-
- 26/06/2015
Phát hiện và đáp ứng nhu cầu xã hội
Thi sinh trình bày đề án trước BGK, sáng 23/12 – ảnh Q.T |
Toàn bộ 7 dự án trình bày trong buổi thi sáng nay đều là “tác phẩm” của các thí sinh nam. Giám khảo của buổi thi sáng 23/12 bao gồm ông Lương Văn Lý – Nhà tư vấn đầu tư công ty luật VLT, bà Huỳnh Kim Đoan – GĐ Công ty BĐS Eden (Edenreal), bà Huỳnh Thị Anh Thư – GĐ Công ty TNHH Thiết kế quảng cáo – In ấn ATD.
Mở đầu buổi thi sáng là thí sinh Nguyễn Tuấn Tú – sinh viên ĐH Griggs với dự án Cửa hàng quần áo cũ cho trẻ em – KID4Kid”. Tuấn Tú chia sẻ, mục tiêu của dự án mang tính xã hội nhiều hơn là nhắm đến kinh doanh có lãi. Tuấn mong muốn đem đến cho mọi trẻ em cơ hội được mặc những bộ quần áo tươm tất. Giám khảo Huỳnh Kim Đoan đánh giá Tuấn Tú đã đánh giá thị trường khá kỹ, phát hiện đúng nhu cầu tuy nhiên, Tú phân bố lao động và chi phí chưa hợp lý.
Giám khảo Lương Văn Lý nhắc nhở “Mục tiêu của cuộc thi là ý tưởng kinh doanh, vì vậy khi nói đến kinh doanh phải nói đến lãi. Ý tưởng kinh doanh vì cộng đồng là rất tốt nhưng nếu không kinh doanh có lãi thì mục tiêu phục vụ cộng đồng cũng không thực hiện được”.
Giám khảo Lương Văn Lý cũng góp ý thêm về hình thức và phương pháp trình bày đề án cho tất cả thí sinh: “Khi sử dụng số liệu phải dẫn nguồn. Khi dùng thông tin, số liệu của mình phải dẫn nguồn chính xác vì người nghe cũng muốn kiểm chứng tính chính xác của thông tin, từ đó mới đánh giá được tính khả thi của dự án. Khi trình bày dự án không trình bày lẫn lộn tiếng Anh và tiếng Việt. Trong trường hợp bắt buộc phải dùng tiếng Anh thì phải có chú thích tiếng Việt”.
Giám khảo Kim Đoan nhắc chung các thí sinh: Chú ý đến cách ăn mặc, không mặc quần jean áo phông đến những nơi trang trọng. Phong thái chuyên nghiệp tự tin, giọng nói rõ ràng sẽ giúp bạn ghi điểm với BGK”.
Thí sinh Lưu Thế Vĩnh – sinh viên ĐH Kinh tế Tài chính dự thi với đề án “Dịch vụ kinh doanh phòng nghỉ ngơi cho nhân viên văn phòng”. Giám khảo Kim Đoan nhận xét: “Em có nhiệt huyết và say mê nhưng dự án có rất nhiều nguy cơ không khả thi như: Không quản lý được an toàn PCCC, không quản lý được tệ nạn xã hội. Đầu tư lớn nhưng không hiệu quả, công suất bán dịch vụ cũng chưa khai thác được tốt vì chỉ sử dụng được vào buổi trưa”.
Giám khảo Lương Văn Lý cũng lo ngại dự án của Vĩnh bị vướng về pháp lý và tiêu chuẩn khi thực thi.
Dương Quang Thái – sinh viên đến từ ĐH Deakin mang đến cuộc thi dự án “Công ty tư vấn xây dựng kế hoạch tài chính cá nhân”. Giám khảo Lương Văn Lý nhận xét dự án của Quang Thái: ”Đề án của em hơi nặng về lý thuyết. Lời khuyên của tôi là trước khi thực hiện đề án, em phải nghiên cứu thị trường cẩn thận. Thực tế là ở Việt Nam hiện nay có rất ít người có thói quen tư vấn kinh tế nên phải đến 10 năm nữa mới là thời điểm thích hợp để em khởi nghiệp. Em cũng chưa tính toán được mức lương và chi phí chính xác”.
Giám khảo Kim Đoan đánh giá đề án của Quang Thái khá thuyết phục nhưng đáng tiếc là tập trung quá nhiều đối tượng khách hàng ban đầu, vừa cá nhân vừa doanh nghiệp. Chia sẻ thêm với BGK, Quang Thái khẳng định sẽ làm thuê sau khi để tích lũy kinh nghiệm và vốn trước khi khởi nghiệp.
Nguyễn Đức Lộc – sinh viên ĐH Ngoại Thương dự thi với đề án “Công ty tổ chức sự kiện 4 student”. Giám khảo Anh Thư cho rằng khả thi hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhu cầu và phương thức hoạt động. Với kinh nghiệm nhiều năm kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo, truyền thông, giám khảo Anh Thư khẳng định dự án chưa khả thi vì dự trù kinh phí còn chưa
Tạ Nhật Minh – sinh viên ĐH Y Dược gây bất ngờ cho BGK khi đưa ra đề án ở một lĩnh vực hoàn toàn không liên quan đến chuyên môn: “Alo! Sửa xe lưu động đến ngay”. Xuất phát từ kinh nghiệm bản thân khi hư xe giữa đường mà không tìm được chỗ sửa. Minh cũng có phần trả lời câu hỏi Lương Văn Can tốt với quan điểm: ”Lợi nhuận kiếm được sự trung thực mới là lợi nhuận bền vững”.
Giám khảo Lương Văn Lý góp ý với Nhật Minh nên đưa phí bảo hiểm rủi ro vào lương để hạn chế rủi ro từ sự thiếu trung thực của nhân viên.
Giám khảo Lương Văn Lý rất hoan nghênh ý tưởng “Máy bán hàng tự động – đa năng” của Diệp Sương Quý vì đáp ứng được nhu cầu thực sự của xã hội. Máy bán tự động ở những nơi thuận lợi sẽ đáp ứng nhu cầu mua sắm những sản phẩm lặt vặt. Tuy nhiên, bạn phải xem xét lại cơ cấu sản phẩm sao cho thích hợp với thị hiếu thị trường.
Giám khảo cũng góp ý Quý cần tự tin hơn khi trình bày đề án:”Nhiệm vụ khi trình bày đề án là thuyết phục nhà đầu tư, không phải để làm nhà đầu tư khiến mình hoang mang. Đề án đưa ra là để BGK phản biện”.
Trần Phước Tuấn Anh- thí sinh dự thi cuối cùng trong buổi sáng đã giới thiệu một đề án khá thú vị là “Freecup – Quảng cáo trên cốc giấy”. Ý tưởng của Tuấn Anh là in quảng cáo trên cốc giấy (doanh nghiệp quảng cáo trả tiền) và phát miễn phí cốc giấy cho người sửa dụng. Khái niệm “phát miễn phí” gặp nhiều tranh luận từ BGK.
Giám khảo Kim Đoan đưa ra quan điểm: ”Thà bán rẻ chưa không cho không vì “không có bữa ăn nào miễn phí”. Mặt khác, phát miễn phí sẽ dẫn đến tình trạng sản phẩm không đến đúng đối tượng”. Giám khảo Lương Văn Lý khẳng định Tuấn Anh dùng từ “miễn phí” là không chính xác vì thực sự doanh nghiệp mua quảng cáo đã trả tiền cho chiếc cốc và người tiêu dùng gián tiếp chi trả phí cho chiếc cốc đó.
Giám khảo Anh Thư đánh giá: “Ý tưởng nhắn tin đặt hàng là đột phá nhưng chưa phù hợp với môi trường kinh doanh ở Việt Nam hiện nay khi phí tin nhắn thương mại còn cao thì không khả thi”.
Kết quả: Đạt điểm số cao nhất trong buổi sáng – Dự án “Freecup -Quảng cáo trên cốc giấy” – Trần Phước Tuấn Anh: sinh viên ĐH Ngoại Thương với phần trình bày và phản biện lưu loát là thí sinh duy nhất đoạt giải.
BGK nghe thí sinh thuyết trình đề án của mình, chiều 23/12 – ảnh Q.T |
Ẩm thực vì sức khỏe
Chiều 23/12, đông đảo quý phụ huynh đã cùng đến cổ vũ cho 6 thí sinh dự thi buổi chiều (1 thí sinh bỏ cuộc) với các đề án lĩnh vực ẩm thực. Trái ngược với buổi sáng, buổi thi chiều là sân chơi của 5 thí sinh nữ. Hầu hết các thí sinh đều có phần trình bày khá tự tin và lưu loát cũng như nắm khá kỹ kiến thức về Lương Văn Can.
BGK của buổi chiều bao gồm: Ông Văn Đức Mười – TGĐ Công ty TNHH Việt Nam Kỹ nghệ súc sản Vissan, ông Nguyễn Đình Hậu – Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đông Phương Xanh, bà Huỳnh Thị Anh Thư – GĐ Công ty TNHH Thiết kế quảng cáo – In ấn ATD.
Giám khảo Nguyễn Đình Hậu nhận xét đề án của Trương Lại Hồng Minh – sinh viên ĐH Ngoại Thương với đề tài Alice – Coffee Shop: “Ý tưởng về quán cà phê khá độc đáo nhưng em phân tích SWOT quá đơn giản, chưa lường hết được rủi ro và còn chủ quan khi đánh giá thị trường”.
Ảnh Q.T |
Lâm Ngọc Đình – sinh viên ĐH Ngoại Thương với đề tài “Cửa hàng bánh cảo và bánh bột phục vụ ăn sáng”. Ý tưởng của Ngọc là phục vụ những món ăn sáng làm từ bột kết hợp hai phong cách ẩm thực Hoa – Việt. Giám khảo Đình Hậu đặt câu hỏi: Đối tượng khách hàng mục tiêu của em là ai? Tần suất quay lại là bao lâu? Em cần tìm hiểu thêm các thông tin này để dự án khả thi và thuyết phục hơn.
Nhà hàng “For Your Health” nhà hàng dành cho bệnh nhân tiểu đường là đề án dự thi của thí sinh Nguyễn Quang Minh Châu – sinh viên ĐH Ngân hàng TP.HCM.
Giám khảo Anh Thư góp ý: “Em tập trung vào một đối tượng mục tiêu là tốt nhưng nên chú ý rằng khách hàng có thể sẽ thấy xấu hổ khi mọi người xung quanh phát hiện hoặc hiểu lầm là mình đang mắc bệnh khi đến ăn tại nhà hàng. Mở rộng nhiều đối tượng hơn cũng giúp em phát triển kinh doanh dễ dàng hơn”.
Giám khảo Đình Hậu: ”Ý tưởng kinh doanh vì sức khỏe cộng đồng rất hay. Giá trị quan trọng nhất quyết định chất lượng một nhà hàng là chất lượng thức ăn. Tuy nhiên, em chưa đưa ra được phân tích được thế mạnh, yếu của việc kinh doanh”. Giám khảo Văn Đức Mười góp ý thêm: ”Ngoài các món ăn dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường, em nên phát triển các món ăn giúp phòng bệnh” .
Vấn đề công nghệ và cạnh tranh là hai điểm mà giám khảo quan tâm phản biện cho dự án “Cửa hàng sô cô la handmade” của Tạ Thanh Trúc – sinh viên ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM. Giám khảo Anh Thư cho rằng dự án thiếu tính khả thi vì quy trình làm sô cô la rất phức tạp trong khi Thanh Trúc không hiểu biết nhiều về sản xuất sô cô la.
Giám khảo Văn Đức Mười đánh giá cao ý tưởng nhưng vấn đề đầu tư và vay vốn của dự án cần phải xem lại vì Thanh Trúc chưa đưa ra được cơ sở để vay vốn ngân hàng. Thông tin thị trường và kế hoạch chiến lược đề ra chưa cụ thể. Đặc biệt là sự lựa chọn địa điểm ở khu vực yên tĩnh sẽ làm tốn thêm chi phí tiếp thị là nhận xét của giám khảo Đình Hậu cho dự án này.
Quan tâm đến sức khỏe của nữ giới, Bùi Hoàng Mỹ Linh – sinh viên ĐH Ngoại Thương ấp ủ dự án “Cửa hàng bánh trái cây FruitCakery”. Tuy nhiên, giám khảo Đình Hậu lo ngại tính khả thi của dự án vì chiến lược và sản phẩm chưa nổi bật và số vốn đầu tư quá lớn trong khi Mỹ Linh còn thiếu kinh nghiệm và phải đối mặt với nhiều sự cạnh tranh.
Giám khảo Văn Đức Mười khuyên các thí sinh: “Xác định điểm kinh doanh rất quan trọng và gắn với phân khúc thị trường. Tuy nhiên, nhiều bạn chọn địa điểm dựa nhiều trên cảm tính mà chưa lý giải được một cách khoa học và định tính. Đến với cuộc thi này, tôi thực sự muốn chia sẻ kinh nghiệm để các bạn có hành trang khởi nghiệp vững chắc hơn”.
Giám khảo Anh Thư cũng nhắc chung: “Khi làm dự án, các bạn đưa ra những con số quá lý tưởng, chưa sát với thực tế. Các bạn hãy nhớ trước khi đưa ra quyết định phải xác định đối tượng mục tiêu và phạm vi áp dụng.
Theo Doanhnhansaigon.vn
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực