-
- 10/04/2015
Nội dung nổi bật:
- Doanh nghiệp xã hội đang dần hình thành tại Việt Nam. Chính phủ thì cam kết “khuyến khích, ủng hộ và xúc tiến sự phát triển của các doanh nghiệp xã hội”.
- Tuy nhiên, phía các doanh nhân xã hội cho biết vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhất là việc lấy được lòng tin của khách hàng.
Vào một chiều đông tại một ngôi làng nhỏ ở tỉnh Bắc Ninh, Việt Nam. Chị Hương không dành thời gian để uống trà mà chỉ ngồi nghỉ giải lao khi đang làm giấy Dó truyền thống. Vì đang là mùa đông, bàn tay chị Hương lạnh cóng bởi quá trình nhúng vỏ dó nước vôi lạnh cho mềm ra và sau đó ép khô thành giấy.
Nếu một ngày thuận lợi, chị có thể làm ra 800 trang giấy nhưng sẽ phải mất cả tháng sau thì những trang giấy được làm thủ công như thế này mới được mang bán. Không ngạc nhiên khi gia đình của chị Hương là một trong số 3 gia đình duy nhất trong làng vẫn duy trì nghề truyền thống này. Việt Nam đã trải qua sự phát triển nhanh chóng trong 30 năm qua và người dân trong làng hiện hầu như đều chuyển sang sản xuất giấy vệ sinh và giấy ăn.
Chị Hương thừa nhận rất khó để thuyết phục được trẻ con trong nhà học và tiếp tục duy trì nghề truyền thống này bởi thu nhập ít. Một phần của vấn đề nằm ở khâu đầu ra. Mặc dù chất lượng tốt và có độ bền cao nhưng hầu như các nghệ sỹ vẫn chọn những loại giấy rẻ hơn làm từ chất liệu khác.
Trước thực tế đó, để duy trì làng nghề truyền thống, chị Hồng Nhung đã sáng lập ra doanh nghiệp sản xuất giấy mang tên Zo. Chị cho biết, đang tạo ra nhu cầu cho loại giấy này bằng cách tìm những cách sử dụng hiện đại như đèn, sổ tay, phong thứ và thiệp chúc mừng. Tìm thị trường cho sản phẩm rất khó khăn nhưng nó chỉ là một phần nhỏ của rất nhiều vấn đề cần giải quyết.
“Đó là lý do tại sao chúng tôi chọn hình thức doanh nghiệp xã hội. Nó có thể liên kết tốt với chính phủ, người dân trong làng, thị trường và khách hàng. Tất cả những bên có liên quan đến chuỗi giá trị đều được kết nối lại. Tất cả có tầm quan trọng ngang nhau”.
Chị Nhung tin rằng doanh nghiệp xã hội là yếu tố sống còn đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước khi doanh nghiệp và chính phủ đều khó khăn trong việc giải quyết các vấn đề nghèo đói, bình đẳng xã hội và áp lực môi trường. Các chính trị gia cũng thừa nhận đóng góp của mô hình này cho phát triển đất nước. Luật doanh nghiệp của Việt Nam đã được sửa đổi vào năm 2014 để bổ sung thêm định nghĩa hợp pháp về doanh nghiệp xã hội và chính phủ cam kết “khuyến khích, ủng hộ và xúc tiến sự phát triển của các doanh nghiệp xã hội”.
Theo luật, các doanh nhân xã hội sẽ “được cân nhắc ưu đãi đặc biệt” trong việc cấp phép và chứng nhận. Họ cũng có thể được đầu tư vốn và nhận tài trợ từ những cá nhân là người Việt Nam và nước ngoài, các doanh nghiệp để bù đắp một phần chi phí điều hành, hoạt động.
Doanh nghiệp xã hội vẫn gặp khó khăn?
Nguyễn Đình Nguyên – chủ tịch một doanh nghiệp xã hội tại Hà Nội nói rằng doanh nghệp xã hội vẫn khó có thể tạo ra khác biệt ngay tức khắc. Ông nói rằng doanh nghiệp xã hội vẫn bị cả nhà đầu tư và khách hàng hiểu sai. Những người này vẫn hoài nghi về động cơ của họ và thêm nỗi lo sợ phá sản khiến mô hình doanh nghiệp này gặp khó khăn trong việc thuyết phục mọi người. Trong trường hợp doanh nghiệp của ông Nguyên, lợi nhuận hoạt động sẽ dành để thành lập những buổi học về nghệ thuật và học bổng cho các trẻ em không có điều kiện.
Ông Nguyên cho rằng để kinh doanh thành công tại Việt Nam không phải dựa vào quảng cáo mà dựa vào sự truyền miệng. Chính vì vậy, nếu không có khách hàng trung thành, doanh nghiệp không thể sống sót.
Tăng nhận thức sẽ là yếu tố then chốt để ủng hộ doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam. Dương Phương Hạnh – giám đốc trung tâm tư vấn và giáo dục Deaf and Hard tại thành phố Hồ Chí Minh giải thích rằng cho đến gần đây các doanh nghiệp xã hội vẫn bị nghĩ là một tổ chức giống như từ thiện và hoạt động phụ thuộc vào các khoản viện trợ. Đây là suy nghĩ cần phải loại bỏ ngay lập tức.
"Để kinh doanh thành công tại Việt Nam không phải dựa vào quảng cáo mà dựa vào sự truyền miệng. Chính vì vậy, nếu không có khách hàng trung thành, doanh nghiệp không thể sống sót" - Ông Nguyễn Đình Nguyên, chủ doanh nghiệp Tò He.
Hạnh bị điếc từ khi cô 6 tuổi và hiện phải sử dụng máy trợ thính. Cô giải thích mặc dù cố học hành chăm chỉ với mong ước trở thành kỹ sư hóa học nhưng bị khuyết tật là một bất lợi lớn và khiến cô buộc phải chấp nhận mức lương thấp hơn so với các đồng nghiệp.
Chính vì vậy, Hạnh muốn tạo ra trung tâm tư vấn giáo dục dành cho những người khác cũng giống như mình bởi hệ thống hiện tại còn ít hoặc không hỗ trợ cho người khuyết tật.
Hạnh tin rằng nếu chính phủ nỗ lực hơn trong việc công nhận thành tích của các doanh nghiệp xã hội thì có thể giúp những tổ chức như của cô dành được sự ủng hộ từ xã hội. Cô cũng muốn nhìn thấy những sự trợ giúp trực tiếp như ưu đãi thuế và giá thuê trụ sở văn phòng. Các doanh nghiệp xã hội hiện tại đang được đối xử không khác gì so với các doanh nghiệp kinh doanh vì lợi nhuận và Hạnh thừa nhận cô đang gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên và chi phí sinh hoạt của chính cô hàng tháng.
“Nếu tôi nhận được nhiều ưu đãi hơn từ chính phủ, tôi có thể cải thiện giáo dục cho cộng đồng những người điếc. Việt Nam có rất nhiều người điếc, không thể nghe nói và họ chỉ lắc hoặc gật đầu để giao tiếp. Tôi muốn phát triển giáo dục cho những người điếc tại Việt Nam và khiến Việt Nam trở thành quốc gia mà mọi người dù lành lặn hay khuyết tật đều có thể đóng góp cho xã hội”.
Mặc dù gặp phải thử thách, Hạnh vẫn lạc quan. Cô nói sự kết nối với các quốc gia phương Tây như Anh – nơi mà doanh nghiệp xã hội đã phát triển là tốt và giúp cô học được về cách khiến mô hình này thành công.
“Người Việt Nam thích ý tưởng về doanh nghiệp xã hội. Chúng tôi có truyền thống văn hóa và thích sự chia sẻ. Đó là điểm bắt đầu tốt cho mọi người – cho bất cứ ai muốn xây dựng doanh nghiệp xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi đang đối mặt với nhiều khó khăn. Nếu giúp người khác khiến bạn hạnh phúc thì doanh nghiệp xã hội nên được chào đón”.
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực