-
- 17/05/2016
(Chinhphu.vn) – Ý kiến đề nghị các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp làm từ thiện nên được xây dựng theo hướng “được làm những việc không bị cấm”, thay vì liệt kê cụ thể những việc được khuyến khích như hiện nay.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đã ngày càng mở rộng các khỏan chi từ thiện được coi là chi phí hợp lý của doanh nghiệp. |
Từ câu chuyện của nhóm phượt thủ
Tại buổi tọa đàm về thực tiễn hoạt động từ thiện của doanh nghiệp và nhu cầu chính sách do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với một số đơn vị tổ chức ngày 16/5, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, chia sẻ một câu chuyện điển hình về doanh nghiệp xã hội – mô hình khá mới đã lần đầu tiên được đưa vào Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Ông cho biết một nhóm các phượt thủ có ý định xây dựng một studio cho trẻ em vùng cao mà tại đây các em có thể vẽ tranh và làm các hoạt động sáng tạo khác. Kế hoạch của nhóm phượt thủ là bán các bức tranh đó, lấy nguồn vốn trở lại đầu tư cho các hoạt động cho các em.
Theo ông Hiếu, mô hình hoạt động từ thiện này mang tính bền vững hơn so với hoạt động từ thiện truyền thống, bởi nguồn kinh phí có thể được duy trì và sinh lợi. Hơn nữa, hoạt động từ thiện cũng trở nên minh bạch hơn vì theo các quy luật của kinh tế thị trường.
Luật Doanh nghiệp 2014 và sau đó là các văn bản hướng dẫn đã lần đầu tiên quy định về loại hình doanh nghiệp xã hội. Các doanh nghiệp này có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế của VCCI, cho rằng suy cho cùng thì việc Nhà nước thu thuế của doanh nghiệp cũng là nhằm vào các mục tiêu xã hội. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, với cách làm của mình, doanh nghiệp có thể làm tốt hơn Nhà nước. “Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp làm từ thiện, chẳng hạn như giảm thuế, là một vấn đề đạo lý”, ông Tuấn nói.
Chính sách còn nhiều hạn chế
Tuy nhiên, cơ chế, chính sách từ phía Nhà nước trong vấn đề này cũng còn nhiều hạn chế.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, các quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp đã ngày càng mở rộng các khỏan chi từ thiện được coi là chi phí hợp lý của doanh nghiệp.
Ví dụ Luật số 14 năm 2008 về thuế thu nhập doanh nghiệp đã tính vào chi phí hợp lý các khoản tài trợ cho giáo dục, tài trợ cho y tế, tài trợ khắc phục hậu quả thiên tai, làm nhà tình nghĩa cho người nghèo. Còn Luật số 32 năm 2013 bổ sung thêm khoản tài trợ theo chương trình của nhà nước dành cho các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Tuy nhiên, bà Cúc cũng đề nghị nghiên cứu mở rộng thêm một số khoản chi phí liên quan đến môi trường như hỗ trợ khắc phục sự cố môi trường biển, tai nạn sập hầm lò…
Nhìn rộng hơn, theo một nghiên cứu của Quỹ Châu Á, Nhà nước Việt Nam đã thể hiện quan điểm nhất quán trong việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hoạt động từ thiện.
Tuy nhiên, các văn bản pháp luật về vấn đề này được xây dựng theo cách tiếp cận cũ, liệt kê từng việc cụ thể được khuyến khích, mà không theo hướng “được làm những việc không bị cấm”. Do đó không thể theo kịp thực tiễn và mỗi lần sửa đổi, bổ sung lại thêm bớt từng việc cụ thể.
Hơn nữa trình tự thủ tục để được hưởng ưu đãi thuế cũng phức tạp, gây tâm lý e ngại. Chẳng hạn các khoảnchi hỗ trợ khắc phục hậu quả thiên tai, chi bằng tiền cho người bệnh chỉ được coi là hợp lý nếu thông qua các tổ chức có chức năng tài trợ theo quy định của pháp luật.
Hơn nữa, tất cả các quy định về miễn, giảm, khấu trừ các loại thuế chỉ được áp dụng điều chỉnh với các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật. Như vậy, khoảng 200.000 tổ chức cộng đồng hiện đang tồn tại ở Việt Nam, về mặt pháp lý, không được nhận bất kỳ khoản tài trợ chính thức nào từ các nguồn trong và ngoài nước.
Vẫn làm từ thiện theo quán tính
TS Đặng Hoàng Giang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng (CECODES) dẫn kết quả một khảo sát cho thấy phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang làm từ thiện, làm các hoạt động xã hội theo quán tính, vào những lĩnh vực truyền thống và theo những cách làm cũ, như đóng tiền, mua chăn, mua sữa… hỗ trợ người khó khăn.
“Khi được hỏi, các doanh nghiệp đều nhận định những vấn đề như tham nhũng, ô nhiễm môi trường, nạn thất nghiệp hay chất lượng giáo dục… là những vấn đề then chốt cần giải quyết hiện nay. Nhưng các doanh nghiệp lại không quan tâm đến những lĩnh vực nóng bỏng này”, ông Giang nói.
Thực tế, với phần lớn doanh nghiệp, từ thiện không được coi một phần của mục tiêu kinh doanh, do đó thiếu trầm trọng tính chiến lược, mà chủ yếu là bột phát, bề nổi, mang tính vụ việc ngắn hạn, không gắn kết với năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.
Một vấn đề khác, theo nhiều chuyên gia, từ khi Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia có thu nhập trung bình, các nguồn hỗ trợ từ thiện từ các tổ chức phi chính phủ giảm dần và do vậy cần nguồn lực mới từ khu vực doanh nghiệp.
Về mặt lý thuyết, mối quan hệ giữa một bên cần nguồn vốn để thực hiện các chương trình nhân đạo và phát triển (các tổ chức xã hội) và một bên có nhu cầu đóng góp cho các hoạt động đó (khối doanh nghiệp) lẽ ra phải chặt chẽ và bền vững.
Nhưng trên thực tế, mối quan hệ này lại không thực sự tích cực, còn quá nhiều sự thiếu hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau từ cả hai phía, theo một báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á. Nói cách khác, hai bên thiếu cả thông tin lẫn lòng tin với nhau.
Hà Chính
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực