Ngôn ngữ
Tin tức
Khởi nghiệp cùng các doanh nghiệp xã hội
  • 02/10/2015

Chạm tới trái tim khách hàng, đối tác

Khởi nghiệp với doanh nghiệp từ con số 0 do Trung tâm Pháp - Việt đào tạo về quản lý (CFVG), Hội đồng Anh, Trung tâm Văn hóa Pháp (L’Espace), Mạng lưới Học giả doanh nghiệp xã hội Việt Nam (VSES) và Tổ chức Tình nguyện vì Giáo dục (VEO) phối hợp tổ chức tại Hà Nội.

Theo TS. Trương Thị Nam Thắng, Giảng viên CFVG và Đại học Kinh tế Quốc dân, Trưởng VSES nhận định, doanh nghiệp xã hội với sứ mệnh xã hội là mục tiêu chính nhưng các doanh nghiệp này hoàn toàn không hoạt động phi lợi nhuận mà cũng có thu nhập từ hoạt động thương mại. Tuy nhiên, sau đó, phần lớn lợi nhuận lại được tái đầu tư vào các mục tiêu xã hội mà doanh nghiệp này hướng tới.

Do đó, để khởi sự làm doanh nghiệp xã hội, bên cạnh những cách thức như các doanh nghiệp thương mại với việc xác định được mô hình kinh doanh, nguồn vốn, nhân sự, đối tác… các doanh nghiệp xã hội cần xác định sản phẩm, dịch vụ đó có giải quyết được vấn đề xã hội hay không, có mức độ tác động như thế nào đến đời sống. Đặc biệt, các doanh nghiệp này phải tìm ra cách kể được “câu chuyện” của mình với tôn chỉ, mục đích, hình thức, con đường kinh doanh để có thể chạm đến trái tim khách hàng, đối tác.

Làm giàu từ doanh nghiệp xã hội

Tại hội thảo đã giới thiệu một số doanh nghiệp xã hội thành công với hướng đi độc đáo. Tiêu biểu như Công ty Cổ phần Tò he với sứ mạng mang đến cho trẻ em thiệt thòi, tật nguyền một sân chơi với các hoạt động sáng tạo nghệ thuật độc đáo. Để có lợi nhuận, những tác phẩm tranh vẽ của các em sẽ được Tò he thiết kế lại nhằm đưa vào những sản phẩm như ví, túi xách, ba lô… để kinh doanh tại nhiều cửa hàng trong nước và xuất khẩu.

Một hướng đi khác như Tổ chức Tình nguyện vì Giáo dục (VEO) khi đưa giáo dục phi chính quy đến cộng đồng địa phương, hướng đến những đối tượng nghèo và có hoàn cảnh khó khăn tại vùng sâu vùng xa; hay Trung tâm Giáo dục Sunrise For Arts School (trực thuộc Viện Khoa học và Giáo dục Đông Nam Á) với mô hình trường học dùng nghệ thuật và vận động để trị liệu bệnh tự kỷ cho trẻ em ở mọi lứa tuổi…

Ông Nguyễn Đình Nguyên, đồng sáng lập, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tò he cho biết, bên cạnh mục đích nhân văn,doanh nghiệp xã hội cũng có thể làm giàu không kém gì các doanh nghiệp thương mại khi các sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp xã hội được biết đến, được nhiều người sử dụng và vấn đề xã hội mà các doanh nghiệp xã hội hướng tới được giải quyết tốt.

Ông Nguyễn Thành Nam, người sáng lập cộng đồng Dichung.vn, chia sẻ có ý tưởng về một sản phẩm giải quyết vấn đề xã hội chưa phải là yếu tố quyết định đi đến việc tổ chức sản xuất. “Bạn đừng nghĩ rằng làm ra sản phẩm nào đó ắt có người mua, mà phải tìm ra được thị trường cho sản phẩm khi muốn thiết kế và đưa nó vào sản xuất kinh doanh”, ông Nam phân tích.

Với Dichung.vn, mặc dù thị trường có thể mở ra nhiều đối tượng khách hàng, nhưng ông Nam đã tập trung vào phân khúc ôtô đi sân bay phối kết hợp với doanh nghiệp vận tải taxi của Vietnam Airlines và 2 năm qua, doanh nghiệp đã thành công. Tuy nhiên, cũng như Tòhe, đi từ một mô hình doanh nghiệp xã hội hoạt động ổn định để tiến lên phát triển ở quy mô cao hơn, vấn đề vốn là một rào cản khó vượt.

Về Tò he, Ts. Trương Thị Nam Thắng nhận định dù ý tưởng của Tò he rất hay, khởi sự, sáng lập và điều hành xuất phát từ cái tâm, tuy nhiên giống như bất kì một doanh nghiệp xã hội khác, Tò he cũng gặp rắc rối chủ yếu là ở vấn đề thị trường và vốn.

Cũng tại hội thảo, cùng với việc tìm ra mô hình và “câu chuyện” kinh doanh thu hút, theo các diễn giả tham dự, các doanh nghiệp xã hội khi khởi nghiệp đều cần nguồn vốn, trong đó có thể là vốn tự có, vốn vay hoặc tìm được nhà tài trợ. Theo đại diện từ Hội đồng Anh, các doanh nghiệp này vẫn phải tìm ra hướng phát triển bền vững để nhân rộng mô hình và trụ vững trong điều kiện kinh doanh hiện nay.

 

02/10/2015
Người gửi Hà Thu
 
Từ Khóa Phổ Biến