Ngôn ngữ
Tin tức
Việt Nam và sự lớn mạnh của cộng đồng DNXH
  • 25/06/2016

Mặc dù DNXH là một xu thế mới xuất hiện ở Việt Nam nhưng đã có sự phát triển mạnh mẽ trong vài năm gần đây. Theo khảo sát mới nhất của Viện nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), đã có rất nhiều thanh niên mới ra trường nhưng đã có khát khao cháy bỏng được góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của xã hội. Nhiều thanh niên khác thì sẵn sàng từ bỏ công việc với mức lương hàng nghìn USD để tự mở một DNXH. Điều này đã khiến bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam phải ngạc nhiên về những nhà sáng lập DNXH của Việt Nam.

Với vài Doanh nghiệp xã hội (DNXH) manh nha thành lập từ đầu những năm 1990 của thế kỷ trước, đến nay Việt Nam đã ghi nhận con số trên 200 DNXH. Đây là những trụ cột đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề xã hội một cách bền vững, góp phần đạt được sự phát triển kinh tế ổn định trong một nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam hiện nay.

Theo một báo cáo gần đây nhất, hiện nay có khoảng hơn 165.000 đơn vị hoạt động liên quan đến lĩnh vực xã hội, từ thiện, phi lợi nhuận. Bình quân một DNXH có số vốn đăng ký ban đầu chỉ khoảng 1,2 tỷ đồng nhưng đã tạo ra việc làm cho khoảng 51 lao động, trong đó có 18 lao động có hoàn cảnh đặc biệt, lợi nhuận thu về khoảng 400 triệu đồng và cải thiện cuộc sống cho 2.262 đối tượng, bên cạnh đó còn tạo ra nhiều các giá trị xã hội và môi trường khác.  

Các doanh nghiệp xã hội hiện đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như: đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật..., tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội.

Mạng lưới DNXH của Việt Nam hiện nay đã ghi nhận trên 200 DNXH hoạt động.

Hội thảo Khởi nghiệp tinh gọn cho DNXH diễn ra tại Hà Nội thời gian qua.

Trong "Báo cáo Việt Nam 2035" cũng nhắc đến vai trò của những nhóm tổ chức 

như DNXH trong việc đồng hành cùng nhà nước giải quyết những vấn đề xã hội.

Bà Barbara Bear, Phu nhân Thị trưởng London (Vương quốc Anh) (trang phục áo xanh)

 với các sản phẩm in tranh của trẻ em khuyết tật tại DNXH Tòhe trong một chuyến công tác tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Anh Nguyễn Đình Nguyên (Giám đốc DNXH Tòhe) hướng dẫn các em khuyết tật vẽ tranh.

Tòhe là một trong những DNXH nổi bật ở Việt Nam với những dòng sản phẩm lifestyle sử dụng các họa tiết đặc trưng là những bức tranh do trẻ em khuyết tật vẽ ra. Sự thành công của Tòhe trước hết được ghi nhận ở việc phát triển và phân phối sản phẩm đặc thù này ở thị trường trong nước và quốc tế. Cũng chính từ các lợi nhuận thu được này, Tòhe đã sử dụng để tiếp tục mở rộng chương trình lớp học sáng tạo và chương trình học bổng cho các em khuyết tật có năng khiếu. Từ đó, Tòhe đã gợi ý, giúp đỡ và định hướng nghề nghiệp cho hàng trăm trẻ em khuyết tật trong lĩnh vực sáng tạo (một xu hướng mới của nền kinh tế thế giới – kinh tế sáng tạo). Vì những đóng góp đó cho cộng đồng, vừa qua, bà Phạm Thị Ngân - đồng sáng lập DNXH Tòhe đã được "Diễn đàn Kinh tế Thế giới" vinh danh trong danh sách 121 nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2016. 

DNXH KOTO của Doanh nhân Jimmy Phạm với chuỗi nhà hàng KOTO cũng được biết đến như là “trường đào tạo nghề” nhân đạo tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. KOTO chỉ nhận trẻ em lang thang, có hoàn cảnh khó khăn để đào tạo nghề dịch vụ, khách sạn và hướng nghiệp cho các em. Hơn một thập kỷ tồn tại, KOTO đã giúp cho hàng trăm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này của xã hội có nghề nghiệp và nuôi sống được bản thân bằng chính nghề của mình.  

“Khi kinh tế càng phát triển - xã hội càng nhiều vấn đề, DNXH sẽ là công cụ hữu hiệu bổ sung thêm cho việc giải quyết những vấn đề đó. Việt Nam là quốc gia có những điều kiện và mô hình tiêu biểu nhất để phát triển loại hình doanh nghiệp còn khá mới mẻ này”, đó là khẳng định của Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung.  

Lý giải cho vấn đề này, theo Viện trưởng Nguyễn Đình Cung thì Việt Nam vẫn định hướng theo mô hình xã hội chủ nghĩa, chú trọng nhiều đến việc giải quyết các vấn đề xã hội. Chỉ cần một định hướng như vậy thôi, DNXH đã có một dư địa rộng lớn để phát triển. Hiện đã có hơn 200 DNXH chính thức đăng ký hoạt động và hàng nghìn doanh nghiệp khác có ý định trở thành DNXH.

Những sản phẩm của DNXH Tòhe sử dụng các bức tranh của trẻ khuyết tật làm họa tiết trang trí.

 

 

Các bức tranh được coi là “100% hồn nhiên” này của trẻ khuyết tật đã được Tòhe sử dụng

làm họa tiết trang trí in trên những sản phẩm của Doanh nghiệp.

Còn theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì DNXH đã mang lại nhiều lợi ích cho xã hội như phục vụ cộng đồng, đặc biệt phục vụ tầng lớp đáy của xã hội, những nhóm yếu thế trong xã hội. DNXH là những doanh nghiệp bổ trợ cho Nhà nước và cho cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong sự phát triển kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, DNXH đã góp phần tạo ra sự phát triển công bằng hơn giữa 3 trụ cột là Nhà nước, thị trường và xã hội. Sự ra đời của DNXH đã giúp cho các sáng kiến xã hội được khuyến khích phát triển, đồng thời đóng góp lớn vào việc nâng cao nhận thức, ý thức của cộng đồng trong các vấn đề xã hội.  

Luật doanh nghiệp của Việt Nam đã được sửa đổi vào năm 2014 để bổ sung thêm định nghĩa hợp pháp về DNXH và Chính phủ Việt Nam cũng đã cam kết “khuyến khích, ủng hộ và xúc tiến sự phát triển của các DNXH”.

Nguồn: Báo Ảnh Việt Nam

Từ Khóa Phổ Biến