Ngôn ngữ
Tin tức
Phát triển doanh nghiệp xã hội: Thách thức nhỏ trong cơ hội lớn
  • 09/02/2015

Hình thức tổ chức kinh tế mới: Doanh nghiệp Xã hội (DNXH) được coi như một giải pháp tích cực trong việc hạn chế, giải quyết và xử lý các vấn đề xã hội hiện nay như: việc làm, thu nhập, nghèo đói, các đối tượng khó khăn trong xã hội (người tàn tật, dân tộc, vùng sâu, vùng xa)… Tuy nhiên, việc phát triển các DNXH tại Việt Nam hiện vẫn gặp khá nhiều khó khăn, thách thức.

Vấn đề này đã được các chuyên gia quốc tế và các nhà nghiên cứu Việt Nambàn tới trong hội thảo khoa học “Phát triển Doanh nghiệp Xã hội qua các trường đại học Việt Nam: Thách thức và cơ hội” vào sáng 9/4 tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Doanh nghiệp xã hội: Xu hướng mới tại Việt Nam

Hiện nay các chính sách và giải pháp về các vấn đề xã hội như việc làm, thu nhập, bất bình đẳng, nghèo đói, các đối tượng khó khăn trong xã hội (người tàn tật, dân tộc, vùng sâu, vùng xa), mất cân đối trong sự phát triển giữa các vùng, giữa phát triển kinh tế và phát triển xã hội… trên thế giới và ở Việt Nam có xu hướng không bắt kịp được với thực tế.

Khoá học ngắn hạn cho các học viên có hoàn cảnh khó khăn tại trung tâm đào tạo của tổ chức Know One Teach One (KOTO)

Trong bối cảnh đó, hình thức tổ chức kinh tế mới – Doanh nghiệp Xã hội (DNXH) được phát triển như một giải pháp tích cực trong việc hạn chế, giải quyết và xử lý các vấn đề xã hội. Do vai trò quan trọng và khả năng giải quyết vấn đề xã hội một cách tích cực, doanh nghiệp xã hội đang trở thành trào lưu phát triển rất nhanh trên thế giới và ở Việt Nam.

DNXH là khái niệm còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Về bản chất, doanh nghiệp xã hội không phải là một đơn vị từ thiện mà là một doanh nghiệp hoạt động như một doanh nghiệp thông thường, có khâu tổ chức và quản lý tương tự như các doanh nghiệp khác. Tuy nhiên, DNXH là mô hình được tiếp cận như một doanh nghiệp nhưng lại có sứ mệnh như một tổ chức từ thiện.

Trên thực tế, DNXH ở Việt Nam đang hoạt động dưới nhiều hình thức như: doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận, các hợp tác xã, các câu lạc bộ… và đều có đặc điểm chung là lấy lợi ích xã hội làm mục đích chính. Tại ViệtNam, nhiều doanh nghiệp đi đầu tiên phong trong phong trào DNXH như: Trung tâm dạy nghề Nhân đạo KOTO, Mai Handicraft, Craftlink, Sao Mai…  Đây là những mô hình doanh nghiệp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp cộng đồng, chủ động, đa dạng và kiểm soát được nguồn thu giúp tăng khả năng đảm bảo tính bền vững.

Bà Phạm Kiều Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho biết: “DNXH đã xuất hiện trong một thời gian dài nhưng gần đây mới được biết tới như là một cách tiếp cận sáng tạo và có định hướng thị trường để giải quyết các vấn đề xã hội”.

Theo bà Oanh, có 3 đóng góp to lớn mà các DNXH mang lại cho cộng đồng đó là: cung cấp các dịch vụ cho các cộng đồng người nhiễm HIV, người khuyết tật; đưa ra giải pháp cho các vấn đề xã hội mà hiện giờ chưa được các nhà đầu tư, các doanh nghiệp, thể chế tài chính chưa chú ý tới như vấn đề năng lượng mới, vấn đề xử lý rác thải môi trường; hòa nhập cộng đồng những người yếu thế, những người nghèo.

Kết quả khảo sát DNXH tại Việt Nam năm 2011 cho thấy, có 40% DNXH tại Hà Nội và TP HCM hoạt động đào tạo về dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Các DNXH đã tạo việc làm cho 9.000 người trong số hơn 2.000 người sống trong hoàn cảnh đặc biệt: HIV, khuyết tật…

Với thực trạng trên, phong trào DNXH tại Việt Nam được nhận định sẽ có sự lan tỏa và lớn mạnh trong tương lai. Do nguồn tài trợ không hoàn lại từ các nhà đầu tư đang có xu hướng giảm dần, sẽ có một sự chuyển biến mạnh mẽ từ khối các tổ chức xã hội phi lợi nhuận truyền thống sang mô hình DNXH. Những tổ chức xã hội có định hướng thị trường rõ ràng và phát huy yếu tố doanh nhân trong chiến lược phát triển của mình sẽ là những người tiên phong trong sự thay đổi này.

Nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức

Hiện nay, việc phát triển mô hình DNXH ở Việt Nam đang có rất nhiều thuận lợi. Việt Nam là nước phát triển nhanh, do đó có một khối doanh nhân ngày một trưởng thành, cung cấp nguồn lực vật chất và kinh nghiệm quý báu cho các DNXH. Bản thân các doanh nghiệp này được dẫn dắt bởi những người có uy tín, có tầm nhìn, luôn đưa ra những giải pháp sáng tạo.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn, rào cản cho sự phát triển DNXH ở Việt Nam. Khác với các doanh nghiệp thông thường, DNXH hoạt động vì mục đích xã hội và môi trường chứ không vì lợi nhuận đơn thuần. Điều này đòi hỏi kỹ năng và kiến thức tổng hợp của cả khối kinh doanh lẫn xã hội của các nhà lãnh đạo. Nhưng trên thực tế chưa có trường đại học nào đào tạo và trang bị cho những khía cạnh này. Các chủ DNXH vẫn phải tự mày mò, tự tìm lối đi riêng cho mình nên rất vất vả mà hiệu quả không cao. Hiệu quả kinh tế của các DNXH còn khá khiêm tốn khi doanh thu năm 2010 chỉ 255 tỉ đồng, trung bình 1,5 tỉ đồng/DNXH.

Khó khăn lớn nhất là việc thiếu nguồn lực tài chính, thiếu vốn. PGS.TS Dương Thị Liễu (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho biết: “Hầu hết các doanh nghiệp và tổ chức xã hội phải tự thân vận động để tìm kiếm nguồn thu duy trì hoạt động. Huy động vốn cho DNXH thậm chí còn khó khăn hơn cả gây quỹ cho doanh nghiệp truyền thống”. Bên cạnh đó, sức ép từ chất lượng sản phẩm dịch vụ, nguồn nhân lực, hệ thống quản lý sản xuất kinh doanh, đầu ra sản phẩm, chi phí… cũng đang đặt lên vai các doanh nghiệp này.

Trước tình hình đó, để khuyến khích thành lập DNXH, bên cạnh vai trò của các thể chế kinh tế, quy chế đặc biệt dành cho doanh nghiệp xã hội của Chính phủ, các quỹ từ thiện phi Chính phủ … có vai trò đặc biệt quan trọng của các trường ĐH trong đào tạo, hướng nghiệp. Theo đó, việc đưa nội dung đào tạo về doanh nghiệp xã hội vào quá trình đào tạo quản lý và quản trị kinh doanh ở các trường ĐH kinh tế và quản trị kinh doanh ở Việt Nam là cách thiết thực và hiệu quả nhất để các trường ĐH Việt Nam góp phần vào việc giải quyết các vấn đề xã hội và đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Thanh Loan

 

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến