Ngôn ngữ
Tin tức
Doanh nghiệp xã hội – chỉ là một sự lựa chọn hay xu hướng tất yếu?
  • 09/10/2015

Doanh nghiệp lo chuyện cơm áo gạo tiền cho bản thân, cho công ty, cho nhân viên, cho các nhà đầu tư, thỉnh thoảng làm chút từ thiện đã là tốt lắm rồi. Nghĩ sâu xa tới cộng đồng, tới xã hội thì thật là khó quá! Biết mà đành chịu hay thực tế là chưa dám mơ tới” Lời chia sẻ của một vị CEO mở đầu câu chuyện khi băn khoăn khi lựa chọn con đường Doanh nghiệp xã hội.

Câu chuyện quốc tế

Khái niệm doanh nghiệp xã hội được sử dụng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, nở rộ ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Hàn quốc … Doanh nghiệp xã hội (DNXH) được định nghĩa là doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, tuy nhiên mục đích chủ yếu giải quyết các vấn đề xã hội thay vì lợi nhuận thuần tuý. Doanh nghiệp xã hội được xem như một giải pháp cho những vấn đề xã hội kinh niên như trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn hay bảo vệ môi trường.

Loại hình doanh nghiệp này đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong thập kỷ vừa qua và hứa hẹn trở thành trào lưu của hiện tại và tương lai.

DNXH có khác biệt so với một doanh nghiệp thông thường không?

Sự khác nhau giữa DNXH và doanh nghiệp thương mại chính ở mục tiêu kinh doanh và sử dụng lao động.

Phải khẳng định, Doanh nghiệp thông thường và Doanh nghiệp xã hội đều là Doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, nghĩa là phải có doanh thu và lợi nhuận. Nhưng khác nhau ở mục tiêu: DN thông thường có mục tiêu là lợi nhuận, DNXH vì mục tiêu phụng sự xã hội. Các mục tiêu xã hội mà doanh nghiệp hướng đến thì vô cùng đa dạng.

Tuy nhiên đến đâu vẫn chưa rõ sự khác biệt, vì bản chất các doanh nghiệp thông thường, không phải tất cả đều vì lợi nhuận, họ vẫn có những lý tưởng hay mục tiêu cao cả. Và đi sâu hơn, để phân định một DNXH và một DN thông thường, ở nơi nào sử dụng lao động trực tiếp là những người yếu thế và những người có hoàn cảnh khó khăn, hay gián tiếp tạo cơ hội cho họ tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hay dịch vụ của mình, đó là DNXH.

DNXH và Tổ chức phi Chính phủ (NGO) khác nhau như thế nào?

DNXH là một phương thức tổ chức kinh doanh. NGO ko phải là một phương thức tổ chức kinh doanh mà là một định chế tổ chức không vì lợi nhuận hay nếu có thì rất hãn hữu.

DNXH không phá vỡ các quy luật cạnh tranh, không bóp méo thị trường. Chính vì cạnh tranh mà DNXH tạo ra lao động, sản phẩm, dịch vụ. Trong khi NGO hoạt động phi lợi nhuận, sản phẩm hay dịch vụ từ NGO không tuân thủ quy luật thị trường và có nguy cơ bóp méo thị trường.

Bảng1. So sánh sự khác nhau giữa DNXH – NGO và tổ chức từ thiện

Sự khác nhau giữa DNXH - NGO - Quỹ từ thiện

Sự đa dạng trong các loại hình doanh nghiệp xã hội

 Không có một mô hình nhất quán cho mọi DNXH. Dựa trên thực tiễn vận động, có thể tóm tắt thành 3 loại hình như sau:

(i) Doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận (Non-profit Social Enterprises) thường hoạt động dưới các hình thức như: trung tâm, hội, quỹ, câu lạc bộ, tổ/nhóm tự nguyện. Điểm khác biệt là khả năng đưa ra được những giải pháp mới và sáng tạo để giải quyết các vấn đề mà cả xã hội đang quan tâm.

(ii) Doanh nghiệp xã hội không vì lợi nhuận (Not-for-profit Social Enterprises); do các doanh nhân xã hội sáng lập, với sứ mệnh xã hội được công bố rõ ràng, xác định rõ sự kết hợp bền vững giữa sứ mệnh xã hội với mục tiêu kinh tế, trong đó mục tiêu kinh tế là phương tiện để đạt mục tiêu tối cao là phát triển xã hội;

(iii) Doanh nghiệp có định hướng xã hội, có lợi nhuận (Social Business Ventures). Mô hình này đặc biệt phổ biến trong lĩnh vực tài chính vi mô với các ví dụ như Grameen Bank và BRAC ở Bangladesh, SKS Microfinance ở Ấn độ, Bina Swadaya ở Indonesia, KIVA ở Mỹ…

Cùng với Chính phủ, lấp lỗ hổng

Hơn nữa, các vấn đề xã hội và môi trường mà Chính phủ phải giải quyết luôn rất đa dạng và phức tạp. Có thể gọi đó là những lỗ hổng cần hàn gắn của xã hội. Đó có thể là xóa đói giảm nghèo, giúp đỡ những người có thu nhập thấp. Đó cũng có thể là giúp đỡ người khuyết tật đang gặp khó khăn trong cuộc sống.

Lợi thế của DNXH là làm gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, khai thác tối đa nguồn lực của khối tư nhân và cộng đồng, đầu tư để giải quyết một phần các vấn đề xã hội và môi trường mà Chính phủ đang giải quyết và khối tư nhân giải quyết chưa hiệu quả như cung cấp dịch vụ cơ bản cho người yếu thế, tạo việc làm và thu nhập cho những cộng đồng bị lề hoá, tiên phong trong những lĩnh vực mới mà Nhà nước và tư nhân chưa đầu tư, thương mại công bằng với người nghèo trong chuỗi giá trị … Điều này cho thấy, đây được coi như sự lấp đầy chỗ trống bổ trợ bên cạnh bàn tay vô hình của Chính phủ.

Sự lựa chọn mới trong phương thức sản xuất kinh doanh

DNXH được coi là một trong những hình thái tận dụng nguồn lực mới bên cạnh crowdfunding (gọi vốn cộng đồng) hay crowdsourcing (sử dụng ưu thế đám đông) …giúp doanh nghiệp khai thác ý tưởng, trí tuệ tiềm ẩn từ cộng đồng, giúp giảm chi phí và gia tăng giá trị công việc. Vì thế, khi xã hội càng nhiều vấn đề cần giải quyết thì DNXH là xu hướng kinh doanh tương lai.

Câu chuyện DNXH ở Việt Nam

Nếu xét theo khái niệm chuẩn quốc tế về DNXH thì dường như có rất ít những DNXH thật sự. DNXH chỉ có thể được hiểu là Doanh nghiệp hoạt động xã hội.

Ở Việt Nam có hàng chục ngàn tổ chức và doanh nghiệp có những đặc điểm của DNXH hình thành tự phát từ rất lâu. Nhiều chủ doanh nghiệp khi được phỏng vấn cho biết, lúc khởi sự kinh doanh, họ thấy hay là làm chứ cũng không hiểu đó là mô hình DNXH, sau này vô tình lại khớp với các đặc điểm DNXH.

Bình quân một DNXH có số vốn đăng ký ban đầu khoảng 1,2 tỉ đồng, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động trong đó khoảng 1/3 lao động có hoàn cảnh đặc biệt, lợi nhuận thu về khoảng 400 triệu đồng, cải thiện cuộc sống cho hơn 2000 đối tượng, bên cạnh các giá trị xã hội và môi trường khác.

DNXH được luật hoá

Ngày 26/11/2014 đi vào lịch sử của cộng đồng DNXH khi lần đầu tiên khái niệm DNXH được luật hoá tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi.

Theo quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014 thì doanh nghiệp xã hội là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của Luật doanh nghiệp 2014. Mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng. Doanh nghiệp xã hội sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký. Ngoài các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, doanh nghiệp xã hội còn có một số quyền và nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp. Cụ thể như sau:

– Duy trì mục tiêu và điều kiện về chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý doanh nghiệp xã hội trong suốt quá trình hoạt động; trường hợp doanh nghiệp đang hoạt động muốn chuyển thành DNXH hoặc DNXH muốn từ bỏ mục tiêu xã hội, môi trường, không sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư thì doanh nghiệp phải thông báo với cơ quan có thẩm  quyền để tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật
– Chủ sở hữu doanh nghiệp, người quản lý DNXH được xem xét, tạo thuận lợi và hỗ trợ trong việc cấp giấy phép, chứng chỉ và giấy chứng nhận có liên quan theo quy định của pháp luật
– Được huy động và nhận tài trợ dưới các hình thức khác nhau từ các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và các tổ chức khác của Việt Nam và nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động của doanh nghiệp
– Không được sử dụng các khoản tài trợ huy động được cho mục đích khác ngoài bù đắp chi phí quản lý và chi phí hoạt động để giải quyết vấn đề xã hội, môi trường mà doanh nghiệp đã đăng ký
– Trường hợp được nhận các ưu đãi, hỗ trợ, doanh nghiệp xã hội phải định kỳ hằng năm báo cáo cơ quan có thẩm quyền về tình hình hoạt động của doanh nghiệp
– Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển DNXH.

Trong thời gian sắp tới, Nghị định của Chính phủ về DNXH sẽ ra đời, tạo khung pháp lý rõ ràng cho DNXH hoạt động và phát triển.

Sự nở rộ DNXH

Và sau khi được khai sinh thì DNXH nở rộ với các hình thái mới. Bên cạnh các tên tuổi cũ nổi danh như Reaching Out, Koto, Hoa ban +, Tò he, Hoa sữa, Blink-Link, Sapa O’Chau … thì xuất hiện các mô hình DNXH mới như Kymviet, SFORA, Thế giới bóng bay, Hanoi Creative City,  Khác – Hành trình đi để lớn, TASY … Đặc biệt hai mạng lưới cộng đồng hỗ trợ DNXH là Mạng lưới DNXH Việt Nam (VSEN) và Mạng lưới học giả DNXH Việt Nam (VSES) đã ra đời đón đầu trào lưu này với nhiều hoạt động sôi động bổ trợ cho việc hình thành hệ sinh thái DNXH.

Ở Việt Nam hiện nay, điều khá thú vị khi quan sát là, DNXH chủ yếu hoạt động trong các phân ngành thuộc ngành công nghiệp sáng tạo. Tuy nhiên, định hướng phát triển ngành công nghiệp sáng tạo chưa được thừa nhận trong bất kỳ văn bản pháp lý nào. Nhìn ở mức độ tối ưu, DNXH lấy sáng tạo làm sản phẩm hay dịch vụ của mình, tạo động lực cho các doanh nghiệp khác đi theo con đường Sáng tạo xã hội (Social Innovation) để phát triển kinh doanh, vừa tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa tạo ra hiệu quả cho hoạt động xã hội. Nếu công nghiệp sáng tạo được khai sinh bằng khung khổ pháp lý thì mới có cơ hội tạo cú hích (kick-off) cho DNXH phát triển.

Theo định hướng này, một doanh nhân cần biết hình ảnh họ xây dựng nên đi theo hướng “doanh nhân sáng tạo xã hội” và doanh nghiệp của mình cần có “tinh thần doanh nhân sáng tạo (SCE)”. SCE là xu hướng theo kiểu Việt Nam, phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

Bảng 2. SCE là gì
SCE
Mặt trái của DNXH

, đồng thời giá cả sản phẩm do DNXH sản xuất ra còn cao hơn so với mặt bằng giá của những sản phẩm thông thường.

Thứ năm, nhiều chủ doanh nghiệp xã hội không được đào tạo bài bản, thiếu tư duy kinh doanh và kỹ năng quản trị.

Thứ sáu, tiếng nói của cộng đồng DNXH chưa đủ mạnh trong các cuộc tham vấn chính sách cho cộng đồng doanh nghiệp.

Thay cho lời kết

DNXH là một định chế phù hợp với quy luật thị trường chứa đựng trong đó sự nhân văn. Khi một quốc gia lựa chọn con đường phát triển bền vững hướng đến một xã hội công bằng thì DNXH vừa là sự lựa chọn vừa là xu hướng. Tuy nhiên lựa chọn đi theo con đường DNXH cần có sự tỉnh táo và can trường khi đối diện với các thách thức.

Chỉ có thể đi sai trên con đường đúng nhưng ko thể đi đúng trên con đường sai.

Về Mạng lưới Doanh nghiệp Xã hội Việt Nam (VSEN)

Mạng lưới Doanh nghiệp Xã hội Việt Nam của Câu lạc bộ Doanh nhân Sáng tạo (VCE’s Social Entreprises Network, viết tắt là VSEN) thành lập nhằm trao đổi, chia sẻ thông tin và nâng cao nhận thức cộng đồng về doanh nghiệp xã hội.VSEN được thành lập để kết nối trước hết là các doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp sáng tạo có định hướng phát triển thành doanh nghiệp xã hội, tiếp đến mở rộng sang các lĩnh vực khác, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ từ thiện, các doanh nghiệp làm trách nhiệm xã hội, nhằm xây dựng mạng lưới tương hỗ, gắn kết vì mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội tại Việt Nam, xây dựng một xã hội công bằng hơn, thân thiện với môi trường hơn, phát triển bền vững hơn.

 

VSEN là cộng đồng nhân văn, hoạt động phi vụ lợi, nhằm chia sẻ kiến thức, liên kết các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp có cùng tâm huyết hướng tới xây dựng doanh nghiệp xã hội theo xu hướng chung của quốc tế, gia tăng khả năng tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ, nhằm khai thác tối đa nguồn lực của khối tư nhân, đầu tư để giải quyết các vấn đề của xã hội và môi trường Việt Nam với giá trị cốt lõi là Sáng tạo – Nhân văn – Chia sẻ.

VSEN hoạt động trước hết trên môi trường mạng xã hội tại địa chỉ https://www.facebook.com/groups/VSEN.org/ và chỉ kết nạp các thành viên tự nguyện gia nhập. Trong thời gian tới, VSEN sẽ có thêm website để đăng tải kiến thức, khái niệm về doanh nghiệp xã hội và doanh nhân sáng tạo xã hội, tại địa chỉ www.vsen.org

VSEN đặt trụ sở tại Hanoi Creative City và một văn phòng tư vấn kết nối tại Hà Nội

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến