Ngôn ngữ
Tin tức
DN xã hội – đường phía trước vẫn gồ ghề
  • 25/10/2015

Rào cản pháp lý cho hoạt động của DN xã hội (DN XH) đã được gỡ bỏ trong Luật DN 2014, mở đường cho sự phát triển của loại hình DN này. Nhưng không vì vậy mà con đường phát triển đã thẳng tuốt, thách thức tài chính và nhận thức xã hội vẫn sẽ là rào cản.

DNxahoi4a
Bản chất và phương thức hoạt động của doanh nghiệp xã hội

Theo Luật DN, DN XH là những DN hoạt động không vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận. Đây là những DN được thành lập với mục tiêu là để giải quyết một vấn đề xã hội nào đó mà DN đó theo đuổi, phần lớn lợi nhuận thu được dùng để phục vụ mục tiêu xã hội và môi trường.

Cửa pháp lý đã mở

Trong thông báo mới đây, Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ đã thông qua Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật DN, liên quan khuyến khích và tạo điều kiện cho loại hình DN này hoạt động. Theo đó, ngoài việc được hưởng các ưu đãi và hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật, DN XH được tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài để thực hiện mục tiêu giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường theo quy định pháp luật về tiếp nhận viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Thêm vào đó, các DN XH cũng được tiếp nhận tài trợ bằng tài sản, tài chính hoặc hình thức hỗ trợ kỹ thuật từ các cá nhân, cơ quan, tổ chức trong nước và tổ chức nước ngoài đã đăng ký hoạt động tại Việt Nam để thực hiện mục tiêu giải quyết vấn đề xã hội, môi trường.

Việc Chính phủ ban hành nghị định khuyến khích DN XH, sau khi Luật DN 2014 lần đầu công nhận sự tồn tại của loại hình DN này, được coi là bước tiến mới gỡ bỏ những rào cản pháp lý đối với DN XH tại VN. Thực tế thì chưa cần tới sự công nhận về pháp lý của Luật DN 2014 và Nghị định khuyến khích của Chính phủ, DN XH đã tồn tại ở VN khá lâu. Theo khảo sát của Hội đồng Anh Quốc, có tới hơn 200 DN XH, cùng 165.000 cơ sở, tổ chức hoạt động có tính chất như DN XH ở VN trong những năm qua. Sự tồn tại của những DN này đã góp phần đáng kể giải quyết việc làm và các vấn đề xã hội khác mà những DN đó hướng tới.

Với mục đích đào tạo nghề cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, KOTO là một trong những DN XH nổi tiếng nhất ở VN hiện nay. Thành lập từ năm 1999, KOTO góp phần dạy nghề cho hàng trăm thanh thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn, và điều đặc biệt là 100% đều có việc làm. Không chỉ có KOTO, các DNXH khác cũng lần lượt xuất hiện như Hoa ban +, Tò he, Hoa sữa và Sapa OChau… Điều đáng nói là tất cả những DN XH đó đều hoạt động như những DN bình thường, mà không nhận được sự ưu đãi, hỗ trợ nào trong suốt thời gian đó. Nhưng ngay cả khi địa vị pháp lý đã được công nhận, không có nghĩa là DN XH sẽ phát triển mạnh ngay được.

Khó kiếm nguồn tài chính

Ông Nguyễn Tấn Bích – Giám đốc Cty Phục vụ năng lượng Mặt Trời (Solar Serve), cho biết trong quãng thời gian dài Cty của ông không nhận được sự ưu đãi về thuế hay tiếp cận vốn ngân hàng. Được thành lập từ năm 2000, Solar Serve là Cty hướng đến mục đích sản xuất và kinh doanh các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời để giảm thiểu việc sử dụng dụng củi, hạn chế khói thải nhằm bảo vệ sức khỏe và bảo vệ môi trường.

Ông Bích chia sẻ, lý do mà Cty không tiếp cận được nguồn vốn là do không chứng minh được doanh thu bền vững bởi sản phẩm của Cty là bán cho người nghèo, khó tiêu thụ và lợi nhuận thấp. Khi không tiếp cận được với dòng vốn ngân hàng, thu hút vốn từ các quỹ đầu tư cũng dường như là quá khó với các DN XH như Solar Serve, bởi quy mô của hầu hết DN này còn quá nhỏ để hấp dẫn các quỹ đầu tư. Ngay cả Cty có quy mô lớn và có tiếng như KOTO, phải mất đến 15 năm sau ngày thành lập mới nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ quỹ quỹ đầu tư Lotus Impact.

Thực tế thì thiếu vốn và yếu kém trong khả năng tiếp cận các nguồn tài chính là yếu tố quan trọng cơ bản đối với bất kỳ lĩnh vực kinh doanh và phát triển tổ chức nào. Đối với một số DN XH nhu cầu về vốn càng cấp thiết hơn nữa, bởi hầu hết những DN đó là người đi tiên phong, khai mở thị trường trong một lĩnh vực hoàn toàn mới đối với xã hội. Chi phí giáo dục khách hàng, tạo lập thói quen, thị hiếu mới thường là vô cùng tốn kém. Trong khi đó, các DN XH ở VN còn khá non trẻ, được thành lập chủ yếu từ những ý tưởng mang tính cá nhân có sứ mệnh phục vụ xã hội nên vốn đầu tư ban đầu đa phần là vốn tự đóng góp của các thành viên sáng lập với quy mô nhỏ. Chính vì thế, khả năng tiếp cận huy động các nguồn vốn đầu tư thương mại kể cả nguồn vốn khởi sự hoặc vốn cho phát triển kinh doanh là rất hạn chế.

Năm 2010, Quỹ đầu tư thiện doanh LGT Ventures Philanthropies (LGT VP) vào Việt Nam khảo sát và tìm kiếm cơ hội đầu tư cho các DNXH tại VN với quy mô đầu tư từ 400.000 – 1.000.000 USD nhưng sau hơn 1 năm tìm kiếm và khảo sát, tổ chức này không thể tìm kiếm được các đơn vị sẵn sàng đáp ứng ngay khoản đầu tư theo yêu cầu của LGT VP.

Ông James Điền Bùi, Giám đốc điều hành của Lotus Impact, cho biết dù mục đích chính là tạo tác động đến xã hội và môi trường, nhưng các quỹ đầu tư vẫn có những yêu cầu cơ bản về lợi nhuận. Khi quyết định đầu tư, các quỹ sẽ xem xét kỹ đến năng lực của DN và tính khả thi của mô hình kinh doanh. Xét về những tiêu chí này, các DN XH trong nước luôn có điểm rất thấp.

“Vấp” nhận thức cộng đồng

Hoạt động vì lợi ích xã hội là chính, nhưng một trong những thách thức lớn nữa với sự phát triển của DN XH lại nằm ở chính nhận thức của xã hội và các cơ quan có liên quan.

Hoạt động vì lợi ích xã hội là chính, nhưng một trong những thách thức lớn nữa với sự phát triển của DN XH lại nằm ở chính nhận thức của xã hội và các cơ quan có liên quan. Trong bản nghiên cứu do Hội đồng Anh, Viện Quản lý kinh tế trung ương và Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng thực hiện năm 2012, các tác giả đã chỉ rõ vai trò của DN XH trong đời sống kinh tế, xã hội của VN “chưa được thấu hiểu và tiếp nhận rõ ràng”. Điều này dẫn đến hệ quả thường gặp là sự hoài nghi của các bên về bản chất và mục đích của DN XH. “Lâu nay, nhận thức trong cộng đồng luôn tồn tại sự phân biệt rạch ròi giữa các hoạt động thương mại, vì mục đích lợi nhuận và các hoạt động xã hội, phi lợi nhuận. Nói cách khác, xã hội đã quá quen với nếp nghĩ rằng hai loại hình hoạt động này không thể cùng tồn tại thống nhất trong cùng một tổ chức”, bản nghiên cứu nhấn mạnh.

 

Đại diện của một DN XH phản ánh với nhóm nghiên cứu rằng họ không dám đăng ký dưới hình thức Cty (DN XH) dù rất muốn vì lo ngại chính quyền địa phương không biết về DN XH, cứ thấy DN là hạch sách. Một DN XH khác gửi thư chỉ đề nghị cơ quan địa phương hợp tác giúp về địa điểm và mời các tổ chức đoàn thể có liên quan và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến tham dự buổi giới thiệu về chương trình đào tạo nghề miễn phí của DNXH. Nhưng phải 3 tháng sau DN đó mới nhận được phúc đáp từ địa phương và khi đó đã qua thời điểm khai giảng khóa học mới.

Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, việc thiếu một định nghĩa chính thức với các qui định cụ thể về tiêu chí xem xét và công nhận các tổ chức, DN là DN XH đã ảnh hưởng đến sự phát triển của lĩnh vực này. Nay, rào cản pháp lý đã được gỡ bỏ, nhưng việc chưa có nhận thức đầy đủ cũng là một trong những rào cản cho các DN XH trong việc thu hút và tiếp cận các nguồn đầu tư tài chính và hỗ trợ khác, cũng như thiếu hụt nguồn nhân lực phù hợp. Như vậy, con đường phát triển phía trước của DN XH vẫn chưa hề bằng phẳng.

Ngọc Linh

 

Link gốc

Từ Khóa Phổ Biến