Ngôn ngữ
Tin tức
“Bà đỡ” cộng đồng Doanh nghiệp xã hội
  • 13/06/2016

“Bà đỡ” cộng đồng Doanh nghiệp xã hội

Với vai trò là người đầu tiên mang khái niệm Doanh nghiệp xã hội (DNXH) về Việt Nam, bà Phạm Kiều Oanh - người sáng lập, kiêm Giám đốc điều hành Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) vừa qua đã được tạp chí Forbes Việt Nam vinh danh là 1 trong 20 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam bởi những đóng góp trong việc hình thành và phát triển cộng đồng DNXH ở Việt Nam.
Ngay từ khi còn đang làm việc cho một số tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ của nước ngoài hơn một thập kỷ trước, chị Phạm Kiều Oanh đã nhận thấy sự cần thiết của doanh nghiệp với cộng đồng, đặc biệt với các vấn đề xã hội ở Việt Nam như: giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ, bảo vệ những người phụ nữ bị buôn bán, những nhóm người yếu thế trong xã hội, vấn đề môi trường,… Đây là những vấn đề mà nếu không có các tổ chức xã hội, nhà nước rất khó có thể hỗ trợ được hết. Còn các doanh nghiệp trong xã hội, cũng chỉ hỗ trợ được một phần nào đó để giải quyết các vấn đề.

Đây cũng là thời điểm chị Phạm Kiều Oanh đang làm một dự án về phòng chống việc buôn bán phụ nữ, trẻ em do một một doanh nhân người Ailen, bạn của chị là tài trợ. Trao đổi rất nhiều với anh bạn này về Việt Nam, về việc mình đã cố gắng làm rất nhiều cho việt Nam, nhưng vẫn cảm thấy chưa đủ, chị Oanh mong muốn có cách làm khác để hiệu quả và phát triển bền vững hơn. 
 

Chị Phạm Kiều Oanh, người sáng lập CSIP và được coi là “bà đỡ” của cộng đồng DNXH (tháng 5.2016).


Chị Phạm Kiều Oanh (bên trái ảnh) điều phối buổi tọa đàm
"Hội thảo DNXH - cách tiếp cận sáng tạo cho các Tổ chức Xã hội dân sự Việt Nam".



Chị Phạm Kiều Oanh (thứ nhất bên trái) phát biểu tại Diễn đàn Đầu tư xã hội 2013.


Chị Phạm Kiều Oanh (thứ hai bên trái) tham gia Hội thảo "Khởi nghiệp tinh gọn dành cho DNXH".


Là người sáng lập CSIP, chị Phạm Kiều Oanh trao đổi với các đồng nghiệp trẻ tại Trung tâm những kinh nghiệm
về xây dựng mạng lưới cộng đồng DNXH.



Chị Phạm Kiều Oanh (bên phải ảnh) đang trao đổi với các đồng nghiệp về mạng lưới cộng đồng DNXH mà CSIP đã hỗ trợ.

Trước những chia sẻ này, anh bạn doanh nhân người Ailen đã giới thiệu chị đến với các mô hình DNXH và đây là lần đầu tiên chị được tiếp cận với khái niệm này.

Được “mục sở thị” một số mô hình DNXH của Ailen thông qua sự giúp đỡ của vị doanh nhân, chị Oanh đã vô cùng ấn tượng và bị thuyết phục bởi cách làm bền vững, hiệu quả, chủ động và sáng tạo của các DNXH ở đây. Họ cơ bản khắc phục được những nhược điểm của các tổ chức xã hội vốn có là thụ động, hạn chế năng lực sang tạo và đặc biệt là không bền vững,… Từ đây, chị Oanh cũng hiểu ra rằng giữa hai thế giới kinh doanh và xã hội dân sự, có tồn tại một mô hình ở giữa: mô hình DNXH, làm kinh doanh nhưng lại phục vụ cho xã hội..

Theo chị Phạm Kiều Oanh thì thực chất trước thời điểm chị đem khái niệm DNXH về Việt Nam, ở Việt Nam lúc bấy giờ cũng đã có một số mô hình hoạt động tương tự như DNXH. Đó là những mô hình kinh doanh không phải vì mục tiêu lợi nhuận. Công việc kinh doanh đó chỉ là cách thức, phương thức để giúp họ giải quyết hay hỗ trợ các vấn đề xã hội. Bởi vậy, khi chị Oanh mang khái niệm DNXH về Việt Nam, vừa để giúp các tổ chức đã tồn tại đó được trở về với cái tên mang đúng bản chất của mình, vừa thúc đẩy thành lập, phát triển cộng đồng DNXH ở Việt Nam.

Giờ đây mong muốn của chị Phạm Kiều Oanh đã một phần nào được hiện thực hoá khi cộng đồng DNXH ở Việt Nam đến nay đã có hơn 200 DNXH, cùng hàng nghìn các tổ chức xã hội khác cùng hoạt động vì các mục tiêu xã hội.

Trong 5 năm hoạt động, cùng với rất nhiều đối tác và bạn bè, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) do chị sang lập đã hỗ trợ và đầu tư cho 52 DNXH, cung cấp 782 nghề nghiệp, đào tạo và thay đổi cuộc sống của 17.220 người, nâng cao chất lượng cuộc sống cho 205.000 người có hoàn cảnh khó khăn bằng những sản phẩm và dịch vụ xã hội.

Hiện CSIP đã đầu tư 630.548 đô la cho 52 DNXH, trong đó 446.858 là vốn hạt giống. Trong khi đó, các DNXH cũng đã huy động hoặc tự kêu gọi được 2.630.000 đô la làm vốn cố định nhờ vào mô hình kinh doanh của họ, điều này có nghĩa là cứ mỗi 1 đô la CSIP đầu tư trung bình các DNXH có thể tạo ra 4 đô la khác.

 

Chị Phạm Kiều Oanh trong buổi giao lưu thân mật "CSIP và những người bạn" với các cộng sự và tình nguyện viên..


Chị Phạm Kiều Oanh (thứ hai bên phải) nhận giải thưởng nữ doanh nhân có nhiều đóng góp cho cộng đồng do VCCI trao tặng.

                                          Chị Phạm Kiều Oanh đại diện cho CSIP nhận giải thưởng NGO Việt Nam 2014.
 

Cho tới nay, bên cạnh những Doanh nghiệp xã hội do các doanh nhân tìm thấy giải pháp kinh doanh khả thi để giải quyết các vấn đề xã hội thành lập, CSIP đã mở rộng đối tượng hỗ trợ bao gồm các tổ chức NGO/CSO phát triển nhánh kinh doanh xã hội với mục tiêu bền vững nhằm tiếp tục theo đuổi sứ mệnh thông qua các sáng kiến kinh doanh và tự vững về tài chính, Doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận, hoạt động kinh doanh gắn với tạo lợi ích cho cộng đồng yếu thế và người nghèo (Inclusive business) thông qua việc tạo việc làm, cung cấp sản phẩm dịch vụ cho cộng đồng yếu thế, giải quyết các thất bại của thị trường và những Doanh nghiệp xã hội cộng đồng do người dân địa phương nghèo, khó khăn xây dựng nhằm đáp ứng các nhu cầu tại địa phương, hoặc phát triển các sản phẩm bản địa trở nên có giá trị cao hơn, góp phần cải thiện sinh kế và phát triển bền vững địa phương.

Ngoài vai trò hỗ trợ các doanh nghiệp xã hội, chị Phạm Kiều Oanh còn tích cực tham gia vận động chính sách để đưa DNXH vào luật mà cụ thể là Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 đã đưa vào đó các điều khoản quy định về DNXH. Hiện nay, bên cạnh vai trò điều hành CSIP, chị Phạm Kiều Oanh còn là đồng sáng lập mạng lưới DNXH châu Á, thành viên của Hiệp hội từ thiện châu Á, sáng lập câu lạc bộ DNXH Việt Nam./.

 
Bài: Thảo Vy - Ảnh: Trần Thanh Giang
Từ Khóa Phổ Biến