Ngôn ngữ
Tin tức
“BẮT BỆNH” CHO CÁC DOANH NGHIỆP XÃ HỘI TẠI KHU VỰC ĐÔNG NAM Á
  • 01/12/2017

Gần đây, ASEAN CSR Network, Oxfam và AVPN đã công bố báo cáo đánh giá về khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp vi mô, doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNVVN) đang kinh doanh tạo tác động xã hội thuộc các quốc gia trong khu vực ASEAN. Nghiên cứu đã chỉ ra những cơ hội và thách thức của các doanh nghiệp này trong việc tiếp cận nguồn vốn tài chính, đồng thời đưa ra kiến nghị để thúc đẩy môi trường tài chính thuận lợi hơn cho các DNVVN và doanh nghiệp siêu nhỏ trong khu vực. Trong 12 tháng, các nghiên cứu viên đã tiến hành phỏng vấn và lắng nghe ý kiến từ các cơ quan chức năng cùng các nhà đầu tư, các quỹ tài trợ, hộ nông dân, hiệp hội thương mại, mạng lưới nữ doanh nhân, các tổ chức thuộc ASEAN, các vườn ươm, cơ quan chính phủ và các tổ chức khác.

Theo nghiên cứu này, các doanh nghiệp vi mô và doanh nghiệp nhỏ được coi là xương sống của các nền kinh tế trong khu vực Đông Nam Á. Mặc dù số doanh nghiệp này chiếm đến 89%-99% trong tổng số doanh nghiệp, nhưng chỉ đóng góp từ 30%-53% GDP và 19%-31% kim ngạch xuất khẩu. Vấn đề tiếp cận nguồn vốn được cho là thách thức lớn nhất mà các doanh nghiệp này gặp phải. Theo đó, các doanh nhân khởi sự vẫn đang “sống sót” phần lớn nhờ vào tài chính cá nhân, họ huy động vốn từ tiền tiết kiệm, từ gia đình và bạn bè để kinh doanh. Trong khi đó, việc vay vốn ngân hàng lại không hề dễ dàng khi mô hình hoạt động của các doanh nghiệp này còn nhỏ lẻ, hệ thống báo cáo tài chính chưa hoàn thiện và thiếu kế hoạch kinh doanh phù hợp. Xét đến yếu tố về giới, các doanh nhân khởi nghiệp là nữ giới cũng được cho rằng gặp nhiều khó khăn hơn trong tiếp cận vốn so với nam giới.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, đầu tư tạo tác động tại khu vực Đông Nam Á đang ngày một sôi động, tuy nhiên mức độ sẵn sàng của các nhà đầu tư vẫn vẫn còn rất thấp. Vấn đề "missing midde" - thiếu hụt các doanh nghiệp tầm trung, cũng được đề cập trong nghiên cứu này để nói lên bối cảnh chung của các nền kinh tế trong khu vực.

Mặc dù vậy, báo cáo cũng đã ghi nhận những nỗ lực tích cực của các quốc gia trong khu vực ASEAN trong việc thúc đẩy tinh thần doanh nhân nói chung và doanh nhân xã hội nói riêng. Các quốc gia dẫn đầu nền kinh tế trong khu vực như Malaysia và Singapore đã hợp tác với các nhà đầu tư để ươm tạo các doanh nghiệp khởi nghiệp có tiềm năng. Trong khi đó, Việt Nam được ghi nhận là quốc gia Đông Nam Á đầu tiên chính thức ghi nhận doanh nghiệp xã hội dưới Luật doanh nghiệp. Tại Thái Lan, quá trình này vẫn đang diễn ra rất tích cực.

Báo cáo đã đưa ra những khuyến nghị sau để tăng cường khả năng huy động vốn cho MSMEs:
- Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu cho các doanh nhân
- Khuyến khích tài chính có trách nhiệm và hòa nhập
- Tăng cường hỗ trợ nữ doanh nhân

Từ Khóa Phổ Biến