-
- 04/12/2014
(TBKTSG Online) - Lĩnh vực doanh nghiệp xã hội (DNXH) tại Việt Nam còn khá mới mẻ và quy mô các DNXH khá nhỏ, do vậy việc thu hút được các quỹ đầu tư xã hội nước ngoài sẽ gặp nhiều thách thức.
Đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia tại diễn đàn Đầu tư xã hội Việt Nam 2014 (Social Investment Forum Vietnam 2014) diễn ra ngày 4-12 tại TPHCM.
Bà Phạm Kiều Oanh, Tổng giám đốc Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) cho biết ở Việt Nam có đến hàng ngàn doanh nghiệp xã hội. Cũng như mọi doanh nghiệp khác, họ hoạt động phải có lợi nhuận và còn hướng đến giải quyết các vấn đề xã hội và góp phần bảo vệ môi trường. Phần lớn là các DNXH đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động tự phát vì cái tâm hướng đến cộng đồng chứ chưa hẳn đã định hướng và hiểu rõ mình là DNXH ngay từ đầu thành lập.
Bởi quy mô nhỏ nên DNXH khó đáp ứng những yêu cầu cơ bản của các quỹ đầu tư nước ngoài.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, phụ trách chương trình đầu tư tác động xã hội của Oxfam tại Việt Nam, cho biết có nhiều yếu tố để Oxfam xem xét trước khi quyết định đầu tư, trong đó yêu cầu doanh nghiệp phải có doanh thu hàng năm từ 6 tỷ đồng trở lên. “Đây là một yêu cầu không dễ đối với các DNXH vừa và nhỏ. Ngoài ra, có doanh nghiệp có doanh thu hơn 6 tỷ thì tỷ suất sinh lợi lại rất thấp. Đó là lý do đến nay Oxfam vẫn chưa quyết định đầu tư vào DNXH nào tại Việt Nam”, bà Thu Hà chia sẻ.
Còn bà Shuing Tang, Giám đốc Công ty LGT Venture Philanthropy khu vực Đông Nam Á, một trong những quỹ đầu tư xã hội lớn tại Việt Nam, chia sẻ trong năm 2014 có ít nhất 50 DNXH liên hệ với LGT Philanthropy nhưng tất cả đều không thành công.
Về sự việc này, bà Shuing Tang lý giải: LGT Philanthropy luôn quan tâm đến khả năng phát triển mở rộng của các DNXH nhưng các doanh nghiệp đến với chúng tôi đã không đáp ứng được yếu tố này.
Về phía DNXH, ông Bùi Việt Hà, người sáng lập mạng xã hội Sống Xanh, cho biết việc thuyết phục các quỹ đầu tư xã hội nước ngoài là cực khó và Sống Xanh phải tự duy trì hoạt động từ nguồn vốn tự thân là chính. Lý do là ngoài những yêu cầu về tài chính, báo cáo sổ sách, việc chứng minh hoạt động của Sống Xanh có ảnh hưởng tích cực đến xã hội cũng không dễ gì đo lường được.
Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc điều hành Công ty CP Đi Chung, lý giải: "Các doanh nghiệp còn nhỏ thì rất cần đầu tư, nếu đã lớn thì tình hình đã khác. Ngược lại, các quỹ đầu tư thì chẳng chịu đầu tư vào công ty nhỏ. Đây là mâu thuẫn cần được hóa giải".
Ngày 26-11, Quốc hội thông qua luật Doanh nghiệp sửa đổi, trong đó lần đầu đưa ra quy định về DNXH, luật hóa, thừa nhận sự tồn tại của DNXH.
Xem thêm:
Luật Doanh nghiệp có tạo sự đột phá?
Doanh nghiệp xã hội sẽ được thừa nhận
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực