-
- 11/06/2015
Các em học sinh mù và khiếm thị trong giờ sinh hoạt
Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu Global Community Sercice Fund, một tổ chức NGO có trụ sở tại tiểu bang Virginia miền Đông Bắc Hoa Kỳ, đã tới vùng Quảng Trị của Việt Nam từ 2004.
Giáo dục và Y tế
Với tôn chỉ giáo dục, y tế, nâng cao thu nhập cho người khuyết tật, người dân tộc thiểu số và người bị thiệt thòi trong xã hội, từ 2010 Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu đã hoàn tất việc xây dựng những nhà sinh hoạt cộng đồng cho người dân tộc thiểu số Pacoh và Vân Kiều ở Quảng Trị.
Về mảng giáo dục, từ 2010, Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu cũng đã xây hai trường tiểu học dành cho trẻ Pacoh và Vân Kiều, hai dân tộc chiếm tỷ lệ 80% dân cư hai huyện miền núi Quảng Trị là Dakrông và Hướng Hóa.
Anh Hồ Văn Phương, cán bộ văn hóa huyện Da Krông, trình bày rõ hơn:
Người Vân Kiều, Bru Vân Kiều, ở Da Krông đến bây giờ cũng tầm tầm 25.000, người Pacoh cũng tầm 15.000. Trong tư duy áp dụng khoa học kỹ thuật họ chưa có, điều kiện kinh tế họ vẫn còn nghèo, những phong tục lạc hậu vẫn còn tiềm ẩn trong dân. Hơn nữa trong cách kiếm ăn thì kiếm ngày hôm nay mà không kể đến ngày mai, chủ yếu dựa vào rừng núi để sống, những tài nguyên đã có từ sông suối núi đồi vậy.
Chính vì thế, hai trường tiểu học kiên cố mà Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu xây cho con em Pacoh và Vân Kiều là hai điều kiện quá tốt để giúp nơi này tiếp cận với bên ngoài:
Nay có những ngôi nhà bền chãi như vậy thì nó rất tốt vì con em trong trời mưa gió vẫn học được, số lượng đến ngày càng nhiều hơn. Như vậy, có điều kiện đến trường, có cơ hội giao tiếp với bạn bè, thì có thêm kiến thức để xóa nghèo, có cái chữ để tiếp xúc với xã hội tốt hơn
Anh Hồ Văn Phương
Con em ngày xưa không có trường để học, mưa bão thì nước ngập và lũ thì người ta không học được. Nay có những ngôi nhà bền chãi như vậy thì nó rất tốt vì con em trong trời mưa gió vẫn học được, số lượng đến ngày càng nhiều hơn. Như vậy, có điều kiện đến trường, có cơ hội giao tiếp với bạn bè, thì có thêm kiến thức để xóa nghèo, có cái chữ để tiếp xúc với xã hội tốt hơn. Bởi vì người Pacoh với Vân Kiều ở vùng xa người ta ít tiếp xúc với miền xuôi, nhiều người lớn tuổi không biết tiếng dưới đồng bằng , chữ phổ thông, chữ Việt đấy.
Năm 2012, từ nỗ lực gây quĩ tại Washington DC, Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu hoàn thành được Dự Án Hòa Nhập Dành Cho Trẻ Mù Và Trẻ Khiếm Thị với một trường bán trú có tên Trường Khiếm Thị Quảng Trị tại thành phố Đông Hà. Chuẩn hóa giáo dục tiểu học và kỹ năng sống dành cho học sinh mù và khiếm thị trên địa bàn Quảng Trị là mục đích chính của dự án.
Bà Macia Selva giám đốc Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu Global Community Sercice Fund đang giúp đỡ 1 học sinh mù ở Quảng Trị
Vì là một chương trình hòa nhập, Trường Khiếm Thị Quảng Trị đặt dưới sự quản lý của Sở Giáo Dục Và Đào Tạo tỉnh, là Cơ Sở 2 của Trường Trẻ Khuyết Tật Quảng Trị. Trường được thiết kế đầy đủ tiện nghi, nhấn mạnh nhấn mạnh đến sự liền mạch và thu ánh sáng tự nhiên tối đa để các em khiếm thị, còn nhìn thấy được chứ chưa mù hẳn, có thể di chuyển dễ dàng bên trong tòa nhà.
Ngôi trường bán trú mà GCSF gọi là phần cứng của dự án, còn được tài trợ và trang bị một thư viện tân tiến gồm máy tính cùng những dụng cụ trợ giảng dành cho giáo viên phụ trách trẻ mù và trẻ khiếm thị.
Anh Nguyễn Xuân Tâm, trưởng văn phòng dự án Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu tại Quảng Trị, cho biết Dự Án Giáo Dục Hòa Nhập Dành Cho Trẻ Mù Và Khiếm Thị khởi nguồn từ lúc giám đốc GCS, bà Macia Selva, bắt đầu triển khai chương trình hỗ trợ dành cho Hội Người Mủ ở tỉnh Quảng Trị. Trong những hội đó, ông nói tiếp, người ta chủ yếu hỗ trợ các chương trình nâng cao thu nhập dành cho người mù và người khuyết tật lớn tuổi:
Trong hội người mù tỉnh Quảng Trị có nuôi một số cháu, tạm gọi là nuôi và dạy ở mức độ rất là hạn chế. Trình độ của những người nuôi dạy các cháu chủ yếu là chăm sóc rồi dạy cho các cháu một số kỹ năng sống. Bắt đầu từ đó đến chính thức 2010 thì Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu mới bắt đầu xây dựng hình thành khái niệm liên đới và liên kết các em vào hệ thống giáo dục của Việt Nam để các em được hưởng sự giáo dục như các bạn bình thường của mình. Từ đó tổ chức liên hệ với Sở Giáo Dục Và Đào Tạo để tiến hành thực hiện chương trình hòa nhập.
Đây cũng là những trẻ kém may mắm mà Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu từng nghĩ đến việc chữa trị, những mong trả lại ánh sáng cho đôi mắt các em, thế nhưng:
Thường ở đây nhiều em khiếm thị dần dần cũng sẽ mù vì một số bệnh của các em gần như rất khó chữa. Tổ chức đã rất cố gắng đưa các em đi viện nhưng mà bác sĩ nói là không thể can thiệp được cho các em có thị lực tốt hơn.
Một lớp tập huấn của Dự án Giáo dục Hòa nhập Trẻ mù cho các giảng viên. Photo courtesy GCSF Vietnam
Hai giai đoạn của dự án
Dự án Giáo Dục Hòa Nhập dành cho trẻ mù và trẻ khiếm thị tại Quảng Trị bao gồm hai giai đoạn, được gọi là phần cứng và phần mềm:
Phần cứng triển khai từ 201, hoàn thành trong năm 2012, đó là xây dựng xong một trường học dành cho trẻ mù và khiếm thị. Tại thời điểm đó thì chưa có một trường nào chuyên biệt dành cho trẻ mù và khiếm thị cả.
Sau khi bàn giao qua Sở Giáo Dục Đào Tạo Quảng Trị, trường bán trú mà GCSF xây dựng được đặt tên là Trường Trẻ Em Khuyết Tật Cơ Sở 2, nhằm phân biệt với Trường Trẻ Em Khuyết tật Cơ Sở 1 do chính phủ địa phủ lập ra trước đó. để chăm trẻ câm điếc, thiểu năng và chậm phát triển trong địa phương:
Về mặt kiến trúc và cả mặt chất lượng thì thật sự mà nói chất lượng xây dựng tốt, cách thiết kế chuyên biệt dành cho trẻ khiếm thị và mù, một yêu cầu xuyên suốt trong quá trình thiết kế. Do đó, so về mặt bằng đây là một tòa nhà có thể gọi là qui chuẩn về mặt dành cho người khiếm thị và người mù.
Phần thứ nhì, tức phần mềm của Dự Án Giáo Dục Hòa Nhập dành cho trẻ mù và khiếm thị mà Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng đã thực hiện, là hai đợt tập huấn nâng cao năng lực, qua đó các chuyên gia từ trường Phổ Thông Đặc Biệt Nguyễn Đình Chiểu và Trường Đại Học Sư Phạm Sài Gòn được mời đến huấn luyện chuyên môn cho hơn 30 giáo viên của Trường Trẻ Em Khuyết Tật Quảng Trị.
Phần cứng triển khai từ 201, hoàn thành trong năm 2012, đó là xây dựng xong một trường học dành cho trẻ mù và khiếm thị
Anh Nguyễn Xuân Tâm
Bên cạnh đó, trên 30 giáo viên tiểu học và Trung Học Cơ Sở trong địa bàn tỉnh, dù chỉ dãy ở trường ngoài và không chuyên trách trẻ mù và khiếm thị, cũng được mời tham dự khóa tập huấn.
Một chương trình như vậy thì phần mềm là phần quan trọng nhất. Phần mềm quyết định năng lực và chất lượng của giáo dục. Tổ chức đã thực hiện hai chương trình tập huấn lớn, bao gồm tập huấn chuyên sâu, hay là tập huấn chuyên biệt, đối tượng là giáo viên ở trường trẻ em khuyết tật mà một số năng lực còn hạn chế trong việc hỗ trợ trẻ mù và khiếm thị.
Phần thứ hai về mặt giáo dục hòa nhập là tổ chức tạp huấn giáo viên Cấp Hai các trường bình thường, để bảo đảm cho các giáo viên trường Cấp Hai bình thường có thể nhận một lớp từ 2 đến 3 em khiếm thị vào học chung với các em bình thường. Như vậy các em sẽ có một nền giáo dục hòa nhập thật sự, có thể đi lên theo chương trình giáo dục Việt Nam tức là hết Cấp Hai lên Cấp Ba và có thể lên Đại Học nữa. Cái đó về mặt lâu dài và mang tính bền vững, gắn liền với trách nhiệm của Sở Giáo Dục.
Mục tiêu cao nhất của Dự Án Giáo Dục Hòa Nhập là tất cả các học sinh mù, học sinh khiếm thị tại Quảng Trị phải dần dần hội nhập vào các trường phổ thông bình thường, phải được hưởng sự bình đẳng giáo dục như con em khỏe mạnh.
Sau hết, mục tiêu về lâu về dài của Dự Án Giáo Dục Hòa Nhập là thúc đẫy, hỗ trợ Sở Giáo Dục Đào Tạo Quảng Trị có đầy đủ năng lực và chế tài để có thể hoàn toàn đảm nhận và thực hiện công tác hội nhập của trẻ mù và trẻ khiếm thị trong thời gian tới.
Giám đốc Global Community Service Foundation Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu, bà Marcia Selva, cho Thanh Trúc biết tính đến lúc này GCSF đã đào tạo được 15 giáo viên hòa nhập tại một trường Trung Học Cơ Sở để họ có thể nhận học sinh mù và khiếm thị vào lớp của mình. Bên cạnh đó, 20 giáo viên Trường Khiếm Thị Quảng Trị cũng sẵn sàng hổ trợ đồng nghiệp trong công việc dạy dỗ kiến thức cũng như kỹ năng sống cho các em.
Phần mềm quyết định năng lực và chất lượng của giáo dục. Tổ chức đã thực hiện hai chương trình tập huấn lớn, bao gồm tập huấn chuyên sâu, hay là tập huấn chuyên biệt, đối tượng là giáo viên ở trường trẻ em khuyết tật
Anh Nguyễn Xuân Tâm
Hiện tại GCSF đang tìm kiếm ngân quĩ để 5 học sinh mù và khiếm thị được ở lại trường hầu tiếp tục đi học hòa nhập Trường Cấp Hai cùng các bạn sáng mắt. Đây là nỗ lực từ ba phía, một là GCSF đảm nhận gây quĩ để lo tiền ăn ở và chi phí sinh hoạt cho 5 em này, hai là Trường Khiếm Thị lo chi phí chăm sóc, bảo nẫu , luyện kỹ năng sống, ba là Trường Cấp Hai được chọn sẽ trả lương giáo viên dạy cho các em này.
Từ quận Fairfax, tiểu bang Virginia, nơi đặt bản doanh của Quỉ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu, bà giám đốc Macia Selva:
Thật là tuyệt và mà tôi không thể tự hào hơn được nữa. Đây là lần đầu tiên chính quyền địa phương, trường học địa phương và một tổ chức ngoài chính phủ như GCSF có thể làm việc chung với nhau, cũng là lần đầu tiên đưa được 5 học sinh mù và khiếm thị hòa nhập vào trường Cấp hai của chính phủ.
Học sinh mù và khiếm thị trước ngôi trường do GCSF xây dựng tại Đông Hà
Nếu giả thử chỉ một học sinh thì chúng tôi cũng không nản lòng, bởi mục đích tối hậu của dự án là học sinh mù và học sinh khiếm thị ở Quảng Trị, bất kể giỏi hay học kém, tất cả đều có thể đi học ở các trường bình thường như các trẻ bình thường khác. Cũng không chỉ nhắm đến việc trẻ mù trẻ khiếm thị được cơ may ngồi học trong các lớp bình thường, điều tôi muốn trình bày về dự án hòa nhập này là học sinh mù địa phương chỉ mong có được cơ sở vật chất tốt, chỉ mong được truyền đạt kỹ năng sống để có thể tự mình giúp mình bước vào đời. Đó là khởi thủy sự dấn thân của GCSF vào Quảng Trị.
Nhưng Quảng Trị không phải là nơi duy nhất có người dân tộc nghèo, có trẻ thiếu ăn, trẻ mù hay trẻ khuyết tật, tại sao nơi này của miền Trung lại được GCSF chiếu cố đặc biệt gần 11 năm nay, là câu hỏi Thanh Trúc đặt ra cho bà Marcia Selva:
Khi đến Việt Nam lần đầu tiên năm 1992 thì công việc của tôi lúc đó là tìm kiếm một chương trình du lịch hấp dẫn khách tới đất nước này. Lúc ấy tôi nhớ đa phần khách đến Việt Nam là cựu quân nhân và những người dạy học. Nhiều người trong số đó, cũng như tôi, háo hức muốn biết về đường mòn Hồ Chí Minh, về Quảng Trị, về DMZ vùng không kích tự do thời chiến Việt Nam.
Rồi mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn khi chúng tôi xin được giấy phép hoạt động như một NGO. Chẳng là vì từng đưa nhiều cựu chiến binh cũng như người dạy học về Quảng Trị, tôi có được mối giao hảo tốt đẹp với Sở Ngoại Vụ địa phương, việc được cấp chứng chỉ hoạt động không khó mấy, nhất là khi chính quyền địa phương biết mục tiêu giúp đỡ lâu dài của chúng tôi cho tỉnh nhà của họ. Hơn nữa, với tôi, làm việc tại vùng đất trước kia là khu vực bỏ ngõ cho bom đạn là điều gì đó đặc biệt trong mối quan hệ Mỹ Việt sau thời chiến.
Có đi quanh Quảng Trị mới thấy chiến tranh đã để lại bao khó nghèo cho vùng địa đầu chiến tuyến này. Nếu đi Đà Nẵng, vào Sài Gòn hay ra Hà Nội ít nhiều có thể tìm thấy đôi cái giống cuộc sống nơi đây, Washington DC, nhưng đến Quảng Trị thì chỉ thấy đói nghèo, chỉ thấy nhu cầu được giúp đỡ. Chúng tôi quyết định khởi sự làm việc nơi vùng đất khổ này.
Không chỉ có vậy, bà Marcia Selva kể tiếp, chính tâm tình cỉa người Quảng Trị, đặc biệt từ người phụ tá Nguyễn Xuân Tâm, đối với quê hương của anh ta, đã níu kéo bà ở lại đây:
Tôi hãy còn nhớ lúc đó chúng tôi nhắm lập văn phòng và thành phố Huế được chúng tôi chọn. Khi đó, tôi hỏi Tâm liệu anh có thể dọn ra Thừa Thiên Huế để làm việc không. Tâm yên lăng nhìn tôi một lúc rồi hỏi lại: “tại sao tôi phải ra Huế nhỉ? ” . Tôi hiểu ngay là Tâm chỉ muốn giúp người Quảng Trị của anh mà thôi. Nếu bạn kiếm được một người chung thủy với nơi chốn họ sinh ra, một ngươi sẵn lòng và tự nguyện giúp đỡ quê nghèo của mình, bạn biết ngay bạn có thể làm gì và phải xây dựng cái gì để hỗ trợ cho người dân nơi đó tiến lên phía trước. Con người và vùng đất Quảng Trị chinh phục chúng tôi như vậy đó.
Ngày nào còn phục vụ cho người thiệt thòi ở Quảng Trị, ngày đó Quĩ Phục Vụ Cộng Đồng Toàn Cầu sẽ còn làm một chiếc cầu nối yêu thương và tương trợ từ Quảng Trị đến khu vực miền Đông Bắc Hoa Kỳ này, bà Marcia Selva khẳng định với Thanh Trúc.
Mục Đời Sống Người Việt Khắp Nơi tạm ngưng ở đây. Thanh Trúc xin hẹn gặp lại thứ Năm tuần tới.
Liên lạc góp ý với Thanh Trúc: nguyent@rfa.org
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực