-
- 11/01/2015
(TBKTSG) - Việt Nam đang có đến hàng ngàn doanh nghiệp mà hoạt động của họ có đặc điểm là chia sẻ gánh nặng với Nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường (còn gọi là các doanh nghiệp xã hội - DNXH), Tuy nhiên cho đến nay, hầu hết DNXH hoạt động không khác các doanh nghiệp bình thường, và vẫn còn thiếu một cơ chế pháp lý hoàn thiện để khuyến khích sự phát triển của mô hình doanh nghiệp này.
KOTO - người tiên phong cô đơn
Trong một lần về thăm quê hương năm 1999, ông Jimmy Phạm, một Việt kiều Úc quyết định thành lập trung tâm dạy nghề KOTO (Know one teach one - Biết một dạy một), chuyên dạy nghề và kết nối việc làm cho các thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn. Đây có thể được xem là một trong những DNXH tiên phong tại Việt Nam.
Tại thời điểm thành lập, nhận thức xã hội vẫn in đậm về hai loại hình: hoặc doanh nghiệp hoạt động vì lợi nhuận, hoặc tổ chức phi chính phủ (NGO). Do vậy, một DNXH hoạt động phi lợi nhuận như KOTO còn lạ lẫm, bị nhìn nhận một cách dè dặt.
Với những đóng góp của KOTO trong nhiều năm, năm 2011, ông Jimmy Phạm được Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) trao giải thưởng “Nhà lãnh đạo trẻ toàn cầu” cho những cống hiến không ngừng của ông đối với cộng đồng. Đến nay, KOTO đã đào tạo nghề cho hơn 500 học viên, 100% có việc làm sau tốt nghiệp. Tuy nhiên, không vì thế mà KOTO nhận được nhiều sự hỗ trợ hơn.
Trao đổi với TBKTSG, ông Jimmy Phạm cho biết, suốt 15 qua, KOTO hoạt động trong “cô đơn”, không nhận được sự hỗ trợ từ các quỹ đầu tư xã hội cũng như cơ quan nhà nước. Con số 500 học viên tốt nghiệp trong hơn 10 năm tuy không nhiều nhưng là cả một nỗ lực lớn của KOTO để duy trì mô hình hoạt động này tại Việt Nam.
DNXH Việt Nam vẫn tự bơi
Bà Phạm Kiều Oanh, Tổng giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), cho biết ở Việt Nam có đến hàng ngàn DNXH nhưng phần lớn có quy mô nhỏ và vừa. Một số được các doanh nhân thành đạt lập ra; một số được chuyển đổi từ tổ chức phi chính phủ khi không còn nhận được tài trợ; một số được các bạn trẻ chọn lựa khi khởi nghiệp; còn phần lớn là các doanh nghiệp hoạt động tự phát vì cái tâm hướng đến cộng đồng chứ chưa hẳn đã định hướng và hiểu rõ mình là DNXH ngay từ đầu.
Trao đổi với TBKTSG, ông Nguyễn Tấn Bích, Giám đốc Công ty Phục vụ năng lượng Mặt Trời (Solar Serve), cho biết lúc thành lập vào năm 2000, công ty hướng đến mục đích sản xuất và kinh doanh các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để giảm thiểu việc sử dụng dụng củi, hạn chế khói thải nhằm bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường. “Lúc đó, công ty cũng chưa biết DNXH là gì. Năm 2011, Solar Serve được CSIP liên hệ, tìm hiểu và trao giải thưởng DNXH, từ đó, chúng tôi mới biết mình là DNXH”, ông Nguyễn Tấn Bích nói.
Nhưng khi đã nhận ra mình là DNXH, Solar Serve cũng như các DNXH khác, đều không nhận được bất cứ sự ưu đãi nào từ chính sách nhà nước.
Từng đi Thái Lan tìm hiểu về các DNXH, ông Bích nhận xét DNXH nước họ có tính bền vững cao hơn so với DNXH nước mình bởi Chính phủ Thái có chính sách hỗ trợ về thuế, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận các nguồn vốn vay ngân hàng với lãi suất ưu đãi và được kết nối đầu ra.
Nhìn nhận về những khó khăn của DNXH Việt Nam, ông Bích chia sẻ: “Hơn 14 năm qua, Solar Serve phải tự xoay xở vốn kinh doanh chứ không thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Lý do là chúng tôi không chứng minh được doanh thu bền vững của mình bởi sản phẩm của chúng tôi làm cho người nghèo, khó bán, lợi nhuận lại thấp. Việc vay vốn ngân hàng Việt Nam đã khó, thu hút các quỹ đầu tư nước ngoài càng khó hơn vì quy mô công ty nhỏ, có thể không nằm trong tiêu chí của họ. Không vay được vốn nên chúng tôi cũng rất khó mở rộng kinh doanh, tạo thêm việc làm, giảm giá thành sản phẩm...”.
Mô hình DNXH xuất hiện đầu tiên tại London vào năm 1665, khi đại dịch (Great Plague) hoành hành khiến nhiều gia đình giàu có, vốn là các chủ xưởng công nghiệp và cơ sở thương mại rút khỏi thành phố, để lại tình trạng thất nghiệp tăng nhanh trong nhóm dân nghèo lao động. Trong bối cảnh đó, Thomas Firmin đã đứng ra thành lập một xí nghiệp sản xuất và sử dụng nguồn tài chính cá nhân cung cấp nguyên liệu cho nhà máy để tạo và duy trì việc làm cho 1.700 công nhân. Ngay từ khi thành lập, ông tuyên bố xí nghiệp không theo đuổi mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận và lợi nhuận sẽ được chuyển cho các quỹ từ thiện. |
Anh Nguyễn Thành Nam, đồng sáng lập Công ty Đi Chung - một công ty khởi nghiệp của những bạn trẻ, xác định rõ ngay từ đầu là DNXH. Đi Chung cung cấp dịch vụ cho phép người dùng đi xe chung với nhau nếu xe còn trống nhằm giảm bớt số xe hoạt động trên đường, giảm ách tắc giao thông, giảm khí thải, tiết kiệm chi phí đi lại. Ngoài khó khăn trong việc gọi vốn, Đi Chung còn gặp không ít thách thức trong việc xây dựng văn hóa đi chung nơi khách hàng. “Tuy nhiên, ngay từ khi khởi nghiệp, chúng tôi đã xác định rõ mục tiêu xã hội cần giải quyết và lường trước những thách thức phải đối mặt nên dù còn nhiều khó khăn, chúng tôi vẫn bước tiếp”, anh Nam nói.
Triển vọng nào cho DNXH Việt Nam?
Ngày 26-11 vừa qua, Quốc hội thông qua Luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó lần đầu tiên đưa ra quy định về DNXH. Theo đó, DNXH là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của luật này, mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Tuy còn nhiều điều cần hoàn thiện để tạo khung pháp lý cho các DNXH hoạt động nhưng đây được xem là một tín hiệu tích cực khuyến khích sự hình thành một cộng đồng DNXH phát triển hơn tại Việt Nam.
Ở đây, cần mở ngoặc để thông tin thêm về định nghĩa DNXH ở nước Anh: “DNXH là một mô hình kinh doanh được thành lập nhằm thực hiện các mục tiêu xã hội, và sử dụng lợi nhuận để tái đầu tư cho mục tiêu đó hoặc cho cộng đồng, thay vì tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông hoặc chủ sở hữu”.
Về điểm mới liên quan đến DNXH trong Luật Doanh nghiệp 2014, bà Cao Thị Ngọc Bảo, Giám đốc các chương trình phát triển và xã hội của Hội đồng Anh tại Việt Nam, nhận xét đây là một tiền đề quan trọng đặt nền tảng cho việc hình thành môi trường pháp lý cùng những chính sách phù hợp nhằm khuyến khích hoạt động và sự phát triển của DNXH như một thành phần kinh tế mới bên cạnh các khối kinh tế công và tư. Các DNXH được chính thức công nhận cho thấy sự nhìn nhận của Chính phủ, các nhà làm luật với vai trò thúc đẩy các tác động xã hội tích cực dựa trên các mô hình kinh doanh bền vững của DNXH. Và khi “danh đã chính”, các DNXH mong muốn có thêm các quy định cụ thể, rõ ràng giúp họ phát triển, mở rộng quy mô hoạt động và tiếp cận đa dạng nguồn vốn đầu tư.
Cũng theo bà Cao Thị Ngọc Bảo, DNXH hoàn toàn có thể trở thành một thành phần tích cực trong nền kinh tế của các quốc gia. Hướng tiếp cận kinh doanh và giải quyết các vấn đề xã hội của DNXH là một xu hướng mới được nhiều nước ủng hộ, đi đầu là Vương quốc Anh. Việt Nam cũng không ngoại lệ. “Khi chưa được chính thức công nhận, tại Việt Nam đã có hàng trăm DNXH hoạt động, tạo ra những tác động tích cực đến cộng đồng. Nay đã được công nhận chính thức trong Luật Doanh nghiệp 2014, tôi tin các DNXH sẽ phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, bà Ngọc Bảo nói.
Bà Bảo cho biết thêm: ‘Trong khi chờ đợi hoàn thiện hành lang pháp lý cùng những chính sách phát triển phù hợp, các DNXH mới thành lập có thể tìm kiếm sự hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cần thiết trong bước đầu hoạt động từ hai tổ chức trung gian là CSIP và Trung tâm Phát triển doanh nghiệp xã hội Tia Sáng (Spark) để hoàn thiện mô hình, nâng cao nội lực, phát triển sản phẩm dịch vụ cũng như tìm kiếm nhà đầu tư”.
Ngày 4-12 vừa qua, Quỹ Đầu tư Lotus Impact đã tuyên bố rót vốn vào KOTO để thành lập KOTO Catering, một công ty chuyên cung cấp dịch vụ suất ăn công nghiệp tại TPHCM và Hà Nội. Đây là lần đầu tiên KOTO được đầu tư sau 15 năm độc hành. Dẫu biết các DNXH vẫn rất khó thu hút các quỹ đầu tư xã hội nhưng sự thành công của KOTO là một tín hiệu lạc quan, giúp các DNXH củng cố niềm tin có thể hoàn thành sứ mệnh xã hội của mình.
Vì sao các DNXH khó thu hút các quỹ đầu tư? Bà Nguyễn Thị Thu Hà, phụ trách chương trình đầu tư tác động xã hội của Oxfam tại Việt Nam: Có nhiều yếu tố để Oxfam xem xét trước khi quyết định đầu tư, trong đó yêu cầu doanh nghiệp phải có doanh thu hàng năm từ 6 tỉ đồng trở lên. “Đây là một yêu cầu không dễ đối với các DNXH nhỏ và vừa. Ngoài ra, có doanh nghiệp có doanh thu hơn 6 tỉ đồng nhưng tỷ suất sinh lợi lại rất thấp. Đó là lý do cho đến nay, Oxfam vẫn chưa quyết định đầu tư vào DNXH nào tại Việt Nam”, bà Thu Hà chia sẻ. Bà Shuyin Tang, Giám đốc LGT Venture Philanthropy khu vực Đông Nam Á: Quỹ LGT Philanthropy được rót vốn từ các nhà đầu tư như Thụy Sỹ, Đức... nên chúng tôi có những nguyên tắc xét duyệt riêng theo tiêu chuẩn châu Âu. Một trong những nguyên tắc hàng đầu là khả năng phát triển mở rộng của các DNXH. Trong năm nay, có đến hơn 50 DNXH Việt Nam kêu gọi vốn đầu tư từ LGT Philanthropy nhưng không thành công do không đáp ứng được yêu cầu cơ bản nêu trên. Ông James Điền Bùi, Giám đốc điều hành của Lotus Impact, đơn vị vừa đầu tư vào KOTO: Quỹ đầu tư xã hội, trước hết cũng là một quỹ đầu tư. Do vậy, dù mục đích chính là tạo tác động đến xã hội và môi trường, chúng tôi vẫn có những yêu cầu cơ bản về lợi nhuận. Lịch sử của công ty, năng lực của doanh nghiệp và tính khả thi của mô hình kinh doanh là những yếu tố cơ bản mà Lotus Impact xem xét khi quyết định đầu tư.
|