Ở Việt Nam, dù chưa chính thức xác nhận sự hiện hữu của doanh nghiệp xã hội nhưng trên thực tế đã tồn tại rất nhiều mô hình doanh nghiệp tương tự như doanh nghiệp xã hội bởi mục đích tồn tại của nó nghiêng về lợi ích kinh tế hơn. Tuy nhiên, nếu xét trong mối quan hệ với cộng đồng thì mục tiêu xã hội vẫn bao trùm lên mục tiêu kinh tế bởi nó góp phần tạo việc làm, bảo đảm ổn định an sinh xã hội.
Theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, trong một thời gian dài, Việt Nam vẫn chưa có một khung khổ pháp lý dành riêng cho các doanh nghiệp xã hội nên các doanh nghiệp này được thành lập, hoạt động và chịu sự điều chỉnh bởi các khung khổ pháp luật tương ứng. Một bộ phận không ít các doanh nghiệp xã hội khác được thành lập tự phát, thông qua chuyển đổi... bởi các tổ chức phi chính phủ. Vì vậy, định danh, xây dựng hành lang pháp lý, môi trường hoạt động cùng những giải pháp hỗ trợ là việc làm cần thiết để mô hình kinh tế này phát triển tương xứng với tiềm năng, đồng thời hạn chế được những mặt tiêu cực.
Dẫn chứng cho sự thiếu vắng khung khổ pháp luật và môi trường cho doanh nghiệp xã hội hoạt động đó là những mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã nghề hay các cơ sở sản xuất hàng thủ công quy mô nhỏ, có sử dụng hàng chục lao động địa phương. Doanh nghiệp xã hội ở nước ta được thành lập dưới nhiều hình thức như công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã, hộ kinh doanh hay các hội, hiệp hội... Các cơ sở sản xuất này rất vất vả khi tiếp cận các nguồn vốn tín dụng hay hỗ trợ, ưu đãi về thuế.
Giám đốc Chương trình phát triển giáo dục và xã hội, Hội đồng Anh tại Việt Nam Cao Thị Ngọc Bảo cho rằng: doanh nghiệp xã hội hoàn toàn có thể trở thành một thành phần tích cực trong nền kinh tế của các quốc gia. Hướng tiếp cận kinh doanh và giải quyết các vấn đề xã hội của doanh nghiệp xã hội là một xu hướng mới được nhiều nước ủng hộ, đi đầu là Vương quốc Anh. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Khi chưa được chính thức công nhận, tại Việt Nam đã có hàng trăm doanh nghiệp xã hội hoạt động, tạo ra những tác động tích cực đến cộng đồng.
Nhận xét về điểm mới liên quan đến doanh nghiệp xã hội trong Luật Doanh nghiệp 2014, bà Cao Thị Ngọc Bảo nhấn mạnh: đó là tiền đề quan trọng đặt nền tảng cho việc hình thành môi trường pháp lý cùng những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích hoạt động và sự phát triển của doanh nghiệp xã hội như một thành phần kinh tế mới bên cạnh các khối kinh tế công và tư.
Các doanh nghiệp xã hội được chính thức công nhận cho thấy sự nhìn nhận của Chính phủ, các nhà làm luật với vai trò thúc đẩy các tác động xã hội tích cực dựa trên các mô hình kinh doanh bền vững của doanh nghiệp xã hội. Và khi danh đã chính, các doanh nghiệp xã hội mong muốn có thêm các quy định cụ thể, rõ ràng giúp họ phát triển, mở rộng quy mô hoạt động và tiếp cận đa dạng nguồn vốn đầu tư. Bà Cao Thị Ngọc Bảo cho biết thêm, được công nhận chính thức trong Luật Doanh nghiệp 2014, tôi tin các doanh nghiệp xã hội sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.