-
- 30/03/2015
Hội thảo quốc gia với chủ đề Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam: Vai trò của trường đại học và các tổ chức nghiên cứu diễn ra hôm nay, 16 tháng Ba, tại Hà Nội. Sự kiện do Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức cùng Hội đồng Anh Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác về chương trình thúc đẩy việc đưa khái niệm doanh nghiệp xã hội vào giảng dạy tại các trường đại học giai đoạn 2014-2015.
120 đại biểu là các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý đào tạo các trường đại học về doanh nghiệp xã hội, đại diện từ các tổ chức dân sự và các doanh nghiệp xã hội có dịp tìm hiểu về vai trò quan trọng của chính tổ chức của họ trong việc quảng bá và hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp xã hội – khu vực doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề môi trường và xã hội.
Mục tiêu của hội thảo là tăng cường sự cam kết của các giảng viên, nhà nghiên cứu và các trường đại học trong việc lồng ghép, phát triển việc giảng dạy doanh nghiệp xã hội, từ đó xây dựng được một mạng lưới các nhà học thuật về vấn đề này, tạo nền tảng cho các hoạt động giảng dạy và nghiên cứu về doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam và trong khu vực.
Với vai trò tiên phong trong việc giới thiệu khái niệm doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam từ năm 2009, Hội đồng Anh mang tới hội thảo hai chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực doanh nghiệp xã hội. Tiến sỹ Pathik Pathak, Trưởng khoa Doanh nghiệp Xã hội và Giám đốc Chương trình Doanh nghiệp Xã hội, Đại học Southampton. Tiến sỹ Pathik cũng là tác giả của cuốn sách Tương lai của một Vương quốc Anh đa văn hóa: Những thách thức dài lâu (Edinburgh University Press, 2008) và ông cũng đã có thời gian sáng lập và điều hành một số doanh nghiệp xã hội tại London và Mumbai. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Chandra Yanto hiện đang giảng dạy tại Khoa Quản lý và Khoa Hành chính công tại Đại học City, Hong Kong. Tập trung vào lĩnh vực Doanh nghiệp và Marketing, Phó Giáo sư Yanto nghiên cứu về “dữ liệu lớn” (big data) và “dữ liệu dày” (thick data) và ông cũng có gần một thập kỷ làm tư vấn và quản lý tại HSBC, Ernst & Young và Lowe Worldwide.
Doanh nghiệp xã hội đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới và được công nhận chính thức bởi hệ thống pháp luật, được tạo cơ hội tiếp cận với các dự án đầu tư công, cũng như được hỗ trợ các cơ chế về thuế. Ở Việt Nam, doanh nghiệp xã hội đã tồn tại từ lâu dưới hình thức các hợp tác xã, các cơ sở kinh doanh dành cho người tàn tật. Cuối năm 2014, Luật Doanh nghiệp sửa đổi đã ghi nhận doanh nghiệp xã hội là một hình thức doanh nghiệp, sử dụng ít nhất 51% lợi nhuận phục vụ các mục tiêu xã hội và môi trường, như đăng ký. Đã có một số tổ chức phi lợi nhuận chuyên về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp xã hội. Theo thống kê năm 2012 của Hội đồng Anh và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), hiện có khoảng hơn 200 doanh nghiệp xã hội ở Việt Nam.
Hội thảo sẽ thảo luận và đánh giá thực trạng doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam, các vấn đề đặt ra cho các tổ chức nghiên cứu và đào tạo; chia sẻ kinh nghiệm về phát triển doanh nghiệp xã hội và vai trò của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo trong phát triển doanh nghiệp xã hội trên thế giới và khu vực; đưa ra một số các kiến nghị nhằm thúc đẩy vai trò của các tổ chức nghiên cứu và đào tạo trong phát triển doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam và chính thức khởi động Mạng lưới các học giả về doanh nghiệp xã hội để chia sẻ, hỗ trợ, hợp tác cùng phát triển.
Từ năm 2012 đến nay, Hội đồng Anh Việt nam phối hợp với một số trường đại học hàng đầu tại Việt nam thực hiện nhiều hoạt động nâng cao nhận thức cho các trường đại học đặc biệt là chuỗi hội thảo và đào tạo giảng viên mà Hội đồng Anh Việt Nam phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức. Các khái niệm về doanh nghiệp xã hội, tinh thần kinh doanh xã hội đã bắt đầu được lồng ghép đưa vào giảng dạy trong một số trường đại học khối kinh tế và quản trị kinh doanh. Tuy nhiên, việc đưa vào giảng dạy mới ở mức độ tự nguyện của một số giảng viên, chưa được chính thức hóa vào giáo trình, bài giảng của các Khoa và Trường. Ngoài ra, các hoạt động nghiên cứu cơ bản về doanh nghiệp xã hội và tinh thần kinh doanh xã hội gần như vẫn còn bỏ ngỏ ở Việt Nam cũng như trong khu vực.
Trong cùng chuỗi hoạt động của Hội thảo, sáng 17 tháng Ba, diễn đàn mở chia sẻ kinh nghiệm “Tinh thần kinh doanh và sáng tạo xã hội trong trường đại học: kinh nghiệm quốc tế” sẽ được tổ chức. Diễn đàn này hướng đến việc chia sẻ những phương pháp, quy trình, công cụ cụ thể nhằm lồng ghép thành công việc giảng dạy các nội dung liên quan đến doanh nghiệp xã hội trong các trường đại học.
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực