Ngôn ngữ
Tin tức
GẦN 80 CHUYÊN GIA, NHÀ ĐẦU TƯ TÁC ĐỘNG, LÃNH ĐẠO CÁC TỔ CHỨC, DOANH NGHIỆP GÓP MẶT TẠI HỘI THẢO “KẾT NỐI VÀ XÂY DỰNG HỆ SINH THÁI SIB VIỆT NAM”
  • 08/06/2023
Ngày 03/6 vừa qua, CSIP cùng ĐH Fulbright đã tổ chức thành công Hội thảo “Kết nối và xây dựng hệ sinh thái SIB Việt Nam” với sự tham gia của 17 diễn giả đến từ các đơn vị Doanh nghiệp tạo tác động xã hội (SIB); các đơn vị hỗ trợ SIB; các Nhà đầu tư tạo tác động; cùng gần 80 đại biểu tham dự chương trình.

Mở đầu, đại diện UNDP Việt Nam, chị Nguyễn Như Quỳnh - Quản lý dự án ISEE COVID đã giới thiệu về sự hình thành, các chương trình của Dự án “Hỗ trợ Hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động xã hội tại Việt Nam ứng phó với COVID-19 (ISEE-COVID) hướng tới tăng cường khả năng phục hồi của SIB tại Việt Nam”, cũng như nêu bật sự cần thiết của buổi hội thảo.
Để toàn thể Hội thảo có cái nhìn tổng quan về SIB tại Việt Nam, Chị Phạm Kiều Oanh - Giám đốc CSIP đã giới thiệu về Sự hình thành, đặc điểm cũng như vai trò SIB tại Việt Nam. Chị đưa ra: Để xác định doanh nghiệp tạo tác động xã hội, chúng ta sẽ trả lời 3 câu hỏi: “(i) Việc tạo ra tác động có phải là mục tiêu cốt lõi của công ty không? (ii) Tác động tạo ra có cao hơn ngưỡng trung bình (iii) Các hoạt động kinh doanh có mô hình bền vững hay không?” 

 

Góp phần đưa những kiến thức nghiên cứu chuyên môn về SIB tại Việt Nam, Tiến sĩ Minh Võ đã có phần giới thiệu tại hội thảo về chuyên đề “Cân bằng mục tiêu kinh doanh và mục tiêu tạo tác động xã hội trong văn hóa của SIB”. Để có chiến lược lâu dài, TS. Minh Võ giới thiệu về nguyên tắc “Linh hoạt có kỉ luật”: tìm ra điểm kết hợp giữa thương mại và xã hội, gắn với hình ảnh của một con lắc chuyển động linh hoạt trong biên độ giao động giữa mục tiêu kinh doanh và mục tiêu xã hội của doanh nghiệp.

 

Từ đó, chị Nguyễn Thị Thu - Sáng lập Hệ sinh thái MEVI đã có bài trình bày truyền cảm hứng về động lực thành lập MEVI đến nay đã có những tác động lớn đến nông nghiệp sinh thái cũng như đến người lao động địa phương tại nhiều khu vực, với những con số ấn tượng của MEVI Farm: 25.000 thành viên trên toàn quốc, MEVI Factory: 200 nhà xưởng, MEVI Shop: 400 đại lý phân phối. MEVI Tổ chức hơn 200 chương trình tập huấn với hơn 20.000 nông dân được đào tạo với 70% là phụ nữ tại hơi 20 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn,.. Đó chính là một số kết quả mà MEVI - một SIB đã và đang tạo ra tác động cả về kinh tế và xã hội.
Tiếp đến với 3 tọa đàm của hội thảo là cơ hội cho các góc nhìn khác nhau về Thực trạng và triển vọng của SIBs; Cơ hội và thách thức trong việc kết nối cung cầu tài chính từ góc độ nhà đầu tư; và Những cơ hội và thách thức của SIBs khi huy động vốn tài chính.
Tọa đàm #1: SIBs - Thực trạng và triển vọng
Tọa đàm #2: “Cơ hội và thách thức trong việc kết nối cung cầu tài chính từ góc độ nhà đầu tư”

Toạ đàm #3: “Những cơ hội và thách thức của SIBs khi huy động vốn tài chính” là dịp để các đại diện SIBs chia sẻ câu chuyện thành công/ những kinh nghiệm thực chiến trong việc huy động vốn tài chính.

 

Trong không khí sôi nổi, các đại biểu tham dự cũng đã tham gia hỏi đáp; đóng góp ý kiến nhằm phát triển Hệ sinh thái SIBs Việt Nam. Đã có gần 30 ý kiến trong phần thảo luận này, trong đó “Tạo cộng đồng giúp SIB trao đổi/ thảo luận; cũng như hỗ trợ kết nối, chia sẻ nguồn lực tại địa phương” là một trong những ý kiến được đề xuất nhiều nhất.
Ban tổ chức tin rằng Hội thảo “Kết nối và xây dựng hệ sinh thái SIB Việt Nam” đã mang lại những thông tin kiến thức, cũng như mang đến cho người tham gia cơ hội để kết nối nguồn lực; từ đó là bước đệm quan trọng để giúp cho Hệ sinh thái SIB Việt Nam ngày một phát triển hơn trong tương lai.
Chúng tôi sẽ tiếp tục chia sẻ những thông tin sâu về nội dung các tọa đàm, kính mời các bạn tiếp tục theo dõi tại Fanpage và Website CSIP.
Hội thảo “Kết nối và Xây dựng Hệ sinh thái hỗ trợ SIB Việt Nam” là một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ hệ sinh thái các doanh nghiệp tạo tác động tại Việt Nam ứng phó với COVID -19” (Dự án ISEE- COVID), được tài trợ bởi Bộ Các vấn đề Toàn cầu Canada (GAC), đồng thực hiện bởi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục Phát triển Doanh nghiệp (AED) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Chương trình do CSIP phối hợp cùng Đại học Fulbright tổ chức.
Từ Khóa Phổ Biến