-
- 22/03/2016
Vừa qua, tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã công bố danh sách 121 lãnh đạo trẻ toàn cầu năm 2016, trong đó chị Phạm Thị Ngân là người Việt Nam duy nhất góp mặt.
Người biến sự thiệt thòi thành tài năng
Danh sách YGL của WEF tôn vinh những cá nhân dưới 40 tuổi biến thành công cá nhân thành những thành tựu có đóng góp cho cộng đồng và mang ảnh hưởng rộng lớn. Chị Phạm Thị Ngân được đánh giá cao thông qua những hoạt động ý nghĩa từ doanh nghiệp xã hội Tòhe.
Tòhe là một dự án xã hội do chị Phạm Thị Ngân và chồng, anh Nguyễn Đình Nguyên đồng sáng lập vào năm 2007.
Tòhe là mô hình doanh nghiệp xã hội hoạt động hiệu quả tại Việt Nam, và người đồng sáng lập Phạm Thị Ngân được WEF vinh danh - Ảnh: Tohe.vn
|
|
Cũng như một số tổ chức xã hội vì cộng đồng khác, Tòhe hướng tới việc giúp đỡ những số phận không may mắn, cụ thể ở đây là những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khiếm khuyết.
Tuy nhiên, Tòhe lại thành công với dự án kinh doanh từ những sản phẩm của chính trẻ em tạo ra để tiếp tục sử dụng nguồn tài chính làm vốn tiếp tục nhân rộng mô hình, giúp đỡ thêm nhiều trẻ em hơn.
Tính đến nay, Tòhe đã mở lớp học tại hơn 20 trung tâm bảo trợ xã hội hoặc trường học dành cho trẻ khuyết tật từ Bắc vào Nam và tạo cơ hội tham gia sân chơi định kỳ hằng tuần cho hơn 1.000 trẻ em thiệt thòi. Khoảng 1.000 bức tranh đã được khai thác sử dụng và khoảng 50.000 sản phẩm có in tranh của các nghệ sĩ bé đã được bán ra thị trường.
“Tòhe mua sắm thêm cơ sở vật chất nơi các em học tập và sinh sống, giúp các em phần nào cải thiện bữa ăn và điều kiện sống tốt hơn. Đồng thời từ năm 2015, chúng tôi trao học bổng cho các nghệ sĩ bé tài năng có tranh vẽ được sử dụng, bước đầu mang lại thu nhập từ 500.000 - 11 triệu đồng/năm mỗi em”, chị Phạm Thị Ngân kể với Thanh Niên.
Ý tưởng về Tòhe đến với chị Ngân một cách tình cờ, khi chị Ngân suy nghĩ về câu nói nổi tiếng của danh họa Picasso: “Tôi mất 4 năm để vẽ như Raphael, nhưng dành cả đời để vẽ như một đứa trẻ". Nó thôi thúc ý tưởng về sự kết hợp giữa việc giúp đỡ trẻ em thiệt thòi và sử dụng chính tiềm năng vô tận từ sự trong sáng trong đầu các em để tạo ra giải pháp tài chính, nhằm giữ vững hoạt động nhân văn này.
“Kinh doanh là một phần vô cùng quan trọng giúp các hoạt động của Tòhe được bền vững về mặt tài chính. Chúng tôi đang nỗ lực khai phá các thị trường quốc tế, nơi có nhiều các khách hàng mục tiêu hiểu được giá trị và ý nghĩa của sản phẩm… để phát triển xuất khẩu, mang lại nhiều doanh số đồng thời mang lại nhiều hơn thu nhập cho các em. Chúng tôi sẽ xây dựng Tòhe trở thành một thương hiệu lifestyle (tạm dịch: phong cách sống) tốt nhất Việt Nam”, đồng sáng lập Tòhe chia sẻ.
|
Thành công của Tòhe đã thu hút rất nhiều đối tác nước ngoài. Hiện nay Tòhe đã hợp tác với nhiều tổ chức cùng chí hướng, thu hút nhiều sự quan tâm ngoài nước như: Trung tâm hỗ trợ sáng kiến cộng đồng CSIP, Hội Đồng Anh Việt Nam, Quỹ đầu tư Thiện doanh LGTVP-Thuỵ Sĩ, Very 50-Japan, Nipon Foundation, WWF, GIZ, World Bank Việt Nam, Mạng lưới doanh nhân nữ châu Á AWSEN, Unilever Vietnam, Toyota Vietnam, Contigo Fair Trade - Gemany, Thrive Việt Nam, Coca Cola Vietnam, Gaw Capital…
Cảm hứng cho sự cống hiến
“Tôi đã phải viết thư để hỏi đi hỏi lại mấy lần. Tôi chưa từng bao giờ nghĩ những gì tôi làm lại đủ nhiều để được tôn vinh như vậy. Tôi nghĩ ngay đến những người làm được nhiều điều tốt đẹp cho thế giới hơn tôi rất nhiều lần mà có thể họ vẫn còn đang âm thầm lặng lẽ ở đâu đó chật vật một mình không ai giúp đỡ, không ai ghi nhận”, chị Ngân chia sẻ cảm xúc khi nhận thông tin từ WEF.
Trên thực tế, từ lúc thành lập năm 2007 đến nay, Tòhe đã gặp vô vàn khó khăn và có lúc phải ngừng hoạt động một thời gian, rồi mở cửa lại vào năm 2009, trước khi gặt hái được thành tựu như lúc này.
Chị Ngân nói: “Gần như không ai trong gia đình hay bạn bè có thể hiểu và ủng hộ được những quyết định điên rồ này của chúng tôi. Bởi vì mọi người chỉ nhìn vào những cái mất mà không nhìn vào những cái được. Nếu chỉ nhìn vào những cái mất, thì lúc nào mình cũng thấy thiệt thòi rất nhiều. Nếu mình nhìn vào những cái được, thì mình thấy công việc, cuộc sống của mình có ý nghĩa, và mình luôn giàu có”.
Cũng như nhiều doanh nghiệp xã hội khác ở Việt Nam, việc làm kinh doanh có lãi từ một mô hình doanh nghiệp xã hội là một thử thách vô cùng khắc nghiệt và gần như không tưởng. Tất cả sáng lập viên đồng thời là ban giám đốc của Tòhe làm việc không lương suốt hàng chục năm, và mỗi năm họ đều bán đi rất nhiều tài sản cá nhân để đầu tư thêm vào công ty nhằm duy trì mô hình hoạt động.
Nhật Đăng
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực