Ngôn ngữ
Tin tức
Vài vấn đề phát triển doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam
  • 27/06/2016

Doanh nghiệp xã hội được hiểu một cách chung nhất là những doanh nghiệp hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Nó được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà doanh nghiệp đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường.

Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Doanh nghiệp xã hội sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp xã hội còn có một số quyền và nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

Duy trì mục tiêu và điều kiện về chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành doanh nghiệp xã hội hoặc doanh nghiệp xã hội muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật;

Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật;

Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp;

Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký;

Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp.

Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.

Theo khảo sát của Hội đồng Anh, ước đến năm 2014 Việt Nam có 211 doanh nghiệp xã hội hoạt động, chưa kể có khoảng 165.000 các tổ chức khác có một số đặc tính hoạt động như doanh nghiệp xã hội.

Doanh nghiệp xã hội (DNXH) và doanh nghiệp thông thường giống nhau ở điểm: đều được tổ chức hoạt động dưới 4 loại hình doanh nghiệp: cổ phần, TNHH, DNTN, công ty hợp danh, đều phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế và nghĩa vụ khác theo quy định của Luật doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu một doanh nghiệp thông thường, mục tiêu cuối cùng là lợi nhuận thì một DNXH thực hiện mục tiêu tối cao là phát triển xã hội hay bảo vệ môi trường thông qua việc sử dụng phương thức hoạt động như một doanh nghiệp. Theo quy định của điều 10 Luật doanh nghiệp sửa đổi 2014, DNXH phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.

Bên cạnh các quy định về đăng ký thành lập DNXH; công khai và chấm dứt cam kết thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường; chuyển đổi; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể đối với doanh nghiệp xã hội…, một điểm đáng chú ý là: DNXH được phép nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài và các nguồn tài trợ khác bằng tài sản, tài chính hoặc hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức khác để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường. Đây là điểm nút quan trọng, tháo gỡ về mặt cơ chế để huy động nguồn lực, cho phép DNXH trở thành một đối tượng có thể góp phần cùng với nhà nước giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường nhức nhối hiện tại.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Việt Nam là quốc gia có những điều kiện để phát triển loại hình doanh nghiệp này. Khảo sát của CIEM trong những năm gần cho thấy, nhiều thanh niên mới ra trường có khát vọng được góp phần giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của xã hội. Có những người đã sẵn sàng từ bỏ công việc với mức lương hàng nghìn USD/tháng khởi nghiệp bằng một DNXH. Vai trò quan trọng của DNXH đối với kinh tế - xã hội đã được khẳng định với việc luật hóa DNXH trong Luật Doanh nghiệp 2014. Đây là tiền đề quan trọng cho việc hình thành môi trường pháp lý và những chính sách phù hợp khuyến khích cho sự phát triển của DNXH.

Thực tiễn chứng minh nhiều DNXH được tạo điều kiện đã phát triển tốt và tạo nhiều lợi ích cho cộng đồng. Ví dụ, Công ty TNHH Thủ công Mai (MVH) là một DNXH đã tạo ra hàng nghìn việc làm cho những người thợ thủ công, trong đó phần lớn là phụ nữ nghèo tại các vùng quê hẻo lánh. Một số doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu như Trường đào tạo nghề nhân đạo Koto với chuỗi nhà hàng ở Hà Nội và Tp.HCM. Một ví dụ nữa là DNXH Tò he với mục tiêu tạo ra cơ hội cho trẻ em thiệt thòi, khuyết tật cơ hội sáng tạo nghệ thuật độc đáo, từ đó chọn lọc tạo ra các sản phẩm quần áo, phụ kiện, đồ gia dụng, văn phòng phẩm... phân phối tại thị trường Việt Nam và quốc tế. Nhiều dự án không chỉ có ý nghĩa về mặt xã hội, tạo lợi ích cho cộng đồng mà còn góp phần duy trì, bảo tồn những truyền thống văn hóa cho dân tộc, như dự án Zó Project – dự án theo đuổi mục tiêu trở thành một DNXH hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển làng nghề giấy thủ công truyền thống của Việt Nam.

Một số ý kiến DNXH cho rằng, ngoài sự nỗ lực của chính bản thân các DNXH, cần có sự hỗ trợ của nhà nước thông qua các chính sách khởi nghiệp cho DNXH.

Đối với những DNXH đang hoạt động cần phải có những ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích về đầu tư, thuế, quỹ đất; hỗ trợ về tài chính, nhân lực; phát triển quỹ tài chính hoặc nguồn tài chính để giúp cho DNXH phát triển.

Về vấn đề nguồn vốn, DNXH có thể tìm cách kêu gọi, thu hút vốn vay và có bảo lãnh của các tổ chức từ thiện hoặc chính phủ; phát hành nợ có đặc trưng của vốn chủ sở hữu với việc phát hành nợ cho các nhà đầu tư và nhà đầu tư được nhận lãi dựa vào hiệu quả sản xuất - kinh doanh của DNXH.

Tại nhiều nước trên thế giới, mô hình doanh nghiệp xã hội đã phát triển từ lâu và nhận được nhiều hỗ trợ của nhà nước. Như tại Mỹ, những nhà đầu tư đổ tiền vào doanh nghiệp xã hội sẽ không phải đóng thuế, còn tại Thái Lan, chính phủ cũng dành 3% từ tiền thuế thu từ thuốc lá và hoạt động vũ trường để đầu tư vào doanh nghiệp xã hội…

Tại Diễn đàn Đầu tư Xã hội Việt Nam 2014 lần thứ 2, ông Brook Taylor, Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital cho rằng, để phát triển mô hình doanh nghiệp xã hội thì doanh nghiệp cần phải đưa ra được phương án kinh doanh với mục tiêu vì cộng đồng đặt trên lợi nhuận. Nếu mô hình thực sự hiệu quả sẽ nhận được nguồn vốn tài trợ từ các tổ chức phi chính phủ.

Còn theo bà Laura Altinger, chuyên gia kinh tế cao cấp về lĩnh vực khí hậu của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, để phát triển, bản thân các doanh nghiệp phải chứng minh, khẳng định vai trò của mình trong các hoạt động xã hội và tự lực tìm kiếm, tiếp cận với các nguồn tài chính, như: các nhà thiện nguyện, các quỹ tài trợ phi chính phủ...

Nhìn chung, DNXH ở Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển sơ khai nhưng tiềm năng phát triển còn rất lớn. DNXH góp phần chia sẻ trách nhiệm và gánh nặng xã hội với nhà nước bằng các con đường riêng đầy sáng tạo, tiết kiệm, thiết thực và hiệu quả, đồng thời giúp bù đắp được một khiếm khuyết khó khắc phục của cơ chế thị trường là vận hành bởi động cơ lợi nhuận. Cùng với việc luật hóa những qui định về doanh nghiệp xã hội và tạo ra những cơ chế, chính sách thuận lợi, mô hình doanh nghiệp xã hội cho thấy còn nhiều tiềm năng và triển vọng phát triển trong tương lai, là mảnh đất màu mỡ cho các bạn trẻ có hoài bão làm giàu và sống có ích.

Phòng Thông tin - ITPC (tổng hợp)

 

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến