Theo Điều 4 dự thảo, DNXH được nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài và nhận tài trợ từ các cá nhân, nhưng phải được kiểm soát thông qua trình tự thủ tục tiếp nhận viện trợ tương tự như các chủ thể là cơ quan nhà nước, tổ chức phi lợi nhuận, DN công ích. Tuy nhiên, theo VCCI, đứng từ góc độ logic quản lý quy định này không hợp lý.
Bởi về bản chất, các DNXH là các DN thông thường, với nguồn đầu vào có thể là vốn của chủ sở hữu, vốn vay, nguồn tài trợ… và chỉ khác ở việc sử dụng vốn đầu tư (đầu ra). Do đó, việc kiểm soát nguồn thu đầu vào của các DN này về mặt nguyên tắc cũng phải tương tự như DN bình thường khác. Hiện nay Nhà nước không kiểm soát về mặt thủ tục đối với việc nhận viện trợ từ tổ chức, cá nhân cho các DN này. Trong khi đối với DNXH, tại sao Nhà nước lại phải kiểm soát chặt như vậy?
Điểm đáng lưu ý là đối với các DN công ích, do thực hiện nhiệm vụ công ích theo yêu cầu của Nhà nước nên có thể được hỗ trợ về nguồn đầu vào theo các cách thức khác nhau. Do đó, nếu quy định như dự thảo, các nguồn thu đầu vào khác cũng phải được kiểm soát chặt chẽ để tránh sự mập mờ, gian lận với nguồn đầu vào từ Nhà nước. DNXH hoàn toàn không thuộc cơ chế được hỗ trợ từ Nhà nước như DN công ích. Vì vậy, theo quan điểm của VCCI, ban soạn thảo nên bỏ thủ tục này.
Trường hợp vẫn thấy cần thiết phải duy trì thủ tục kiểm soát viện trợ cho các DNXH cần phải có giải trình cụ thể về mục tiêu của việc kiểm soát này, tránh tình trạng phân biệt đối xử giữa DNXH và DN thông thường theo hướng bất lợi cho DNXH. Trong khi về bản chất DNXH là nhóm cần được ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Theo quy định tại dự thảo, DNXH phải cam kết đầu tư thực hiện mục tiêu xã hội trong thời hạn ít nhất 5 năm. VCCI cho rằng quy định này chưa thống nhất bởi các tiêu chí này không có trong Luật DN. Hơn nữa, việc đưa ra thời hạn cam kết thực hiện mục tiêu xã hội 5 năm cũng thiếu cơ sở như tại sao phải có khoảng thời gian hoạt động tối thiểu này?
Bởi DNXH cũng là DN, hoạt động vì lợi nhuận, nếu trong thời gian hoạt động DN không nhận thấy các mục tiêu đặt ra đạt được, không thể duy trì họ có quyền được chuyển đổi thành DN bình thường, hoặc giải thể, phá sản. Cũng giống như mọi DN khác, thời gian hoạt động của DNXH thuộc quyền tự quyết của DN. Sự can thiệp của Nhà nước (trong trường hợp này là yêu cầu phải hoạt động ít nhất 5 năm) vừa khiên cưỡng vừa không khả thi. Bởi nếu DN đóng cửa trước 5 năm, Nhà nước cũng không thể khiến họ hoạt động được.
Có ý kiến cho rằng việc đưa ra thời hạn hoạt động tối thiểu nhằm mục tiêu giữ cho các hoạt động phục vụ xã hội, lợi ích công cộng của DNXH ổn định, không phải thành lập để trục lợi một thời gian rồi dừng hoạt động. Tuy vậy, ngay cả trong tình huống đó, Nhà nước không có cách nào buộc DN phải hoạt động khi họ không muốn.
Mặt khác, việc đưa ra thời hạn cam kết này sẽ kéo theo các thủ tục hành chính liên quan, như thủ tục đăng ký bổ sung, thay đổi nội dung đăng ký DNXH do thay đổi thời hạn cam kết thực hiện mục tiêu xã hội; chuyển đổi DNXH thành DN trong trường hợp hết thời hạn cam kết thực hiện mục tiêu xã hội DN đã đăng ký, gây phiền hà cho DN.
Ở khía cạnh khác, dự thảo quy định trong phương án kinh doanh của DN phải có nội dung “các vấn đề xã hội và môi trường DN dự định giải quyết”. Liệu quy định này được hiểu là DN phải thực hiện cả mục tiêu xã hội và môi trường? Nếu như vậy là chưa hợp lý.
Thí dụ, DN kinh doanh đồ thêu thủ công, trong đó có thuê lao động là những người khuyết tật, mục tiêu hoạt động của DN này được hiểu là giải quyết vấn đề xã hội khi tạo việc làm cho người khuyết tật, nhưng họ lại không giải quyết vấn đề môi trường. Trong trường hợp này nếu phương án kinh doanh của DN phải theo quy định trên sẽ rất khó khăn cho DN.