Ngôn ngữ
Thông cáo báo chí
Hội thảo các bên liên quan về doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam
  • 10/05/2013

Doanh nghiệp xã hội là gì? Phong trào doanh nghiệp xã hội đã phát triển như thế nào trên thế giới và trong khu vực? Những doanh nghiệp xã hội nào đã thành công tại Việt Nam? Đâu là những thách thức và giải pháp đề phát triển phong trào doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam? Tất cả những câu hỏi trên sẽ được thảo luận trong chương trình đặc biệt về sự phát triển của Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), Hội đồng Anh và Trung tâm nghiên cứu quản lý và phát triển bền vững (MSD) phối hợp tổ chức.

Chương trình trong hai ngày 17 và 18 tháng 08 năm 2011 đã thu hút được sự tham gia của hơn 70 đại biểu đến từ các cơ quan của Đảng và chính phủ, các nhà tài trợ và đầu tư, giới doanh nghiệp xã hội trong nước và tư vấn quốc tế, các tổ chức dân sự, xã hội, giới nghiên cứu và truyền thông. Ngày 17/08 các đại biểu trực tiếp đi tham quan ba mô hình doanh nghiệp xã hội, sau đó tham gia buổi hội thảo vào sáng ngày 18/08 tại khách sạn Melia Hà nội.

Chuyến tham quan thực tế cả ngày 17/08 phần nào giúp các đại biểu có cái nhìn cụ thể và rõ nét hơn về hoạt động DNgXH tại Việt Nam. Ba mô hình được lựa chọn là KOTO Interrnational, trung tâm Sao Mai và Công ty Phân bón Bảo Lâm. KOTO Interrnational là doanh nghiệp tuyển chọn và đào tạo nghề nhà hàng khách sạn cho trẻ em lang thang đường phố. Sao Mai được biết đến là một tổ chức xã hội phi lợi nhuận cung cấp dịch vụ tư vấn phát hiện sớm, can thiệp sớm và chăm sóc trẻ khuyết tật trí tuệ và trẻ tự kỷ. Cùng với đó, Công ty Phân bón Bảo Lâm được lựa chọn bởi sáng kiến thu gom rác thải để sản xuất phân bón vi sinh, giúp giảm ô nhiễm môi trường, tạo công ăn việc làm cho người dân và phát triển kinh tế.

Trong buổi hội thảo chính diễn ra vào sáng ngày 18/08, tình hình hoạt động của Doanh nghiệp xã hội trên thế giới và tại Việt Nam được chia sẻ và trao đổi cởi mở qua các bài tham luận của các diễn giả. Từ góc nhìn quốc tế về Doanh nghiệp xã hội, đại diện của Hội đồng Anh đóng góp phần trình bày và đoạn phim ngắn về quá trình phát triển của phong trào doanh nghiệp xã hội tại Vương quốc Anh. Hiện nay có khoảng 55.000 doanh nghiệp xã hội đang hoạt động tại Anh, tạo việc làm cho gần 500.000 lao động với sự tham gia của 300.000 tình nguyện viên.

Mỗi năm các doanh nghiệp xã hội đóng góp 8,4 tỉ bảng vào GDP với tổng doanh thu ước tính vào khoảng 27 tỉ bảng Anh. Ông Simon Beardow, Phó Giám đốc Hội đồng Anh Việt Nam, phát biểu: ‘‘Hội đồng Anh đã thực hiện Dự án Kỹ năng cho các Doanh nhân xã hội khu vực Đông Á từ năm 2009 với mục tiêu quảng bá Doanh nghiệp xã hội là một mô hình doanh nghiệp khả thi hướng tới sự thay đổi tích cực của xã hội và môi trường”.

Hội thảo cũng phân tích về tình hình hoạt động và vai trò đóng góp của các doanh nghiệp xã hội trong sự phát triển chung của Việt Nam đã được trao đổi và chia sẻ sôi nổi. Ông Nguyễn Hoa Cương, Cục phó cục phát triển Doanh nghiệp, đến từ Bộ Kế hoạch đầu tư đã cho biết: “Những mô hình DNgXH như KOTO, Sao Mai với những đóng góp về mặt xã hội trong thời gian qua quả thật rất ấn tượng. Cá nhân tôi cũng rất mong muốn mỗi người chúng ta cùng cố gắng thay đổi, tìm được tiếng nói chung để giúp hoạt động của các Doanh nhân xã hội Việt nam phát huy được hết khả năng của mình một cách sáng tạo.”

Với báo cáo tóm tắt về kết quả khảo sát DNgXH tại Việt Nam năm 2011, Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) đã chia sẻ: “Doanh nghiệp xã hội Việt Nam đã xuất hiện trong một thời gian khá dài những gần đây mới được biết tới như là một cách tiếp cận sáng tạo và có định hướng thị trường để giải quyết các vấn đề xã hội. Với hội thảo này CSIP mong đợi các bên có liên quan sẽ cùng nhau chia sẻ quan tâm và phối kết hợp hành động để xây dựng một hệ thống hỗ trợ phù hợp và hiệu quả cho doanh nghiệp xã hội trong thời gian tới.”

Hai phiên tọa đàm chuyên sâu phần cuối hội thảo, với 4 chủ đề là môi trường pháp lý, năng lực quản lý, huy động nguồn lực và kết nối nhằm giúp các DNgXH phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lại đã được các đại biểu cùng nhau thảo luận sôi nổi. Qua sự tham gia tích cực trong suốt chương trình, các đại biểu hiểu rõ hơn về DNgXH, mong muốn sẽ ủng hộ và góp phần tạo nên một liên kết có tính hệ thống nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của DNgXH tại Việt Nam.

Từ Khóa Phổ Biến