-
- 13/05/2022
Hỏi đáp về Gói thầu
“THÚC ĐẨY SỰ THAM GIA CỦA KHỐI TƯ NHÂN VÀO HOẠT ĐỘNG TẠO VIỆC LÀM VÀ CUNG CẤP DỊCH VỤ CHĂM SÓC/HỖ TRỢ CHO NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ GIA ĐÌNH”
Năm 2020, Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) ký kết thỏa thuận hợp tác số 72044020CA00005 với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện triển khai dự án Hòa nhập 3 tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh trong giai đoạn 7/2020 tới 31/12/2022 với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật tại các tỉnh bị phun rải nặng chất da cam.
Trong khuôn khổ Gói thầu “Thúc đẩy sự tham gia của khối tư nhân vào hoạt động tạo việc làm & cung cấp dịch vụ chăm sóc/hỗ trợ cho người khuyết tật và gia đình” (Mã gói thầu INCLUSION3_05_2022_01), CSIP hướng đến việc huy động sự tham gia của các đơn vị khối tư nhân nhằm đạt các mục tiêu sau:
• Nâng cao cơ hội việc làm và sinh kế cho người khuyết tật và gia đình họ.
• Mở rộng sản phẩm, dịch vụ hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của người khuyết tật và gia đình.
Dự án Hoà nhập 3 tìm kiếm các nhà thầu phù hợp để nhận khoản tài trợ tối đa 800.000 USD (tám trăm nghìn đô la Mỹ) nhằm hiện thực hóa các mục tiêu trên thông qua 06 hoạt động:
1. THÁO GỠ RÀO CẢN Ở PHÍA DOANH NGHIỆP SỬ DỤNG LAO ĐỘNG KHUYẾT TẬT VÀ NGƯỜI KHUYẾT TẬT CÓ NHU CẦU TÌM VIỆC
2. ƯƠM TẠO CÁC DOANH NGHIỆP KINH DOANH BAO TRÙM HƯỚNG ĐẾN NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀ GIA ĐÌNH HỌ
3. NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH KINH DOANH BAO TRÙM HƯỚNG ĐẾN NGƯỜI KHUYẾT TẬT VÀO ĐỊA BÀN DỰ ÁN
4. NGHIÊN CỨU THỊ TRƯỜNG NHẰM XÁC ĐỊNH QUY MÔ, NHU CẦU THỊ TRƯỜNG CUNG CẤP CÁC SẢN PHẨM, DỊCH VỤ HƯỚNG ĐẾN NGƯỜI KHUYẾT TẬT
5. XÂY DỰNG CÁC SÁNG KIẾN KINH DOANH HÒA NHẬP (DESIGN FOR INCLUSION)
6. HỖ TRỢ CÁC TỔ CHỨC HỖ TRỢ NGƯỜI KHUYẾT TẬT (DSOs) PHÁT TRIỂN DỊCH VỤ DỰA VÀO THỊ TRƯỜNG VÀ XÂY DỰNG MÔ HÌNH KINH DOANH BỀN VỮNG.
Hạn cuối nhận hồ sơ thầu: 17h Ngày Thứ Tư 25/05/2022
Nội dung văn bản này được biên soạn từ phần Hỏi đáp tại Hội nghị tiền đấu thầu của Gói thầu diễn ra ngày 11/05/2022 trực tiếp tại văn phòng CSIP tại Hà Nội đồng thời trực tuyến trên nền tảng Zoom với sự tham gia của gần 40 đại diện từ các đơn vị quan tâm.
---
Hỏi: CSIP có thể cung cấp thông tin liên quan đến địa bàn, số Người khuyết tật, số lượng cơ sở chăm sóc sức khỏe… để giúp Nhà thầu có thể hiểu bối cảnh, lên được dự toán tài chính phù hợp, hay không? CSIP có thể chia sẻ Báo cáo Nghiên cứu ban đầu mà CSIP thực hiện hay không?
Trả lời: Vì một số lý do bảo mật, CSIP không thể cung cấp Báo cáo nghiên cứu ban đầu cho các nhà thầu. Tuy nhiên, CSIP có thể chia sẻ một số thông tin liên quan đến số liệu và phát hiện chính của Nghiên cứu để các nhà thầu tham khảo. CSIP mong muốn các nhà thầu chủ động tìm hiểu thị trường, bối cảnh trong hoạt động mình dự kiến đề xuất để tối ưu hóa giải pháp đưa ra.
Hỏi: CSIP đã cho biết là Dự án Hòa nhập 3 sẽ có Giai đoạn 2 kéo dài từ tháng 1/2023 đến tháng 6/2025, vậy nhà thầu có cần đề xuất kế hoạch cho Giai đoạn 2 hay không?
Trả lời: Trong khuôn khổ Gói thầu này, nhà thầu cần xây dựng kế hoạch chi tiết cho 06 tháng (đến hết tháng 12/2022) cùng tầm nhìn cho đến 6/2025. Kế hoạch 2023-2025 cần thể hiện tính kế thừa, tiếp nối từ kế hoạch 2022. Nếu nhà thầu xây dựng và triển khai tốt kế hoạch cho giai đoạn 06 tháng đầu tiên này, căn cứ vào tình hình thực tế của dự án, nhà thầu sẽ có khả năng được ký tiếp hợp đồng. Với gói thầu này, nhà thầu cần xây dựng đề xuất và kế hoạch, kết quả đầu ra kỳ vọng cụ thể cho giai đoạn 7/2022 -12/2022. Kèm theo đó, ngân sách mà nhà thầu đề xuất cũng là cho hoạt động tương ứng của 06 tháng, cho đến tháng 12/2022.
Hỏi: Nhà thầu có phải đề xuất thực hiện tất cả 6 hoạt động mà Gói thầu đưa ra hay không?
Trả lời: Như đã nêu rõ trong Hồ sơ mời thầu, nhà thầu có thể lựa chọn tham gia 01 (một) hoặc nhiều hoạt động trong Gói thầu, và CSIP khuyến khích nhà thầu lựa chọn các hoạt động có tính liên quan, kết nối với nhau.
Hỏi: Trong một số hoạt động (chẳng hạn như kết nối lao động người khuyết tật tại 03 tỉnh địa bàn dự án), nhà thầu có thể kết nối với những đối tác ở địa phương khác nằm ngoài địa bàn dự án (chẳng hạn TP.HCM) hay không?
Trả lời: Nhà thầu hoàn toàn có thể huy động đối tác ở bất cứ nơi nào, miễn đối tượng hưởng lợi chính là Người khuyết tật và gia đình họ trên địa bàn 03 tỉnh dự án.
Hỏi: Nhà thầu là một tổ chức phi lợi nhuận có pháp nhân ở nước ngoài. Tại Việt Nam, nhà thầu đã thành lập một pháp nhân chính thức dưới hình thức Doanh nghiệp Xã hội nhưng bề dày kinh nghiệm chưa nhiều. Vậy nhà thầu có thể sử dụng thông tin kinh nghiệm gắn với pháp nhân quốc tế của mình để đấu thầu hay không?
Trả lời: Gói thầu này mở cho các nhà thầu thuộc các hình thức khác nhau, bao gồm doanh nghiệp, doanh nghiệp xã hội, tổ chức phi lợi nhuận… Nhà thầu bắt buộc phải có tư cách pháp nhân. Trong trường hợp này, nhà thầu có thể dùng tư cách pháp nhân của một doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, đồng thời tham chiếu đến thông tin kinh nghiệm của tổ chức đã hoạt động ở nước ngoài. Ngoài ra, nhà thầu cũng có thể sử dụng tư cách pháp nhân của tổ chức ở nước ngoài để tham gia đấu thầu.
Hỏi: Có ưu tiên nào về mức độ khuyết tật, nguyên nhân khuyết tật, độ tuổi khuyết tật của nhóm đối tượng thụ hưởng không?
Trả lời: Dự án Hòa nhập 3 ưu tiên hướng đến các đối tượng: 1/ Nạn nhân chất độc da cam; 2/ Người khuyết tật nặng và rất nặng. Dự án không giới hạn lứa tuổi Người khuyết tật, họ có thể là trẻ em hoặc người trưởng thành. Riêng trong hợp phần về việc làm và sinh kế, đối tượng hưởng lợi được mở rộng là Người khuyết tật và gia đình của họ.
Hỏi: Nhà thầu cần nộp Hồ sơ đấu thầu cho CSIP ở định dạng nào, có sẵn template hay không?
Trả lời: Nhà thầu cần gửi Cover letter và Hồ sơ kỹ thuật ở dạng word, Hồ sơ tài chính ở dạng excel. CSIP có thể gửi cho nhà thầu mẫu template Hồ sơ kỹ thuật và Hồ sơ tài chính để tham khảo. Nhà thầu có thể tùy biến template nhằm thể hiện tốt nhất giải pháp mình đưa ra cho những hoạt động nhà thầu lựa chọn, đồng thời đảm bảo những yêu cầu nội dung tối thiểu mà CSIP đã nêu rõ trong Hồ sơ mời thầu.
Hỏi: USAID và CSIP có sẵn tầm nhìn, mục tiêu cụ thể cho các hoạt động trong Gói thầu đến năm 2025 hay nhà thầu sẽ chủ động đề xuất?
Trả lời: Nhà thầu chủ động thiêt kế hoạt động 06 tháng và tầm nhìn hoạt động cho đến 2025 cho riêng mình. Tuy nhiên, các hoạt động nhà thầu đề xuất cần bám sát Lý thuyết thay đổi và Khung can thiệp mà CSIP đã xây dựng từ đầu. Sau từng giai đoạn, CSIP và nhà thầu có thể thảo luận điều chỉnh hoạt động để mang lại hiệu quả tốt hơn.
Hỏi: Tài chính tổng cho toàn bộ 6 hoạt động trong dự án là 800.000 USD, vậy có quy định về mức tối thiểu và tối đa cho mỗi hoạt động hay không? Nếu có thì mức đó là bao nhiêu?
Trả lời: CSIP không đưa ra quy định về mức tài chính tối đa, tối thiểu cho mỗi hoạt động. Dựa vào đề xuất từ phía nhà thầu, có tính đến sự tương thích giữa quy mô, giải pháp, tác động tạo ra, CSIP cùng nhà thầu sẽ xem xét tính hợp lý của ngân sách đề xuất trong giai đoạn thương thảo.
Hỏi: Trong Hồ sơ mời thầu, mục 7.4 - Hồ sơ đề xuất tài chính có ghi Ngân sách tóm tắt bao gồm các hạng mục chi phí hoạt động, lương nhân sự, công tác chi phí… Có phải những hạng mục này vẫn được tài trợ?
Trả lời: Trong Ngân sách dự án có một thuật ngữ là Chi phí trực tiếp (Direct Cost), bao gồm tất cả các khoản chi cho hoạt động Dự án. Phần ngân sách cho việc tổ chức, quản lý, nhân sự liên quan để triển khai các Hoạt động Dự án sẽ được tính là Chi phí trực tiếp và sẽ được Dự án Hòa nhập 3 tài trợ. Chi tiết về Chính sách Tài chính của USAID để áp dụng trong quá trình tham gia dự án, nhà thầu có thể tìm hiểu thêm tại https://www.usaid.gov/sites/default/agency-policy/303.pdf
Hỏi: Có quy định bắt buộc về tỷ lệ Chi phí hành chính trong Dự án hay không?
Trả lời: Chi phí hành chính phụ thuộc vào kinh nghiệm và dự toán của các nhà thầu. CSIP sẽ xem xét tính hợp lý và hiệu quả từ hồ sơ các nhà thầu đề xuất. CSIP không đưa ra một tỷ lệ Chi phí hành chính bắt buộc.
Hỏi: Trong trường hợp các Tổ chức/Doanh nghiệp trở thành nhà thầu của Gói thầu này, các nhà thầu có phải chủ động tiếp xúc, làm việc với chính quyền địa phương tại 03 tỉnh địa bàn dự án để xin phê duyệt hoạt động hay được CSIP hỗ trợ?
Trả lời: CSIP đã xây dựng khung chương trình can thiệp chung ở từng địa phương và làm viếc với chính quyền địa phương để được phê duyệt. Trong khung chương trình đó đã có hợp phần liên quan đến các hoạt động trong Gói thầu này. Sau khi nhà thầu được lựa chọn và ký thỏa thuận hợp tác, CSIP sẽ giới thiệu, đề xuất chính quyền địa phương chấp nhận nhà thầu. Nhà thầu có thể trải qua một số thủ tục kiểm tra, xét duyệt… cho đến khi được địa phương chính thức chấp nhận. CSIP sẽ hỗ trợ tối đa để các quy trình, thủ tục này diễn ra gọn gàng, nhanh chóng nhất có thể.
Hỏi: Các Insights và Quyền sở hữu trí tuệ có được sau quá trình triển khai các hoạt động (ví dụ như Insights từ Nghiên cứu thị trường) sẽ thuộc quyền sở hữu và quản lý bởi đơn vị nào - USAID, CSIP hay nhà thầu?
Trả lời: Nhà thầu (đơn vị triển khai) được ghi nhận Tác quyền cho các tài liệu mình làm ra trong quá trình triển khai Dự án, còn Quyền sở hữu và Sở hữu trí tuệ của các tài liệu này hoàn toàn thuộc về Nhà tài trợ USAID.
Hỏi: Nhiều đơn vị có thể liên danh tham gia chung một hồ sơ dự thầu hay không? Các đơn vị khác trong liên danh, ngoài nhà thầu chính, cần cung cấp những tài liệu nào?
Trả lời: USAID và CSIP không hạn chế việc các nhà thầu có thể liên danh nếu thực sự thấy cần thiết. Trong trường hợp liên danh, tất cả các nhà thầu trong liên danh đều phải nộp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu đã nêu. Tuy nhiên, do thời gian triển khai ngắn và gói thầu cần những nhà thầu có năng lực tham gia thực hiện hiệu quả, USAID và CSIP sẽ ưu tiên các nhà thầu có đủ năng lực triển khai một cách độc lập một hoặc một số hoạt động liên quan đến nhau tham gia gửi hồ sơ thầu. Điều này không hạn chế nhà thầu huy động sự tham gia của các đối tác trong và ngoài nước vào trong quá trình thực hiện dự án.
Nếu quí vị còn bất cứ thắc mắc nào liên quan đến Gói thầu, vui lòng liên hệ:
Ông Nguyễn Ngọc Tuấn
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng
Địa chỉ: Phòng 2302, 101 Láng Hạ, Hà Nội, Việt Nam
Email: procurement@csip.vn
Điện thoại: +84 24 3537 8746
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực