-
- 09/10/2018
Lần đầu tiên sau nhiều năm, khái niệm khởi nghiệp vì cộng đồng, khởi nghiệp xã hội đã trở thành những từ khóa được các doanh nghiệp tư nhân tìm hiểu, áp dụng và các nhà đầu tư quan tâm. Doanh nghiệp xã hội đã không chỉ dừng lại ở phong trào mà trở thành một cộng đồng tạo tác động đáng kể tới nhiều mặt của đời sống xã hội.
Ngày 9/10, Hội thảo quốc tế “Một thập kỷ phát triển doanh nghiệp xã hội Việt Nam và châu Á” với chủ đề “Hợp lực tạo tác động” với mục đích nhìn lại hành trình 10 năm của cộng đồng doanh nghiệp xã hội (DNXH) Việt Nam, đồng thời tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với các đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy sự phát triển của DNXH tại Việt Nam và khu vực. Sự kiện được tổ chức bởi Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP), phối hợp với Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và các đối tác bao gồm: Hội đồng Anh tại Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP Việt Nam), Trung tâm Khởi nghiệp và sáng tạo xã hội - Đại học Kinh tế quốc dân (CSIE).
Bà Phạm Kiều Oanh, Sáng lập và Giám đốc CSIP khẳng định Việt Nam và châu Á đang mở ra nhiều cơ hội phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp xã hội
Các DNXH đến từ nhiều tỉnh thành trên cả nước, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, các diễn giả trong lĩnh vực DNXH đã tham gia thảo luận về thực trạng và triển vọng phát triển của DNXK tại Việt Nam và khu vực châu Á, đồng thời chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng hệ sinh thái và các sáng kiến hỗ trợ DNXH tại các quốc gia. Ngoài ra, 12 DNXH Việt Nam tiêu biểu đã tham gia thảo luận về vai trò và đóng góp của DNXH trong các lĩnh vực thiết yếu như nông nghiệp và thực phẩm, nâng cao chất lượng cuộc sống và cơ hội việc làm cho người yếu thế, công nghệ cho phát triển.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Hội thảo là cơ hội để Việt Nam nhìn nhận lại một thập kỷ phát triển DNXH, qua đó rút kinh nghiệm và tìm ra hướng đi đúng đắn trong tương lai. Đây cũng là cơ hội để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cũng như tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề phát triển DNXH khu vực châu Á.
Viện trưởng CIEM - Nguyễn Đình Cung - cho biết, DNXH đóng góp vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế bền vững
Trong những năm qua, hệ sinh thái DNXH Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận. Từ khi khái niệm DNXH được biết đến vào những năm 2008 đến nay, DNXH đã phát triển đa dạng, có sức ảnh hưởng đến chính sách của nhà nước và lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Việc DNXH Việt Nam được chính thức thừa nhận tại Điều 10, Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 được coi là một trong những cột mốc quan trọng của DNXH Việt Nam trong 10 năm qua. Đây là thành tựu về mặt pháp lý chưa có tiền lệ tại châu Á, cho thấy sự ghi nhận của nhà nước Việt Nam cho vai trò của DNXH trong việc thúc đẩy nền kinh tế nhân văn và phát triển bền vững.
Theo đó, hoạt động ươm tạo và hỗ trợ các DNXH cũng đạt được những kết quả nhất định. Nghiên cứu gần đây cho thấy, ước tính số lượng doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội đang chiếm khoảng 4% khu vực doanh nghiệp Việt Nam. Bên cạnh đó có hơn 20 tổ chức, đơn vị có chương trình ươm tạo, tăng tốc phát triển hoặc hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp và sáng kiến kinh doanh tạo tác động xã hội tại Việt Nam, góp phần tạo nên một hệ sinh thái năng động và đa dạng, hỗ trợ tích cực cho sự phát triển của DNXH.
Cùng với số lượng DNXH được khởi tạo, tinh thần doanh nhân xã hội đã bắt đầu lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đông đảo các nhà tài trợ, doanh nghiệp, nhà đầu tư thiện doanh và các doanh nhân đã gia nhập thị trường đầu tư xã hội. Việc DNXH được đưa vào giảng dạy ở các trường đại học, sự xuất hiện của nhiều nghiên cứu về DNXH và kinh doanh tạo tác động xã hội cũng cho thấy DNXH không chỉ dừng lại ở phong trào mà đã trở thành một cộng đồng tạo tác động đáng kể tới nhiều mặt của đời sống xã hội.
Trong một thập kỷ hoạt động, doanh nghiệp xã hội Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể
Bà Catherine Phuong, Trợ lý Giám đốc quốc gia của UNDP nhận định: “Doanh nghiệp tạo tác động xã hội chính là những ví dụ của phát triển bền vững. Bằng việc tìm ra những giải pháp dựa vào thị trường cho các thách thức cấp bách về xã hội và môi trường, doanh nghiệp có thể tạo ra thu nhập, tuyển những người tiên tiến và đầu tư lại vào doanh nghiệp của mình, mở rộng thị trường và rồi tăng cường tác động xã hội mà họ tạo ra”.
Trong 10 năm qua, CSIP cùng các đối tác đã ươm tạo gần 200 doanh nghiệp và doanh nhân xã hội. Số doanh nghiệp này đã giúp tạo việc làm cho hơn 100.000 người và cải thiện sinh kế của hơn 600.000 người yếu thế như phụ nữ, trẻ em, đồng bào dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Lao động thu nhập thấp ở các lĩnh vực thiết yếu như nông nghiệp, giáo dục, môi trường, sức khỏe và công nghệ.
Bà Phạm Kiều Oanh, Sáng lập - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho biết: “Thách thức lớn nhất hiện nay là làm sao để DNXH có thể phát huy hết tiềm năng của mình trong khi hệ sinh thái hỗ trợ còn khá mỏng. Tuy nhiên, chúng tôi cũng nhận thấy nhiều cơ hội cả về chính sách quốc gia, sự thay đổi trong nhận thức xã hội và việc ngày càng có thêm nhiều cá nhân và tổ chức muốn đóng góp nguồn lực cho việc nuôi dưỡng và hỗ trợ sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng”.
Nguồn: Ngọc Mai - Báo Công thương
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực