Ngôn ngữ
Tin tức
Doanh nghiệp Việt Nam bao giờ hết thời từ thiện theo kiểu "cho con cá" ?
  • 17/06/2016

 Bên cạnh những doanh nhân thực tâm muốn làm từ thiện giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, góp sức giải quyết các vấn đề xã hội vẫn có những doanh nhân chỉ mượn hoạt động từ thiện để đánh bóng tên tuổi. 

 Nhắc đến hoạt động từ thiện của doanh nhân thế giới, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến các quỹ từ thiện nổi tiếng như Bill and Melinda Gates Foundation do vợ chồng tỷ phú Bill Gates sáng lập hay cam kết Giving Pledge (cũng do tỷ phú Bill Gates và tỷ phú Warren Buffett khởi xướng) đã thu hút được hơn 300 tỷ phú trên thế giới đồng ý cho đi phần lớn tài sản để làm từ thiện.

Điểm đặc biệt của các quỹ này là ngoài việc dành một phần tài sản giải quyết các vấn đề cấp bách như nạn đói, bệnh dịch, thiên tai,… các quỹ còn dành khá nhiều tiền để giải quyết các vấn đề nóng của toàn cầu (giảm nghèo, ngăn chặn sự nóng lên của Trái đất,…) cũng như các mục tiêu dài hạn: giáo dục, y tế, việc làm… Trong khi đó, các hoạt động từ thiện tại Việt Nam phần nhiều vẫn mang tính “thời vụ”.

 

Doanh nhân Việt bao giờ hết thời làm từ thiện theo kiểu “cho con cá”?

 

Doanh nhân Lê Văn Kiểm cam kết đóng góp 25 triệu USD chung với quỹ Bill and Melinda Gates Foundation của vợ chồng Bill Gates, để lập quỹ Vietnam Health Fund. 

Hiếm hoi quỹ từ thiện mang tên doanh nhân Việt

Một nghiên cứu vào cuối năm 2015 được thực hiện bởi Quỹ Châu Á (TAF) phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES) và Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) với 500 doanh nghiệp tại Việt Nam cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp cũng như một số doanh nhân hoạt động từ thiện chủ yếu ở ba lĩnh vực: giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, cứu trợ thiên tai, xóa đói giảm nghèo... Các hoạt động từ thiện này cũng chỉ tuân theo những mô típ truyền thông không mấy sáng tạo, ít đầu tư thời gian để tìm ra những giải pháp mới mẻ.

Trong khi đó, các nước phương Tây lại xem hoạt động nhân văn như một phần của công ty, là một hoạt động nâng cao thương hiệu. Ngược lại các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động từ thiện mang tính tính rời rạc, ngắn hạn, kém hiệu quả.

Một con số khá bất ngờ là chỉ 15% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng họ làm từ thiện với mục đích nâng cao "danh tiếng" công ty, 58% xác định họ làm từ thiện không vì mục đích kinh doanh nào.

Phần lớn công ty sử dụng tiền mặt làm phương thức từ thiện. Một phần sử dụng vật chất để đóng góp. Rất ít công ty chịu sự dụng thời gian của nhân viên làm công tác xã hội và phát triển cộng đồng, mặc dù đây là phương thức tiềm năng nhất và mang lại hiệu quả toàn diện.

Quy mô doanh nghiệp cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến việc từ thiện của các doanh nghiệp. Chẳng hạn, có tới 50% doanh nghiệp có doanh thu dưới 1 tỷ đồng không làm từ thiện. Con số này giảm đi một nửa đối với các doanh nghiệp có doanh thu từ 10-50 tỷ. Có đến 96% doanh nghiệp làm từ thiện khi doanh thu đạt 100 - 300 tỷ.

Tại Việt Nam, phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết các doanh nghiệp không định hướng được chiến lược từ thiện cho mục đích kinh doanh, chỉ 2% trong số đó cho rằng các hoạt động nhân đạo nhằm mục đích bù lại các tác động xấu đến doanh nghiệp.

Phần lớn doanh nghiệp Việt sử dụng tiền mặt làm phương thức từ thiện hoặc sử dụng vật chất để đóng góp.  

Bên cạnh đó, nhìn vào thực tế cũng có thể thấy rằng tại Việt Nam mặc dù các doanh nhân làm từ thiện không ít, nhưng thường làm một cách thầm lặng hoặc dưới danh nghĩa công ty trong khi các quỹ từ thiện mang tên doanh nhân hay do một doanh nhân đứng ra thành lập còn khá ít và không mấy danh tiếng.

Một trong những cái tên được nhắc đến nhiều khi nói đến phong trào doanh nhân làm từ thiện là doanh nhân Lê Văn Kiểm - ông chủ sân golf Long Thành. Theo thống kê, tính đến 2014 gia đình ông Kiểm đóng góp cho hoạt động từ thiện bằng nhiều hình thức lên tới 400 tỷ đồng.

Năm 2014, ông Kiểm còn cam kết đóng góp 25 triệu USD chung với quỹ từ thiện Bill and Melinda Gates Foundation của vợ chồng Bill Gates, để lập quỹ Vietnam Health Fund với mục tiêu huy động được 50 triệu USD phục vụ các hoạt động y tế từ thiện tại Việt Nam trong 5 năm. Ông Kiểm sẽ tặng quỹ 5 triệu USD mỗi năm, trong khi quỹ của vợ chồng Gates cũng sẽ trích một khoản đóng góp tương đương mỗi năm.

Ngoài ra, còn một số các doanh nhân khác cũng tích cực làm từ thiện như Chủ tịch tập đoàn Him Lam Dương Công Minh thầm lặng đóng góp xây dựng hàng ngàn ngôi trường trải dài khắp đất nước cho học sinh nghèo; doanh nhân Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Hoa Sen cũng có nhiều đóng góp từ thiện có ích cho cộng đồng…

Tất nhiên, bên cạnh những doanh nhân thực tâm muốn làm từ thiện vẫn có những doanh nhân chỉ mượn hoạt động từ thiện để đánh bóng tên tuổi. Thậm chí, mượn các hoạt động đấu giá từ thiện để ghi danh rồi sau đó “bùng” số tiền mua vật đấu giá cũng không phải là chuyện hiếm gặp ở Việt Nam.

Làm từ thiện theo kiểu “cho con cá” 

Đem câu chuyện doanh nhân Việt làm từ thiện trao đổi cùng bà Phạm Kiều Oanh, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) và từng có nhiều năm tham gia hoạt động xã hội tại các cơ quan quốc tế, tổ chức phi chính phủ về quyền phụ nữ và trẻ em, bà cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt trong cách làm từ thiện của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và doanh nhân, doanh nghiệp nước ngoài.

Bà Phạm Kiều Oanh, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành CSIP.

Theo bà Oanh, nguyên nhân đầu tiên là ở những nước phát triển như Mỹ, Anh quá trình tích lũy tư bản đã diễn ra hàng trăm năm, thế hệ doanh nhân hiện nay không còn là thế hệ đầu tiên nữa mà đã là thế hệ con cháu, chắt,… nên họ đã có một nền tảng khá tốt để làm từ thiện. Còn ở Việt Nam sau đổi mới, đến những năm đầu thập niên 90 những doanh nghiệp tư nhân mới bắt đầu phát triển, mới có vài chục năm phát triển và chúng ta mới chỉ có một vài tỷ phú đô la. Hơn nữa, quá trình tích lũy tư bản cũng cần có thời gian.

Điều quan trọng hơn nữa là tinh thần văn hóa từ thiện của các nước phương Tây được thể hiện khá rõ ràng. Ở Việt Nam việc làm từ thiện vẫn có, số tiền làm từ thiện được hỗ trợ cho đồng bào khó khăn, bão lũ, thiên tai,… vẫn khá nhiều nhưng đó là từ thiện đơn thuần.

Hơn nữa, ở các nước phát triển, các phúc lợi xã hội thấp nhất đã được Nhà nước đáp ứng và như vậy các nhà từ thiện có điều kiện đầu tư sâu hơn vào những nhu cầu phát triển con người, việc làm cũng như những mục đích có tính chất lâu dài chứ không phải những việc có tính chất ngắn hạn như “cho con cá” nữa mà họ bắt đầu nghĩ đến việc “cho cần câu”.

Còn ở Việt Nam do tầng lớp dân nghèo còn rất nhiều nên nhu cầu “cho con cá” vẫn rất lớn và đó cũng là điều chạm đến sự trắc ẩn của rất nhiều người nên họ rất dễ quyên góp tiền, lương thực thực phẩm, quần áo để ủng hộ.

“Sẽ khó hơn rất nhiều nếu chúng ta quyên góp để nâng cao năng lực của một cộng đồng và giúp cho một doanh nghiệp phát triển. Chúng ta chưa có một thói quen đầu tư một cách lâu dài mà mới chỉ có thói quen chia sẻ ngắn hạn”, bà Oanh phân tích.

Một nguyên nhân nữa là chúng ta chưa có hệ thống pháp luật hỗ trợ cho việc thành lập các quỹ từ thiện tư nhân rộng rãi như tại một số nước phát triển. 

Mặc dù Nhà nước có những nghị định quy định về lập quỹ từ thiện nhưng trên thực tế việc các doanh nghiệp tư nhân hoặc các cá nhân muốn thành lập các quỹ này vẫn gặp khó nên số lượng các tổ chức từ thiện tư nhân rất hạn hữu, chỉ có một số người nổi tiếng lập một vài quỹ nhưng các quỹ này cũng chưa phải là đã có quyết định thành lập, bà Oanh nói thêm.

Nguồn: Kiều Châu - Bizlive.vn

Từ Khóa Phổ Biến