Ngôn ngữ
Tin tức
BỔ SUNG CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ THUẾ CHO DOANH NGHIỆP XÃ HỘI
  • 07/04/2016

 

Bổ sung chính sách hỗ trợ thuế cho doanh nghiệp xã hội

(VEN) - Việt Nam có hàng ngàn tổ chức, doanh nghiệp (DN) hoạt động mang tính chất của doanh nghiệp xã hội (DNXH), tác động tích cực tới tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, việc phát triển mô hình DNXH còn gặp rất nhiều khó khăn nên cần được bổ sung về các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách thuế.

Trung bình mỗi DNXH ở Việt Nam có vốn đăng ký ban đầu khoảng 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 50 lao động, trong đó khoảng 1/3 lao động có hoàn cảnh đặc biệt. DNXH góp phần cải thiện cuộc sống cho hàng ngàn đối tượng, bên cạnh việc kiến tạo các giá trị xã hội và môi trường khác. Tuy nhiên, tỷ lệ phá sản và thất bại trong kinh doanh của DNXH cũng rất cao.

Ngoài việc phải đối mặt với những khó khăn chung, hầu hết các DNXH còn có quy mô nhỏ, thị trường chủ yếu phục vụ tầng lớp dân cư có thu nhập thấp. Việc phải bảo đảm lợi nhuận đồng thời với các nghĩa vụ cộng đồng thực sự là một thách thức lớn đối với DNXH. Sản phẩm, dịch vụ của DNXH còn đơn giản, không sử dụng nhiều công nghệ, giá thành cao. Nhiều chủ DNXH không được đào tạo, thiếu tư duy kinh doanh và kỹ năng quản trị.… Chính vì vậy, DNXH rất khó cạnh tranh trên thương trường. Quy mô, khối lượng DNXH hiện nay còn nhỏ so với tổng khối lượng DN cho thấy, sự phát triển của mô hình này còn rất nhiều thách thức. Vì chiếm thiểu số, tiếng nói của các DNXH cũng chưa đủ mạnh trong các cuộc tham vấn chính sách phát triển.

Để khuyến khích loại hình DNXH phát triển, bên cạnh những ưu đãi về thuế hiện hành như được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thực hiện dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực bảo vệ môi trường; được hưởng thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng đối với thu nhập của DN từ việc xã hội hóa giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao và môi trường; trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng, nuôi trồng nông- lâm- thủy sản ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn; sản xuất, nhân và lai tạo giống cây trồng, vật nuôi…, Bộ Tài chính đang đề xuất Chính phủ bổ sung miễn thuế đối với phần thu nhập không chia của DNXH trong hoạt động xã hội hoá giáo dục - đào tạo, y tế và phần thu nhập DNXH để lại để đầu tư phát triển.…

Tuy nhiên, để được hưởng những ưu đãi mới trên, DNXH cũng phải đáp ứng điều kiện thu nhập không chia là lợi tức từ kinh doanh không chia theo luật chuyên ngành; phần lợi tức từ kinh doanh khi chia không vượt quá mức lãi suất của trái phiếu Chính phủ.

Nhằm thúc đẩy DNXH tăng cường ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng và giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, các chuyên gia thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, cần bổ sung thêm chính sách hỗ trợ về thuế cho DNXH đối với hàng hóa nhập khẩu để sử dụng trực tiếp vào hoạt động đổi mới công nghệ, gồm máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư trong nước chưa sản xuất được. DNXH đầu tư dây chuyền sản xuất mới, mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất được miễn thuế thu nhập DN trong mười năm. DNXH ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn khi thực hiện dự án đầu tư có tiếp nhận công nghệ được hưởng ưu đãi miễn thuế thu nhập DN mười năm kể từ khi có thu nhập chịu thuế; miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá phục vụ việc thay thế, đổi mới công nghệ và nguyên liệu, vật tư, linh kiện dùng để sản xuất trong thời hạn mười năm kể từ khi bắt đầu sản xuất theo công nghệ mới.

Ngoài ra, để DNXH phát triển cũng rất cần có thêm các chính sách khác về kinh tế, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ…, nhằm hỗ trợ về tài chính, đào tạo nhân lực, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới…, giúp cho DNXH ngày càng nâng cao chất lượng và mở rộng phạm vi hoạt động.

Lan Ngọc

 

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến