Ngôn ngữ
Tin tức
SOIN – KHÔNG GIAN CHO CÁC NHÀ SÁNG TẠO XÃ HỘI
  • 05/05/2017

Làm thế nào để các sáng kiến xã hội được hiện thực hóa? Bằng cách nào các mô hình kinh doanh vì xã hội có thể vững bước tiến ra thị trường? Đó là trăn trở của CSIP cũng như các đối tác của chúng tôi trong hành trình dài tìm kiếm và đồng hành cùng các doanh nhân xã hội.

 

“Kính gửi CSIP,

Em là L.NH, học tại Trường Đại Học Duy Tân. Trong khoảng thời gian năm 1 vừa rồi nhóm em gồm 3 người đã cho ra ý tưởng là GFB. Hiện tại chúng em đã có sản phẩm demo được khoảng 70% sản phẩm mong đợi. Sản phẩm của chúng em đã được nhiều người khuyết tật dùng thử nghiệm và phản hồi rất tốt. Nếu tiếp tục được triển khai đưa ra thị trường, sản phẩm có thể giúp người khuyết tật chức năng trong cuộc sống rất nhiều. Hiện tại thì do vốn chúng em chưa đủ nên chúng em đang tạm ngưng và tìm phương án. Em rất mong được CSIP hỗ trợ. Anh/chị có thể cho em biết các thủ tục để nhận hỗ trợ tư vấn được không ạ?”

 

Đây là một trong số hàng trăm lá thư được gửi đến CSIP thời gian qua. Những lá thư tìm kiếm sự hỗ trợ, tư vấn này đến từ các nhóm độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có chung tâm huyết và khát khao giải quyết một vấn đề bức bối về môi trường hay xã hội.

 

Bằng tinh thần hỗ trợ và nỗ lực kết nối không ngừng, CSIP đã giúp một số ý tưởng sáng tạo kinh doanh vì xã hội đến với các nguồn lực phù hợp và phát triển. Tuy nhiên, CSIP tin rằng những điều đó là chưa đủ khi số lượng những lá thư như vậy ngày một tăng lên trong khi nguồn lực của chúng tôi còn nhiều hạn chế.

 

Trên thực tế, để có được mô hình kinh doanh bền vững, những người quan tâm đến sáng tạo vì xã hội (social innovators) cần hiểu biết về kiến thức chuyên ngành, cũng như tìm kiếm"đồng đội" để cùng phát triển ý tưởng. Bên cạnh đó nguồn vốn đầu tư cũng như tư vấn chuyên môn cũng vô cùng cần thiết để giúp hiện thực hóa ý tưởng. Và hơn hết, họ thực sự cần không gian để kết nối với những nguồn lực nêu trên nhằm hiện thực hóa sáng kiến của mình.

 

Xuất phát từ nhu cầu thực tiễn đó, Kênh ươm tạo sáng kiến xã hội trực tuyến SOIN (viết tắt của “social innovation”) đã ra đời. Từ giữa năm 2016, dưới sự tài trợ của Chương trình Đối tác Đổi mới Sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP), CSIP đã phối hợp với Trường Đại học Hà Nội và Công ty tư vấn Habataku xây dựng hạ tầng kỹ thuật và cũng như nội dung cơ bản cho SOIN. Giai đoạn 2 của dự án tiếp tục được triển khai từ tháng 4 năm 2017 với sự tham gia của CSIP, Đại học Ngoại thương, Công ty TNHH Tư vấn & Phát triển nguồn lực IBE và Tập đoàn VNG nhằm hoàn thiện tính năng và nội dung kênh SOIN cũng như thu hút cộng đồng người dùng. 

 

 

SOIN là kênh ươm tạo sáng kiến xã hội trực tuyến đầu tiên ở Việt Nam với nhiều tính năng hỗ trợ toàn diện cho các nhà sáng tạo xã hội. Hiện nay, đã có một vài website cung cấp giải pháp và hỗ trợ khác nhau cho các đối tượng khởi nghiệp hoặc thúc đẩy các chiến dịch sáng tạo vì xã hội. Tuy nhiên, các website này chủ yếu tập trung vào một số tính năng cụ thể và còn tồn tại những hạn chế nhất định để các sáng kiến được hiện thực hóa. Các hệ thống vườm ươm khởi nghiệp hầu như chỉ tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh thuần lợi nhuận, trong khi nhóm các kênh quản lý các chiến dịch lại giới hạn các sáng kiến xã hội trong thời gian của cuộc thi và thiếu hỗ trợ thực tế để đưa những dự án này vào đời sống.

 

 

Rút kinh nghiệm từ thực tế, SOIN đã cố gắng khắc phục những nhược điểm này bằng cách đưa ra nhiều tính năng hỗ trợ thiết thực cho các sáng tạo xã hội như: cổng kiến thức điện tử, không gian đồng sáng tạo cùng cộng đồng, cũng như tính năng kết nối trực tuyến đến mạng lưới chuyên gia và các nhà đầu tư. Nhờ những tính năng được tích hợp trực tuyến này, SOIN có thể hỗ trợ cho những người có ý tưởng sáng tạo xã hội ở vùng sâu vùng xa, vốn rất khó tiếp cận các nguồn lực cần thiết để phát triển. Chính nhờ những ưu điểm trên, chúng tôi tin rằng SOIN thực sự là một không gian hữu ích và có giá trị để tất cả những người quan tâm đến sáng tạo vì xã hội có thể cùng chung tay để tạo ra những giải pháp bền vững, sáng tạo vì một xã hội tốt đẹp hơn. 

Từ Khóa Phổ Biến