Ngôn ngữ
Tin tức
Chặng đường mới cho doanh nghiệp xã hội
  • 09/10/2015
 
 
 
 

Dạy nghề cho những thanh niên có hoàn cảnh đặc biệt là một trong những hướng đi được các DNXH chú trọng. Ảnh: NGỌC MAI
 

Trước khi loại hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) được thừa nhận chính danh trong điều 10 của Luật Doanh nghiệp 2014, đã có những doanh nhân dấn thân vào con đường kinh doanh đầy chông gai thử thách này. Giờ thì những rào cản trong đăng ký và hoạt động của DNXH đã được gỡ bỏ, nhưng không phải ông chủ doanh nghiệp nào cũng đủ sức đi đúng và đi đến cùng với sự lựa chọn của mình. Muốn tạo nên một xu hướng phát triển, DNXH cần đến bà đỡ chính sách và sự chung sức của cả cộng đồng.

Bình quân một DNXH ở Việt Nam có số vốn đăng ký ban đầu khoảng 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động, trong đó khoảng 1/3 lao động có hoàn cảnh đặc biệt, lợi nhuận thu về khoảng 400 triệu đồng/năm. DNXH có thể cải thiện cuộc sống cho hơn 2.000 đối tượng, bên cạnh việc kiến tạo các giá trị xã hội và môi trường khác.

Lựa chọn xu thế mới

Sự khác nhau giữa DNXH và doanh nghiệp thương mại nằm ở mục tiêu kinh doanh và sử dụng lao động, một bên là phụng sự xã hội và một bên là lợi nhuận. Tuy nhiên sự khác biệt này cũng có tính tương đối của nó. Bởi bản chất các doanh nghiệp thông thường, không phải tất cả đều chỉ vì lợi nhuận, họ vẫn có những lý tưởng hay mục tiêu cao cả vì cộng đồng. Vậy thì, đi sâu hơn, điểm tạo nên sự khác biệt giữa một DNXH và một doanh nghiệp thông thường, chính là việc DNXH sử dụng lao động trực tiếp là những người yếu thế và những người có hoàn cảnh khó khăn, hay gián tiếp tạo cơ hội cho họ tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm hay dịch vụ của mình.

Soi chiếu vào sự khác biệt này, có rất nhiều doanh nhân trăn trở trước khi lựa chọn con đường kinh doanh theo mô hình DNXH hay không ngay cả khi họ nhận thức rõ, DNXH là xu hướng kinh doanh tương lai. Một vị giám đốc điều hành doanh nghiệp (CEO) chia sẻ rất thật, “Doanh nghiệp lo chuyện cơm áo gạo tiền cho công ty, cho nhân viên, cho các nhà đầu tư, thỉnh thoảng làm chút từ thiện đã là tốt lắm rồi. Nghĩ sâu xa tới cộng đồng, tới xã hội thật là khó quá!”. Vậy nên, đa phần các CEO đưa trách nhiệm xã hội (CSR) vào trong các hoạt động của mình như một sự đóng góp với cộng đồng. Và trong xã hội, vì thế cũng tồn tại cách hiểu chưa rõ ràng về DNXH và một doanh nghiệp tham gia các hoạt động xã hội.

Ở Việt Nam, hiện có hàng chục nghìn tổ chức và doanh nghiệp mang những đặc điểm của DNXH được hình thành tự phát từ rất lâu. Nhiều chủ doanh nghiệp khi được phỏng vấn cho biết, lúc khởi sự kinh doanh, họ thấy hay là làm chứ cũng không hiểu đó là mô hình DNXH. Ai ngờ, sau này vô tình lại khớp với các đặc điểm DNXH. Nói thế để thấy, ngày 26-11-2014 đã đi vào lịch sử của cộng đồng DNXH khi lần đầu tiên khái niệm DNXH được luật hóa tại Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Sẽ không phải là lạc quan quá khi dự báo rằng, một khi Nghị định hướng dẫn được ban hành đưa ra cơ chế cho phát triển có hiệu lực thì DNXH sẽ được chính thức khai sinh và phát triển nở rộ với các hình thái mới.

Bên cạnh các tên tuổi đã nổi danh nhờ đi tiên phong một cách kiên định như Koto, Hoa ban +, Tò he, Hoa sữa, Blink-Link, Sapa O’Chau ... thì ngày một nhiều các mô hình DNXH mới như Kymviet, SFORA, Thế giới bóng bay, Hanoi Creative City, Zó project, Khác - Hành trình đi để lớn, TASY... Đặc biệt hai mạng lưới cộng đồng hỗ trợ DNXH là Mạng lưới DNXH Việt Nam (VSEN) và Mạng lưới học giả DNXH Việt Nam (VSES) đã ra đời đón đầu trào lưu này với nhiều hoạt động sôi động bổ trợ cho việc hình thành hệ sinh thái DNXH.

Có một điều khá thú vị khi quan sát con đường phát triển của đội ngũ DNXH ở Việt Nam chính là đa phần doanh nghiệp lựa chọn hoạt động trong các phân ngành thuộc ngành công nghiệp sáng tạo. Thế nhưng, điều thú vị này cũng bộc lộ một thực tế đáng nói khác. Đó là định hướng phát triển ngành công nghiệp sáng tạo chưa được thừa nhận trong bất kỳ văn bản pháp lý nào.

Nhìn ở mức độ tối ưu, DNXH lấy sáng tạo làm sản phẩm hay dịch vụ của mình, tạo động lực cho các doanh nghiệp khác đi theo con đường sáng tạo xã hội để phát triển kinh doanh, vừa tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, vừa tạo ra hiệu quả cho hoạt động xã hội. Nếu công nghiệp sáng tạo được khai sinh bằng khung khổ pháp lý thì mới có cơ hội tạo cú hích cho DNXH phát triển. Theo định hướng này, một doanh nhân cần biết hình ảnh họ xây dựng nên đi theo hướng “doanh nhân sáng tạo xã hội” và doanh nghiệp của mình cần có “tinh thần doanh nhân sáng tạo”.

Mặt trái của sự nở rộ

Những kỳ vọng về sự nở rộ là góc nhìn lạc quan. Nhưng cũng không thể không nhắc đến thực trạng đầy khó khăn với đa số doanh nghiệp hoạt động theo mô hình hướng về xã hội hiện nay. Đó là tỷ lệ phá sản và thất bại trong kinh doanh khá cao bởi tình trạng chia lẻ, rời rạc, phân tán, và thiếu kỹ năng quản trị dự án.

Không thể chỉ có hoa nở, khi DNXH vẫn chiếm số ít trong cộng đồng doanh nghiệp nói chung bởi những hạn chế của chính mô hình này. Trong nhiều cuộc trò chuyện với các doanh nhân khởi nghiệp, chúng tôi nhận thấy, quy định phải bảo đảm có lợi nhuận đồng thời với các nghĩa vụ cộng đồng cao cả thật sự là thách thức với mọi trái tim khởi sự. Thêm nữa, do chưa có tiêu chí cụ thể xác định thế nào là DNXH, nên có tình trạng, một số doanh nghiệp tự tuyên bố đi theo con đường này thực chất chỉ để thông qua đó, cắt giảm các chi phí truyền thông, marketing, quảng cáo và bán hàng, trong khi hoạt động không khác gì doanh nghiệp thông thường.

Khó khăn cho việc mở rộng hoạt động còn đến từ việc suy giảm niềm tin trong dân chúng với loại hình DNXH khi có nhiều trường hợp lợi dụng người yếu thế, khuyết tật để kêu gọi tài trợ…

Chặng đường phía trước sau dấu mốc được định danh rõ ràng còn đầy chông gai khi mà những trở ngại đến từ chính nội tại của DNXH. Vì sao đóng góp của cộng đồng DNXH cho quốc gia còn thấp? Đó là bởi chủ yếu các sản phẩm hay dịch vụ của DNXH còn đơn giản, không sử dụng nhiều công nghệ, đồng thời giá cả sản phẩm do DNXH sản xuất ra còn cao hơn so với mặt bằng giá của những sản phẩm thông thường. Nhiều chủ DNXH không được đào tạo bài bản, thiếu tư duy kinh doanh và kỹ năng quản trị. Cũng vì chỉ chiếm số ít nên tiếng nói của cộng đồng DNXH chưa đủ mạnh trong các cuộc tham vấn chính sách cho cộng đồng nói chung.

DNXH là một định chế phù hợp với quy luật thị trường chứa đựng trong đó sự nhân văn. Khi một quốc gia lựa chọn con đường phát triển bền vững hướng đến một xã hội công bằng thì DNXH vừa là sự lựa chọn vừa là xu hướng. Tuy nhiên lựa chọn đi theo con đường DNXH cần có sự tỉnh táo và can trường khi đối diện với các thách thức.

Khái niệm DNXH được sử dụng từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước để chỉ những doanh nghiệp hoạt động theo cơ chế thị trường, nhưng mục đích chủ yếu là giải quyết các vấn đề xã hội thay vì lợi nhuận thuần túy. Nở rộ ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Hàn Quốc... loại hình doanh nghiệp này đã phát triển mạnh mẽ trên thế giới trong thập kỷ vừa qua và hứa hẹn trở thành trào lưu của tương lai.
TS Phan Thị Thùy Trâm


 

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến