Ngôn ngữ
Tin tức
Doanh nghiệp xã hội cho người khiếm thính: Cho cần câu hay con cá?
  • 08/07/2015
Doanh nghiệp xã hội cho người khiếm thính: Cho cần câu hay con cá?

Ông Đỗ Hoàng Thái Anh, Phó chủ tịch Chi hội người khiếm thính Hà Nội: Người khiếm thính chịu rất nhiều thiệt thòi trong học tập và tìm việc.

Hiện nay, với cơ cấu ngành nghề đa dạng cùng với nhu cầu tuyển dụng ngày càng lớn đã mở ra nhiều hướng tiếp cận cho người lao động. Nhưng đối với lao động là người khuyết tật nói chung và người khiếm thính nói riêng thì việc làm vẫn đang là một vấn đề lớn chưa tìm được lời giải.

Mặc dù Luật người khuyết tật đã có hiệu lực từ năm 2010 và Chính phủ cũng đã ban hành cả một hệ thống văn bản chính sách đối với doanh nghiệp trong việc tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc nhưng thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn rất thờ ơ với việc tiếp nhận lao động là người khuyết tật.

Đa phần những doanh nghiệp đồng ý tiếp nhận người lao động là người khuyết tật hiện nay đều là các doanh nghiệp xã hội. Nhưng bản thân các doanh nghiệp này hiện cũng đang gặp phải những khó khăn về vốn và nguồn nhân lực, tương tự như các doanh nghiệp xã hội nói chung.

Doanh thu không đủ bù vốn

Kym Viet, một trong những doanh nghiệp xã hội dành cho người khiếm thính dù đang gây được sự chú ý trong thời gian gần đây nhưng cũng không thể tránh khỏi khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư.

Chị Nguyễn Thị Đính, người phụ trách quản lý 6 cô gái đều bị câm điếc bẩm sinh của Công ty may Kym Viet chia sẻ, ngay từ đầu vốn của Kym Viet rất nhỏ, nên nếu không có sự giúp đỡ của một số người, doanh nghiệp rất khó đi tiếp. Vốn ít dẫn đến sản xuất cũng không được nhiều sản phẩm. Hơn thế nữa thời gian quay vòng rất lâu, những đơn vị nhập hàng thường không thanh toán ngay mà phải đợi bán hết hàng mới thanh toán nên doanh thu thường không đủ bù vốn.

Thứ hai, vốn ngoài đầu tư vào sản phẩm, thu về ít trong khi vẫn phải chi trả lương, tiền ăn ở cho công nhân là những người khuyết tật từ xa đến cũng như những người hỗ trợ khác nên tiền vốn để quay vòng sản xuất thường không đủ. Bản thân những người đóng góp vốn thành lập Kym Viet cũng là những người khuyết tật và không có nhiều tiền.

Trong khi đó, “muốn mở rộng sản xuất phải có nguồn vốn nhiều, muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người khuyết tật nhưng do nguồn vốn có hạn nên chưa thể nhận thêm người”, chị Đính cho biết.

Tạo Kym Viet, một cô gái lành nghề miệt mài lắm cũng chỉ làm ra được 12 con/ngày với giá dao động trên dưới 100.000 đồng và việc buôn bán diễn ra khá chậm chạp.

Sản phẩm mà những người khiếm thính của Kym Viet làm ra là những con thú này hoàn toàn được làm thủ công nên khá tốn công sức. Tùy vào từng mẫu thiết kế và độ tinh xảo mà thời gian làm ra sản phẩm hoàn chỉnh dài ngắn khác nhau. Tuy nhiên, đối với một con thú đơn giản, kích thước nhỏ, một cô gái lành nghề miệt mài lắm cũng chỉ làm ra được 12 con/ngày với giá dao động trên dưới 100.000 đồng và việc buôn bán diễn ra khá chậm chạp.

Bên cạnh đó, với mục đích tạo công ăn việc làm cho nhóm những người thiệt thòi, kém may mắn… song chính các doanh nghiệp xã hội cũng đang làm khó chính mình bởi nguồn lao động này thường có chất lượng chưa tốt, tính ổn định kém nên năng suất lao động không cao. Cùng đó, chi phí đào tạo nguồn nhân lực này cũng cao hơn so với bình thường.

Chị Đính cho biết, dù may mắn đã có 15 năm làm việc cho một tổ chức phi chính phủ chuyên giúp đỡ người khuyết tật và biết ngôn ngữ ký hiệu để chia sẻ, đào tạo và cung cấp tất cả mọi thứ cho các lao động của Kym Viet nhưng vẫn có khó khăn là nhận thức của các em còn chưa được nhanh nhạy như người bình thường, nên cần phải giải thích cặn kẽ hơn, có những cái phải ngắn gọn và giải thích đơn giản hơn.

Làm doanh nghiệp xã hội cho người khuyết tật bằng “tâm”

Một dự án cho người khiếm thính khác cũng đang thu hút được sự chú ý gần đây là dự án “chuyển lời nói thành văn bản” của Trung tâm nghiên cứu giáo dục dục người khiếm thính (CED). Thực chất đây là một công cụ thông qua một người đánh máy chuyển lời nói thành văn bản để người khiếm thính có thể đọc được.

Với 7.500 euro (hơn 180 triệu đồng) đầu tư mua 5 bàn phím công nghệ Phần Lan cộng với chi phí đào tạo người đánh máy sử dụng thành thạo phần mềm chuyển lời nói thành văn bản, CED kỳ vọng sẽ giúp cho cộng đồng người khiếm thính Việt Nam có thể mở rộng kênh giao tiếp.

Theo bà Dương Phương Hạnh, Giám đốc CED, hiện dự án đã thực hiện được 50%, bao gồm trang bị máy móc thiết bị và chuẩn bị nguồn nhân lực, 50% còn lại phụ thuộc vào việc triển khai để mang dự án đến với nhiều người khiếm thính hơn.

Tham gia vào hoạt động cho người khuyết tật quốc tế từ năm 2008 và biết đến công cụ chuyển lời nói thành văn bản, bà Hạnh đã quyết tâm mang công cụ này về Việt Nam. 

“Khác với những doanh nghiệp xã hội tạo việc làm trực tiếp cho người khiếm thính, CED trợ giúp cho người khiêm thính tiếp cận cơ hội việc làm từ các cơ sở khác, bản thân CED không trực tiếp tạo việc làm cho người khiếm thính nhưng sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho cộng đồng người khiếm thính nâng cao khả năng hiểu được ngôn ngữ văn bản và tạo ra cơ hội để họ tham gia nhiều sự kiện hỗ trợ cho người khiếm thính”, bà Hạnh cho biết.

Chia sẻ về mục đích thực hiện dự án này, bà Hạnh cho biết: “Bản thân tôi mất thính lực lúc 6 tuổi. Khi tôi lớn lên, học tập và làm việc với thế giới người nghe bình thường đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều khi cảm thấy cô độc, mặc cảm tự ti. Lúc đó tôi mong muốn nhận được sự hỗ trợ như thế nào thì bây giờ tôi hiểu những mong muốn của người khiếm thính bấy nhiêu. Vì vậy, tôi đã cố gắng giúp được cho những người đồng cảnh ngộ chút nào hay chút đó”.

Với tư cách là Tổng thư ký Liên đoàn Nghe kém quốc tế và Chủ tịch Liên đoàn Nghe kém châu Á – Thái Bình Dương, bà Hạnh cho biết: “Tôi may mắn được tham gia vào nhiều hoạt động của người khuyết tật tầm khu vực và quốc tế. Kinh nghiệm tôi thu nạp được từ những chương trình quốc tế cung cấp, tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm chia sẻ lại với cộng đồng, đó là những gì tôi áp dụng vào CED để giúp đỡ cho người khiếm thính. Giống như là trách nhiệm và hơn hết là tình cảm giữa người với người. Khi một người khiếm thính được hỗ trợ được hòa nhập tốt, tôi thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn”.

Xét về góc độ kinh doanh, theo bà Hạnh: Người khiếm thính, họ đang rất cần những công cụ hỗ trợ để có thể hiểu được đầy đủ những ngôn ngữ như người bình thường. Nên bán dịch vụ không phải là nhiệm vụ khó. Giai đoạn đầu (khoảng 1 năm) chiến lược của CED là cung cấp miễn phí dịch vụ đến mọi người, cũng giống như các công ty khác luôn có thời gian để khách hàng trải nghiệm miễn phí dịch vụ, sản phẩm.

Theo ông Đỗ Hoàng Thái Anh, Phó chủ tịch Chi hội người khiếm thính Hà Nội, người khiếm thính Việt Nam đã quen với việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu, trong khi ngôn ngữ văn bản còn khá kén chọn đối tượng.

“Ở các nước phát triển, ngôn ngữ văn bản cho người khiếm thính đã được sử dụng rất lâu rồi nhưng trên cơ sở việc giáo dục cho đối tượng đặc biệt này đã được chú ý ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên ở Việt Nam, người khiếm thính lại không được đào tạo bài bản ngôn ngữ văn bản ngay từ đầu, thậm chí vốn ngôn ngữ ký hiệu cũng khá hạn chế nên để có thể áp dụng đượcmô hình này một cách rộng rãi sẽ gặp khó khăn. Do đó để công cụ này có thể đến được nhiều người khiếm thính hơn trước hết phải bắt đầu từ việc giáo dục ngôn ngữ văn bản cho người khiếm thính trước để họ có thể hiểu được phần lớn ngôn ngữ này”, ông Anh phân tích.

KIỀU CHÂU

 

Link gốc
 

Từ Khóa Phổ Biến