-
- 16/11/2020
I. GIỚI THIỆU:
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận tiên phong trong việc thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp xã hội và các sáng kiến xã hội tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Được thành lập từ năm 2008, CSIP tìm kiếm và hỗ trợ trực tiếp cho các giải pháp kinh doanh sáng tạo và bền vững nhằm giải quyết các thách thức xã hội và môi trường.
Hiện nay CSIP đang tiến hành khảo sát để chuẩn bị thực hiện dự án hỗ trợ cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật (NKT) tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước. CSIP tìm kiếm các đối tác tiềm năng nhằm tổ chức, cung cấp các dịch vụ và can thiệp dành cho NKT, cũng như cải thiện chất lượng hệ thống phục hồi chức năng (PHCN) và hỗ trợ xã hội tại các tỉnh dự án.
Lưu ý quan trọng: Đây không phải là văn bản Mời thầu hoặc các hình thức tương tự. CSIP không đảm bảo các đơn vị/tổ chức nộp thư Bày tỏ sự quan tâm sẽ nhận được nguồn tài trợ từ dự án. Thư bày tỏ sự quan tâm sẽ được sử dụng nhằm đánh giá nguồn cung cấp dịch vụ PHCN, chăm sóc, hoặc hỗ trợ cho NKT hoặc người chăm sóc trên địa bàn dự án. Việc lựa chọn đối tác cung cấp dịch vụ sẽ thông qua quá trình Mời thầu cạnh tranh, dự kiến thực hiện vào đầu năm 2021.
THÔNG TIN CHUNG:
Mục tiêu tổng quát: Cải thiện chất lượng sống của người khuyết tật tại các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh và Bình Phước.
Các mục tiêu cụ thể và hoạt động dự kiến:
▪ Mục tiêu cụ thể 1: Mở rộng các dịch vụ hỗ trợ y tế và phục hồi chức năng, cải thiện sức khỏe và chất lượng sống của người khuyết tật.
Để đạt được mục tiêu 1, dự án sẽ hỗ trợ các tỉnh cung cấp các dịch vụ PHCN chất lượng cao nhằm mục đích cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống trong suốt quá trình triển khai. Các hoạt động hỗ trợ PHCN cụ thể và trực tiếp, dành cho khoảng 7.000 người khuyết tật theo nhu cầu của họ, sẽ được giám sát chặt chẽ về quy chuẩn và chất lượng.
Về dài hạn, dự án hướng tới mục đích tăng cường hệ thống dịch vụ y tế với nhiều thành phần tham gia (công lập và ngoài công lập) tại các tỉnh dự án nhằm đảm bảo tính bền vững của các dịch vụ PHCN chất lượng cao. Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới, năng lực hệ thống y tế trong lĩnh vực phục hồi chức năng bao gồm sáu (6) lĩnh vực: 1) Xây dựng và mở rộng mạng lưới cung cấp dịch vụ; 2) Dụng cụ trợ giúp (bao gồm chân tay giả, nẹp chỉnh hình, dụng cụ hỗ trợ đi lại và hỗ trợ cuộc sống hàng ngày; 3) Năng lực quản trị hệ thống; 4) Nguồn nhân lực; 5) Ngân sách và tài chính; 6) Hệ thống thông tin y tế liên quan đến người khuyết tật. Dự án sẽ hỗ trợ các tỉnh cải thiện toàn bộ 6 lĩnh vực này trong thời gian thực hiện.
▪ Mục tiêu cụ thể 2: Mở rộng dịch vụ xã hội, tăng cường hỗ trợ hòa nhập xã hội và triển khai hỗ trợ trực tiếp giúp tăng cường chất lượng sống của NKT.
Dự án sẽ hỗ trợ các tỉnh xây dựng và triển khai các mô hình: 1) Dịch vụ chăm sóc người khuyết tật tại gia đình; 2) Mạng lưới đồng đẳng hỗ trợ người khuyết tật hòa nhập xã hội; và 3) Các mô hình chăm sóc liên tục và toàn diện đối với người khuyết tật. Các hoạt động hỗ trợ cụ thể và trực tiếp dành cho người khuyết tật theo nhu cầu của họ sẽ được chương trình cung cấp qua hệ thống dịch vụ này, được giám sát chặt chẽ về quy chuẩn và chất lượng.
▪ Mục tiêu cụ thể 3: Cải thiện chính sách, cải thiện thái độ công chúng, giảm thiểu các rào cản, đảm bảo hòa nhập xã hội của người khuyết tật.
Trên cơ sở chính sách và khuôn khổ pháp lý hiện hành, dự án hướng tới cải thiện môi trường sống của người khuyết tật thông qua: 1) Tăng cường việc thực thi chính sách; 2) Vận động cho việc thực thi các quyền của người khuyết tật; 3) Cải thiện nhận thức và thái độ của công chúng đối với người khuyết tật; 4) Dỡ bỏ dần các rào cản vật lý và rào cản xã hội đối với người khuyết tật; và 5) Xây dựng các yếu tố cơ bản cho năng lực tự chủ của quốc gia trong xác định và giải quyết các vấn đề hỗ trợ người khuyết tật, tập trung vào khả năng tự chủ ngân sách và các điều kiện khuyến khích sự tham gia của cá nhân, cộng đồng, các doanh nghiệp và các tổ chức xã hội vào quá trình phát triển và cung cấp dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật, bổ sung hài hoà cho hệ thống dịch vụ công.
▪ Mục tiêu cụ thể 4: Tăng cường năng lực quản lý, thực hiện và hoạt động hỗ trợ người khuyết tật ở các cấp
BÀY TỎ SỰ QUAN TÂM:
1. Đối tượng:
- Các đơn vị là tổ chức và doanh nghiệp có tư cách pháp nhân tại Việt Nam; bao gồm các tổ chức xã hội/ cộng đồng; các đơn vị cung cấp dịch vụ công lập và ngoài công lập; khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân và các doanh nghiệp xã hội
- Hoạt động trong các lĩnh vực PHCN, chăm sóc y tế, chăm sóc giảm nhẹ, hỗ trợ xã hội, cải thiện môi trường chính sách cho các nhóm đối tượng yếu thế, và nâng cao năng lực điều phối cho các cơ quan quản lý tại Việt Nam
2. Hồ sơ bày tỏ sự quan tâm: bao gồm
- Thư bày tỏ sự quan tâm: tóm tắt kinh nghiệm đơn vị trong các lĩnh vực có liên quan và trình bày ngắn gọn đề xuất cung cấp dịch vụ của đơn vị/tổ chức.
- Bản copy giấy phép hoạt động tại Việt Nam (các đơn vị y tế cần cung cấp giấy phép hành nghề khám chữa bệnh, nếu có). Tên đơn vị/tổ chức, địa chỉ liên lạc, cán bộ liên lạc đầu mối. - Bản tóm tắt năng lực đơn vị bao gồm: Tổ chức nhân sự của đơn vị, các dự án/hợp đồng thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ liên quan đã triển khai (nêu đầy đủ thời gian, lĩnh vực can thiệp/cung cấp dịch vụ, nhà tài trợ, địa bàn…)
3. Thời hạn:
Thư bày tỏ sự quan tâm và hồ sơ liên quan gửi về CSIP theo hòm thư: hr@csip.vn trước 17:00 ngày 23/12/2020.
Tiêu đề email: Thư bày tỏ quan tâm _ Tên đơn vị/tổ chức
Điện thoại liên hệ: (0243)537 8746 gặp Ms. Ngọc
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực