-
- 18/05/2015
Với những quy định riêng, công nhận sự tồn tại về mặt pháp lý của doanh nghiệp xã hội, Luật Doanh nghiệp 2014 đã tạo ra bước ngoặt lớn cho sự ra đời và phát triển của mô hình kinh doanh này. Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp cũng dành 17 trên 29 điều hướng dẫn về doanh nghiệp xã hội, từ khái niệm, tên gọi tới thủ tục đăng ký chuyển đổi, nhằm tạo hành lang thuận lợi cho quá trình vận hành doanh nghiệp.
Nguồn: ndh.vn
|
Phân biệt về khái niệm, tên gọi
Công nhận về mặt pháp lý đối với doanh nghiệp xã hội sẽ góp phần quan trọng giải quyết vấn đề xã hội một cách hiệu quả và bền vững. Thực tế hiện nay, nước ta có trên 300 doanh nghiệp xã hội hoạt động, nếu không có cơ sở pháp lý ghi nhận sẽ khó thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp xã hội và mặt khác cũng làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước bởi vẫn thiếu con số thống kê chi tiết, cụ thể về mô hình này.
Chính vì vậy, để cụ thể hóa tính chất hoạt động của doanh nghiệp xã hội với ba đặc điểm cơ bản như cạnh tranh lành mạnh, công bằng; lấy mục tiêu xã hội làm sứ mệnh hoạt động; tái phân phối lợi nhuận trở lại cộng đồng, dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp đã xác định rõ, doanh nghiệp xã hội không phải là một loại hình doanh nghiệp mà cũng giống như các doanh nghiệp thông thường khác được tổ chức và hoạt động theo một trong các loại hình doanh nghiệp nhất định và chỉ phân biệt ở mục tiêu hoạt động, mục đích sử dụng lợi nhuận của doanh nghiệp. Tức là mô hình hoạt động của doanh nghiệp xã hội là nhằm giải quyết vấn đề môi trường, xã hội và toàn bộ lợi nhuận hoặc ít nhất 51% lợi nhuận doanh nghiệp thu được dùng để tái đầu tư thực hiện các mục tiêu mà doanh nghiệp đã đề ra.
Để phân biệt rõ ràng giữa doanh nghiệp xã hội và doanh nghiệp thông thường, dự thảo quy định, khi đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội thì tên sẽ kèm theo cụm từ “xã hội” hoặc viết tắt là “XH” trước tên riêng của doanh nghiệp. Đơn cử như muốn thành lập công ty hoạt động xã hội với tên riêng là ABC dưới hình thức là công ty cổ phần thì tên của doanh nghiệp sẽ là công ty cổ phần xã hội ABC. Tuy nhiên, theo ông Vũ Phương Đông, Giảng viên ĐH Luật Hà Nội, cách thức quy định về đặt tên này chưa thực sự phù hợp, nên xem xét theo hướng đặt tên doanh nghiệp chỉ gồm hai thành tố là cụm từ “doanh nghiệp xã hội” và tên riêng, sau đó ghi nhận cụ thể hơn về mô hình hoạt động của doanh nghiệp.
Dự thảo cũng quy định rõ về chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp xã hội trên cơ sở cho phép tiếp nhận khoản viện trợ phi chính phủ của nước ngoài hoặc khoản viện trợ của tổ chức, cá nhân khác; tạo điều kiện khuyến khích doanh nghiệp khác tài trợ cho hoạt động xã hội thông qua doanh nghiệp xã hội. Trường hợp doanh nghiệp thông thường có viện trợ cho doanh nghiệp xã hội thì khoản viện trợ đó được tính vào chi phí chịu thuế của doanh nghiệp. Theo Luật sư Nguyễn Tiến Lập, quy định này vô cùng quan trọng đối với việc thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp xã hội về mặt tài chính. Tuy nhiên, khoản viện trợ không chỉ đến từ các doanh nghiệp mà còn từ cá nhân, tổ chức khác vì vậy nên xem xét mở rộng, tính vào chi phí chịu thuế cho cả những đối tượng đó.
Bàn về thủ tục đăng ký, chuyển đổi
Ts Phan Đức Hiếu, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương CIEM cho biết, đối với việc đăng ký thành lập doanh nghiệp xã hội, trình tự thủ tục cũng như doanh nghiệp thông thường, chỉ khác biệt ở chỗ doanh nghiệp xã hội có thêm hai loại văn bản là bản cam kết thực hiện mục tiêu môi trường, xã hội với thời hạn tối thiểu 5 năm và phương án thực hiện kinh doanh vì mục tiêu xã hội, môi trường. Điều quan trọng là cả hai văn bản này đều được thiết kế mẫu giúp doanh nghiệp thực hiện thuận tiện, đơn giản.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định về nội dung, thủ tục chuyển đổi từ doanh nghiệp thông thường sang doanh nghiệp xã hội hoặc ngược lại. Đơn cử như khi hết thời hạn hoạt động hoặc vì lý do khách quan khác về môi trường, xã hội, doanh nghiệp xã hội được chuyển đổi thành doanh nghiệp thông thường. Theo ông Trần Đăng, đại diện Tập đoàn VinGroup, dự thảo cần bổ sung đối tượng chuyển đổi sang doanh nghiệp xã hội, bao gồm cả quỹ xã hội, quỹ từ thiện được thành lập theo Nghị định 30/2012 và cơ sở bảo trợ xã hội được thành lập theo Nghị định 68/2008.
Thực tế cho thấy, cả nước hiện có khoảng 300 quỹ xã hội và các quỹ từ thiện xã hội với tôn chỉ mục đích giống với doanh nghiệp xã hội, đều có nhu cầu chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội. Song, với cơ chế của Nghị định 30/2012 và Nghị định 68/2008, các quỹ này đều không có điều kiện chuyển đổi vì muốn chuyển đổi phải giải thể. Điều oái oăm là khi giải thể, các quỹ xã hội từ thiện buộc phải sung tài sản vào quỹ nhà nước. Vì vậy, mục đích của sáng lập viên khi thành lập ra các quỹ đó, muốn chuyển đổi cũng khó có thể chuyển đổi được. Xuất phát từ thực tiễn đó, việc bổ sung các loại quỹ này vào đối tượng được chuyển đổi theo dự thảo Nghị định sẽ tạo điều kiện giúp các quỹ đó không phải đi đường vòng theo hướng giải thể rồi mới được thành lập mới doanh nghiệp xã hội.
Hạn chế đối với chủ sở hữu
Mặc dù có nhiều quy định tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp xã hội phát triển song dự thảo Nghị định cũng xác định những mặt giới hạn, hạn chế đối với chủ sở hữu, thành viên, cổ đông công ty. Theo đó, chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ sở hữu, thành viên và cổ đông công ty đối với doanh nghiệp chỉ được chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần của mình cho tổ chức, cá nhân khác nếu có cam kết tiếp tục thực hiện các mục tiêu xã hội và trong thời hạn như đã đăng ký.
Không ít ý kiến cho rằng, quy định của dự thảo là không cần thiết, hạn chế quyền tự do của nhà đầu tư. Bởi khi tham gia thành lập doanh nghiệp xã hội, các thành viên sáng lập đã cùng nhau thỏa thuận những nội dung về thực hiện mục tiêu xã hội, điều này đã được ghi vào giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, điều lệ của doanh nghiệp. Khi thành viên, công ty chuyển nhượng phần vốn góp, cổ phần cho nhà đầu tư khác thì hoàn toàn không làm ảnh hưởng tới việc thực hiện các mục tiêu đã được đặt ra. Nếu các thành viên, cổ đông mới của công ty không có cam kết thực hiện mục tiêu xã hội họ vẫn phải thực hiện theo quy định tại điều lệ của doanh nghiệp.
Nhiều chuyên gia nhận định, hạn chế duy nhất đối với doanh nghiệp xã hội là cho dù thực hiện bất kể hoạt động nào từ chia tách, hợp nhất, sáp nhập hay giải thể thì đầu ra cũng là doanh nghiệp xã hội. Đơn cử như doanh nghiệp thông thường sáp nhập với doanh nghiệp xã hội thì đầu ra sẽ là doanh nghiệp xã hội. Mặt khác, trong trường hợp giải thể doanh nghiệp xã hội thì số dư tài sản hoặc tài chính còn lại đối với các nguồn tài sản, tài chính mà doanh nghiệp xã hội đã nhận được từ các nguồn viện trợ, tài trợ nhưng không sử dụng hết, trong giải thể hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp thông thường thì phải trả lại cho các nhà viện trợ hoặc chuyển đổi thành doanh nghiệp xã hội khác có mục tiêu tương tự.
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực