlockTree (nền tảng kết nối người trồng rừng và nhà tài trợ, sử dụng công nghệ Blockchain để xác thực việc trồng rừng thông qua NFT động), anh Anh Quốc cho biết BlockTree đã nhận được đầu tư 70.000 đô từ một quỹ phi tập trung blockchain-based (không ai là người quyết định đầu tư mà được bỏ phiếu dựa vào bộ tiêu chí của cộng đồng), tuy nhiên BlockTree cũng đang trong giai đoạn scale up để bền vững hơn.

Anh Huỳnh Hạnh Phúc - CEO, Founder Green Connect

Anh Huỳnh Hạnh Phúc cũng chia sẻ về cấu trúc vốn của Green Connect: hiện có 36 nhà đầu tư nhỏ (có số vốn 50-600 triệu) chiếm 7% cổ phần, founder chiếm 91%, còn lại 2% chia cho các thành viên trong nhóm, ngoài ra có khoản tiền vay hơn 2 tỷ từ 5 người. Với việc kinh doanh nông sản, Green Connect cũng áp dụng phương thức ứng trước khi khách hàng mua dịch vụ cho cả năm, giúp cho doanh nghiệp có một nguồn vốn đầu tư logistic, phần mềm, con người... Anh Phúc cũng cho rằng nguồn vốn từ cộng đồng (crowdfunding) rất quan trọng trong giai đoạn đầu, nhưng từ giai đoạn sau rất cần các nhà đầu tư, quỹ đầu tư đồng hành.

Các đại diện SIB trong buổi toạ đàm chia sẻ về 4 cách huy động vốn:

1. Vốn tự có, vay mượn từ gia đình

2. Kêu gọi đầu tư từ các quỹ

3. Vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên các diễn giả đều cho rằng, việc tiếp cận đến với các nguồn vốn vay tại ngân hàng không dễ dàng đối với SIB, đặc biệt SIB trong lĩnh vực nông nghiệp.

4. Huy động cộng đồng, tham gia các cuộc thi

 

CHIA SẺ KINH NGHIỆM KHI NHẬN ĐẦU TƯ

 

Các nhà đầu tư không giải ngân một lần mà họ sẽ cho doanh nghiệp (DN) các milestones (cột mốc), và cứ mỗi milestone DN cần báo cáo lại để giải ngân đợt tiếp theo. Kinh nghiệm đưa ra là DN cần chú ý trong minh bạch báo cáo vì nhà đầu tư có quyền giám sát và theo dõi, chỉ cần họ phát hiện gian dối trong báo cáo sẽ dừng đầu tư cho mình - Anh Quốc cho biết.

Với Sokfarm, người sáng lập không phải xuất phát chuyên môn liên quan đến tài chính nên việc quản lý tài chính còn khá khó khăn. Tuy nhiên, theo chị Chal Thi, việc huy động nguồn vốn với chị không chỉ là tiền, đó còn là sự hỗ trợ về chuyên môn, kiến thức, sự hợp tác, và chị rất may mắn khi có sự dẫn dắt từ các chuyên gia khi tham gia các dự án khác nhau.

Chị Đặng Thị Trường An - CEO Hoa Nắng Organic

Về kinh nghiệm làm việc với nhà đầu tư của chị An: “Luôn có lực cản và lực đẩy. Mình luôn luôn suy nghĩ làm sao dùng tiền cho hiệu quả: lợi nhuận doanh thu và những hiệu quả mình mang lại cho họ. Lực cản ở chỗ mình cần dung hòa được mong muốn của nhà đầu tư và thực lực của doanh nghiệp, cũng lưu ý không vẽ ra một bánh vẽ quá lớn so với thực lực.”

 

KHI NÀO DOANH NGHIỆP CÓ THỂ SẴN SÀNG CHO VIỆC GỌI VỐN VÀ CẦN CHUẨN BỊ GÌ ĐỂ ĐÓN NHẬN ĐẦU TƯ?

 

Các diễn giả đều thống nhất quan điểm không có công thức chung trong việc gọi vốn mà điều này phụ thuộc vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Với chị Chal Thi: Mỗi doanh nghiệp sẽ có một mô hình khác nhau, khi Sokfarm tham khảo ý kiến từ các nhà tư vấn, Sokfarm nhận được các câu hỏi như: Doanh nghiệp cần tiền để làm gì? và lời khuyên khi nào cán mốc 100 tỷ hãy gọi vốn. Mốc 100 tỷ ở đây có nghĩa là mình đã hoàn thiện quá trình phát triển và nội lực, để khi nhà đầu tư đầu tư mình sẽ biết sử dụng dòng tiền như thế nào.

Với kinh nghiệm từ Hoa Nắng, chị An chia sẻ: các vấn đề như báo cáo tài chính chỉ là các vấn đề cơ bản, chiến lược kinh doanh và cách bạn sử dụng dòng tiền mới là các vấn đề tiên quyết mà nhà đầu tư quan tâm. Các SIB cũng cần nghiên cứu kỹ về nhà đầu tư để xác định hai bên có tương thích không, quy mô và tính chất của mình có phù hợp với nhà đầu tư hay không, từ đó tiết kiệm thời gian kết nối.

 

 

Từ Khóa Phổ Biến