Ngôn ngữ
Tin tức
Tập huấn hướng dẫn nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương phát triển sinh kế bền vững
  • 10/09/2015

 
Một phụ nữ mại dâm được học nghề tại trung tâm Reach. Ảnh Nhật Thy

 

Tham dự tập huấn có 35 học viên là lãnh đạo, chuyên viên Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội 14 tỉnh, thành phố phía Nam và thành phố Hà Nội.

Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố công tác phòng chống tệ nạn mại dâm thời gian qua đã đạt những kết quả quan trọng, tuy nhiên việc hỗ trợ, giúp phát triển sinh kế cho người bán dâm vẫn còn nhiều hạn chế. Phần lớn số người hoạt động bán dâm là do hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm hoặc việc làm không ổn định.

Bên cạnh năng lực còn hạn chế thì một trong những rào cản khiến người bán dâm khó tìm được việc làm, tiếp cận với các dịch vụ y tế, xã hội để hòa nhập cộng đồng là do sự kỳ thị, phân biệt đối xử. Trong khi đó, bằng cách này hay cách khác họ vẫn phải tự tìm cơ hội mưu sinh để tồn tại. Có việc làm không chỉ nuôi sống bản thân mà còn là động lực để họ hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn.

Từ thực tiễn đó, việc đào tạo, nâng cao năng lực cho chị em, mà trước hết là vấn đề phát triển sinh kế bền vững cần phải có sự quan tâm, đầu tư nhằm từng bước trang bị kiến thức, kỹ năng, tạo vốn sinh kế, có thu nhập ổn định hơn, làm chủ được cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.

Trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ nghiên cứu xây dựng chính sách và thí điểm mô hình hòa nhập cộng đồng cho nữ thanh niên bị bóc lột tình dục tại Hà Nội” hợp tác với Tổ chức Plan tại Việt Nam, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội phối hợp với Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh Sáng (LIGHT) và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) xây dựng cuốn tài liệu "Hướng dẫn nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương phát triển sinh kế bền vững”. Cuốn tài liệu cung cấp nội dung, phương pháp, quy trình đầy đủ và thực tiễn để hỗ trợ nhóm đích xây dựng, vận hành và quản lý mô hình kinh doanh cá thể nhỏ. Các đoàn thể, tổ chức xã hội và các cơ quan hữu quan đang có các chương trình hỗ trợ nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương phát triển mô hình kinh doanh cá thể nhỏ có thể sử dụng cuốn tài liệu này.

Bà Lê Quỳnh Lan, Giám đốc dự án vùng Hà Nội của tổ chức Plan, cho biết, cuốn tài liệu này được xây dựng, sửa chữa và hoàn thiện dựa trên kinh nghiệm thực tế của LIGHT và CSIP trong quá trình tuyển chọn, tập huấn, tư vấn hỗ trợ nhóm người bán dâm phát triển mô hình kinh doanh từ tháng 3/2014 đến nay. Trong số 131 chị em được tập huấn, 31 người đã có mô hình kinh doanh phát triển sinh kế để ổn định cuộc sống.                  

Tài liệu bao gồm có 4 chương, nội dung tài liệu cung cấp cách thức tổ chức tuyển chọn, lựa chọn được đối tượng phù hợp để nhận hỗ trợ cho việc phát triển mô hình kinh doanh nhỏ; các hướng dẫn từ bước đầu tiên để tổ chức đánh giá động cơ và năng lực của người tham gia hỗ trợ, phân tích, hướng dẫn phát triển ý tưởng kinh doanh, xây dựng kế hoạch kinh doanh và chuẩn bị khởi sự cho tới các vấn đề liên quan trong quản trị mô hình kinh doanh cá thể nhỏ; hướng dẫn về đánh giá và phê duyệt kế hoạch kinh doanh của đối tượng và các hoạt động quản lý và giám sát; tập hợp các phụ lục, biểu mẫu và công cụ.

Phát biểu tại lớp tập huấn Bà Lê Thị Hà, Phó Cục trưởng, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội đề nghị học viên sau khóa tập huấn, từ những kiến thức đã được cung cấp, có trách nhiệm triển khai áp dụng tại địa phương mình và mỗi học viên sẽ là một giảng viên nguồn để tập huấn, truyền đạt lại các kiến thức cho cán bộ Chi Cục, cán bộ cấp huyện, xã và tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện nhằm thực hiện tốt hơn công tác hỗ trợ người bán dâm hòa nhập cộng đồng.

Nhật Thy

 

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến