Ngôn ngữ
Tin tức
"Khởi nghiệp bằng cái tâm, làm tốt hơn cho làng xóm mình, cho đất nước, cho trái đất này thì không bao giờ mình thất bại..."
  • 12/06/2023

Từ việc quan sát thấy phương pháp nuôi tôm bằng máy sục không khí mang nhiều bất lợi cả mặt chất lượng sản phẩm và môi trường sinh thái, cũng như trong tương lai không đáp ứng được tầm nhìn của đất nước trong việc xuất khẩu nông sản Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ - Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần RYNAN Technologies Vietnam đã tìm ra công nghệ chuyển đổi số và mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm.

"Nhiều người nuôi tôm Việt Nam đang làm sai cách mà ngành tôm Việt Nam vẫn đứng thứ ba thế giới, vậy nếu làm đúng thì chúng ta rất có thể sẽ đứng đầu"

Lý giải về phát biểu này, TS. Mỹ nói, giá như ngành tôm Việt Nam ứng dụng sớm mô hình Tomgoxy (mô thức nuôi tôm siêu thâm canh, giàu ô xy, mọi quy trình đều được tự động, tối ưu hóa, tôm nuôi ra đảm bảo chất lượng), thì sản phẩm làm ra sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường nhập khẩu lớn trên thế giới.

Hơn thế, các vấn đề chính của ngành tôm, gồm năng suất thấp, dư lượng kháng sinh cao dẫn tới không đạt chuẩn, chi phí sản xuất cao, lãng phí nguồn tài nguyên đất và nước, sẽ được Tomgoxy giải quyết.

Năm 2020, TS. Mỹ đã nhận ra rất nhiều vấn đề của ngành tôm Việt Nam như người nuôi tôm cứ sục không khí để tạo ô xy, nhưng không để ý là không khí vào hồ lại đánh vỡ phân tôm thành những hạt nhỏ lơ lửng trong nước, phát thải nhiều chất độc hại cho tôm.

Oxy với nước - Cái nào nặng hơn?

Để người nghe dễ hình dung về cơ chế mô hình Tomgoxy của Rynan, TS. Mỹ đặt câu hỏi với đoàn đại biểu: “Oxy với nước - cái nào nặng hơn?”. Từ kiến thức hóa học cơ bản này cùng những nghiên cứu về các lỗ hổng trong ngành tôm Việt Nam, mô thức nuôi tôm mới với tên gọi Tomgoxy ra đời. “Đây là mô hình dùng oxy tinh khiết và phương pháp ôxy hóa để vá các lỗ hổng của ngành tôm”, ông giải thích.

Vậy mô hình Tomgoxy tạo tác động gì?

Mô hình này giúp người nuôi tôm thả được 300 - 500 con giống mỗi mét vuông mà không cần tới kháng sinh. Lợi ích đầu tiên là chi phí giảm rõ rệt. Thứ nữa là giảm lượng điện tiêu hao từ 5.000 kWh còn 2.000 kWh cho mỗi tấn tôm. Đó là chưa kể, nhờ cách lọc nắng, người nuôi không phải đầu tư mái che; nhờ các thiết bị cảm biến siêu âm, cách xử lý nước tự động mà việc nuôi tôm, nuôi tảo và cách đuổi chim không ồn ào…

Với thiết kế đáy ngược của Tomgoxy, việc thu gom các hạt mịn chất thải hữu cơ để siphon ra ngoài sẽ thuận lợi và không gây mang mầm bệnh được gió thổi lây truyền sang những ao nuôi tôm bên cạnh.Để phát triển bền vững ngành nuôi tôm nước lợ, chúng ta cần mô thức nuôi tôm thẻ thâm canh mới giúp sử dụng hiệu quả tài nguyên, ngăn ngừa tốt dịch bệnh, giảm chi phí sản xuất và không phát thải CO2e.

Biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và thiếu nước canh tác cần thiết bị kết nối Internet, ứng dụng công nghệ điện toán đám mây, đo đạc, phân phối và quản lý nước trong nông nghiệp, những giải pháp giúp nông dân giảm phát thải khí nhà kính hơn 50% từ phân bón, canh tác lúa theo quy trình tiết kiệm nước “ướt – khô xen kẽ”, tiết kiệm năng lượng và sức lao động… là bài toán quá khó nhưng đã có lối ra.

 

"Khởi nghiệp bằng cái tâm, làm tốt hơn cho làng xóm mình, cho đất nước, cho trái đất này thì không bao giờ mình thất bại, có chăng chưa thành công là do chưa đủ giỏi".

 

Chia sẻ thêm về khởi nghiệp, ông cho rằng để khởi nghiệp ta cần có 4 yếu tố: Sức khỏe và sức hấp dẫn - Nuôi thói quen tốt - Tâm tốt - Đa tài, việc gì cũng làm.

Trở về quê hương sau 25 năm sinh sống và làm việc tại Canada, TS. Nguyễn Thanh Mỹ chọn phương án tuyển dụng, tìm kiếm và đào tạo nhân tài ngay tại địa phương, tạo điều kiện cho lớp trẻ nơi đây ngày càng phát triển, vươn xa. Bên cạnh đó, ông cũng đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, định hướng cho những bạn trẻ khởi nghiệp tại Trà Vinh và nhiều tỉnh thành khác.

Tới thăm mô hình hoạt động tại RYNAN Technologies Vietnam (thuộc Tập đoàn Mỹ Lan) là một hoạt động nằm trong chương trình “Hành trình khám phá và kết nối Mạng lưới các tổ chức hỗ trợ SIB Việt Nam và Dự án SME Trà Vinh” được phối hợp bởi dự án Dự án ISEE- COVID và Dự án SME Trà Vinh, do CSIP là đơn vị tổ chức. Chương trình nhằm tạo cơ hội để các tổ chức trong hệ sinh thái SIBs và dự án SME giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại Trà Vinh; nâng cao nhận thức về kinh doanh tạo tác động và kết nối các nguồn lực hỗ trợ tài chính và phi tài chính cho doanh nghiệp.

Từ Khóa Phổ Biến