-
- 22/09/2016
Hội thảo giới thiệu kết quả khảo sát vai trò của các doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp kinh doanh cùng người thu nhập thấp trong mối quan hệ hợp tác với các hộ nông dân và đánh giá các chỉ tiêu về Giới; đồng thời thảo luận các để xuất chính sách nhằm tăng cường tác động của các doanh nghiệp đối với các hộ nông dân sản xuất quy mô nhỏ.
Ngày 21/9, Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến và phục vụ cộng đồng (CSIP) phối hợp cùng Viện Doanh nghiệp Xã hội Châu Á (ISEA) và Oxfam tổ chức hội thảo “Vai trò của Doanh nghiệp Xã hội/ Doanh nghiệp kinh doanh cùng người nghèo trong chuỗi giá trị nông nghiệp và phân tích giới”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy vai trò của các Doanh nghiệp Xã hội” (PROSE) thuộc chương trình đa quốc gia “Đầu tư kinh doanh nông nghiệp có trách nhiệm và lồng ghép thay đổi nhận thức giới ở Đông Nam Á (GRAISEA)” được tài trợ bởi Cơ quan Hợp tác Phát triển Quốc tế Thuỵ Điển (SIDA) với sự định hướng của Oxfam Anh.
Tham dự hội thảo có đại diện các viện nghiên cứu, các nhà tài trợ, các tổ chức LHQ, các tổ chức Phi Chính Phủ, các doanh nghiệp và Các cơ quan báo chí, đặc biệt có sự tham gia trình bày của Tiến sỹ Lisa Marie Dacanay – Chủ tịch Viện Doanh nghiệp xã hội Châu Á, giám đốc dự án.
Nội dung chính của hội thảo xoay quanh việc phân tích hai mô hình doanh nghiệp điển hình, xem xét các phát hiện của báo cáo khảo sát và thảo luận vai trò của doanh nghiệp và các giải pháp cho việc cải thiện cuộc sống của các hộ nông dân thu nhập thấp một cách bền vững, các đề xuất chính sách nhằm tăng cường các tác động tích cực của các doanh nghiệp.
Công ty CP Chè Hiệp Khánh (Hiteaco) và Công ty CP Đầu tư Dragon Việt Nam là hai doanh nghiệp được chọn nghiên cứu điển hình vì đây là hai doanh nghiệp tạo ra tác động xã hội tương đối rõ ràng và có mối quan hệ hợp tác với các hộ nông dân thu nhập thấp thành công theo cả chiều rộng, lẫn chiều sâu. Cả Hiteaco và Dragon đều thu hút sự tham gia của một số lượng lớn các hộ nông dân địa phương trong chuỗi giá trị của mình (Dragon: 2000 hộ nông dân, Hiteaco: gần 1000 hộ nông dân). Mô hình của họ đều là cung cấp hạt giống, phân bón, hỗ trợ tối đa về kỹ thuật trong quá trình trồng trọt và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Các tác động rõ rệt nhất mà hai công ty này tạo ra là nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp cho nhóm người dễ bị tổn thương (người nghèo, người dân tộc thiểu số); tạo công ăn việc làm, phát triển ngành nghề địa phương, góp phần giảm bớt xu hướng rời bỏ quê hương ra thành phố tìm việc làm; góp phần cao kiến thức canh tác nông nghiệp và thay đổi thực hành sản xuất theo cách tiên tiến.
Bên cạnh những thành công đạt được, hai doanh nghiệp này cũng như rất nhiều doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp đang kinh doanh cùng người thu nhập thấp còn đang gặp rất nhiều khó khăn như khó khăn về huy động vốn, tìm đầu vào ổn định, về đất đai canh tác, về làm việc với người nông dân, làm sao thay đổi nhận thức làm ăn manh mún, nay làm, mai nghỉ của người nông dân, làm sao giúp họ nâng cao chất lượng sản phẩm để đưa họ ổn định vào chuỗi giá trị của doanh nghiệp...
Một loạt các đề xuất, kiến nghị được đưa ra trong báo cáo nhằm hỗ trợ tăng cường tác động của doanh nghiệp như: Phổ biến và hướng dẫn doanh nghiệp xã hội tiếp cận được với các chính sách ưu đãi hiện có cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp đầu tư vào vùng có điều kiện khó khăn; Thúc đẩy và chính thức hóa hình thức đối tác công tư (PPP) trong các dự án xã hội và môi trường quy mô nhỏ; Nghiên cứu, xây dựng chính sách hỗ trợ riêng cho doanh nghiệp xã hội; Hỗ trợ DNXH giải quyết các khó khăn nội tại về huy động vốn, phát triển sản phẩm thị trường, quản lý tài chính kế toán, chiến lược phát triển và quản trị doanh nghiệp v.v.
Bà Trần Thị Việt, giám đốc Doanh nghiệp tư nhân sản xuất kinh doanh xuất khẩu Việt Trang cho biết doanh nghiệp của bà đã kinh doanh chiếu cói 30 năm nay, nhưng những năm gần đây gặp rất nhiều khó khăn: “Gần đây tôi mới được biết là từ năm 2009 nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền thuế đất cho các doanh nghiệp nông thôn như chúng tôi. Là doanh nghiệp trong diện được hưởng nhưng chúng tôi không hề hay biết, vẫn đóng thuế đều từ năm 2009 đến nay. Cán bộ thu thuế vẫn thu, không hề tư vấn cho chúng tôi. Tôi mong rằng nhà nước xem xét và tìm ra giải pháp về phổ biến và cập nhật các chính sách đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó quan tâm việc đào tạo nâng cao kỹ năng ngành nghề cho chị em phụ nữ nông thôn gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp địa phương”.
Một trong những giải pháp cho việc tăng cường tác động tích cực của doanh nghiệp lên các hộ nông dân, được Tiến sĩ Marie Lisa Dacanay, Chủ tịch Viện Doanh nghiệp xã hội Châu Á trình bày trong buổi hội thảo là Hợp Tác Trao Quyền trong chuỗi giá trị nông nghiệp. Trao quyền là quan hệ hợp tác mang tính chuyển đổi, giúp người nghèo chủ động nhận thức rõ ràng về những thay đổi cần thiết để cải thiện chất lượng cuộc sống của chính họ và cộng đồng nơi họ sinh sống. Khi người nghèo tham gia vào quan hệ hợp tác mang tính chuyển đổi với doanh nghiệp, nỗ lực của họ cùng nỗ lực của nhiều bên khác trong đó có doanh nghiệp sẽ giúp họ thoát nghèo. Cách mô hình hợp tác trao quyền thành công ở các nước như Philippines, Thailand và Indonesia được đưa ra như những bài học để thảo luận.
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực