Ngôn ngữ
Tin tức
Tạo dựng hệ sinh thái - tại sao không?
  • 09/10/2015

Vào thời điểm năm 2013, lần đầu tiên một diễn đàn quy mô về doanh nghiệp xã hội (DNXH) đã được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “ Việt Nam - thị trường mới nổi cho đầu tư xã hội”. Bà Phạm Kiều Oanh - giám đốc điều hành Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), đầu mối tổ chức diễn đàn nói trên, nhìn nhận, sau hai năm, câu chuyện đầu tư vào DNXH đã có những diễn biến mới mẻ, mừng có và âu lo cũng có.

 

- Thưa chị, trong những năm gần đây, DNXH đang được nhắc đến như một cách tiếp cận mới và đầy tiềm năng để góp phần giải quyết những thách thức trong phát triển xã hội. Chị có thể chia sẻ gì về bước phát triển của DNXH ở Việt Nam?

- Theo nghiên cứu của CSIP, DNXH đang có sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng về nguồn gốc, vừa phong phú về phương thức kinh doanh. Với những đặc tính và vai trò khác nhau trong phát triển xã hội, các loại hình DNXH có các nguồn gốc khác nhau này đang tạo ra một sân chơi đa dạng, thu hút sự tham gia của nhiều cá nhân và đơn vị quan tâm đến phát triển cộng đồng sáng tạo và bền vững.

Từ những DNXH đưa ra những sáng kiến đổi mới hệ thống canh tác và chuỗi giá trị trong nông nghiệp như Xanh Shop, I-Nature, Fargreen tới những DNXH hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc y tế ban đầu cho người dân như HELP Corp., bảo vệ môi trường như Dichung.vn…

- Theo chị, đâu là điểm mạnh nổi trội của mô hình DNXH đối với cộng đồng khi mà tỷ trọng đóng góp vào GDP còn ở mức rất khiêm tốn?

DNXH đưa ra được các giải pháp mới và sáng tạo để giải quyết các vấn đề xã hội và môi trường. Những giải pháp này một mặt góp phần bổ khuyết những khoảng trống trong thị trường, vừa góp phần cải cách, đưa ra những thay đổi trong cách thức hoạt động của những lĩnh vực quan trọng như nông nghiệp, y tế, nước sạch, giáo dục… Trên thực tế, đa phần đối tượng hưởng lợi của DNXH là người nghèo, cộng đồng yếu thế vì thế mô hình này đóng góp thiết thực vào xóa đói, giảm nghèo; cung cấp các dịch vụ và hàng hóa có chất lượng và phù hợp; hỗ trợ kinh doanh và tham gia chuỗi giá trị bền vững; …

Do bản chất nhân văn, sáng tạo và mô hình kinh tế bền vững mà DNXH đang thu hút sự tham gia và hỗ trợ của nhiều cá nhân và tổ chức trong xã hội. Cộng đồng đang thiết tha tìm kiếm những giải pháp kinh doanh đạt được cả mục tiêu kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường. DNXH là một cách tiếp cận để giải quyết bài toán chiến lược phát triển của doanh nghiệp.

- Hệ thống khuôn khổ pháp lý hỗ trợ DNXH phát triển đang được xây dựng. Chị nhìn nhận thế nào về kiến nghị tạo nên hệ sinh thái riêng cho đối tượng này?

- Quả thật, hệ sinh thái hỗ trợ DNXH mới được hình thành và chưa phát triển một cách đầy đủ. Theo CSIP, Việt Nam cần một hệ sinh thái có ít nhất các yếu tố sau để thúc đẩy và hỗ trợ DNXH phát triển: Trước hết là nhận thức và sự hỗ trợ của cộng đồng. Sau đó là những yếu tố như: Hệ thống giáo dục, môi trường pháp lý phù hợp, tháo bỏ các rào cản cho DNXH; Chính sách phát triển DNXH bền vững; Một thị trường tiêu dùng năng động và đáp ứng các giá trị nhân văn và bền vững là đầu ra cho các sản phẩm của DNXH; Những đối tác cung cấp dịch vụ, nâng cao năng lực phù hợp với sự phát triển đa dạng của DNXH; Thị trường vốn tài chính đa dạng và năng động, đáp ứng nhu cầu vốn vay của các DNXH ở mọi quy mô, hình thức.

- Còn vướng mắc về thị trường vốn, cho đến thời điểm này liệu đã được hóa giải, thưa chị?

- Trong điều kiện thị trường tài chính thế giới có nhiều biến động, điều thú vị là mối quan tâm của các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư tác động vào DNXH không giảm. Từ tháng 9-2015, Liên hợp quốc thông qua 17 Mục tiêu Phát triển bền vững, trong đó nhấn mạnh đến sự phát triển hài hòa của xã hội dựa trên ba trụ cột kinh tế - xã hội - môi trường. Điều này đã và đang ảnh hưởng lớn tới định hướng đầu tư của các cá nhân và tổ chức trong thời gian tới và là cơ hội tốt để DNXH tìm kiếm nguồn đầu tư phù hợp. Tuy ở Việt Nam hiện có một số quỹ đầu tư đang tìm kiếm các cơ hội để đầu tư vào DNXH với quy mô từ vài trăm nghìn đến vài triệu đô-la như quỹ LGTVP, Lotus Impact, Bamboo finance… số lượng vốn rót vào thị trường mới này chưa nhiều. Điều này có nhiều nguyên nhân như hầu hết các quỹ đầu tư tìm kiếm các cơ hội đầu tư lớn với tỷ lệ lợi nhuận trên đầu tư khá cao. Trong khi hầu hết các DNXH ở Việt Nam còn khá non trẻ, việc đáp ứng các đòi hỏi của nhà đầu tư là một vấn đề lớn. Hiện có khá ít các khoản đầu tư loại này thành công ở Việt Nam.

Chúng ta cũng thiếu các nhà đầu tư nhỏ và linh hoạt, dài hạn để đầu tư vào các DNXH ở giai đoạn khởi sự. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy nhà nước, các tổ chức phát triển quốc tế và tư nhân cần có những bước đi mạnh hơn để tạo cơ sở nền tảng và tiền đề nuôi dưỡng các DNXH ở giai đoạn ban đầu này. Có như vậy, chúng ta mới có những DNXH đủ lớn để tiếp nhận đầu tư tài chính và mang lại tác động xã hội ở quy mô rộng lớn hơn. Cũng cần phát triển những tổ chức trung gian hỗ trợ nâng cao năng lực và tiếp cận vốn đầu tư. Hiện cơ chế tiếp cận vốn đầu tư nước ngoài còn khá phức tạp với DNXH nhỏ, thiếu cả kinh nghiệm và nguồn lực.

- Xin cảm ơn chị!

Mộc Miên (thực hiện)

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến