-
- 14/12/2017
Giữa vô vàn những doanh nghiệp chạy đua vì lợi nhuận cũng như doanh số thì ANTHILL - một mô hình doanh nghiệp xã hội không những giúp bảo vệ và quảng bá vải dệt truyền thống mà còn tạo cơ hội việc làm, tăng phúc lợi cho nhiều lao động địa phương tại Philippin. ANTHILL sản xuất các loại hàng may mặc thời trang từ vải sợi được làm bằng tay, bởi những lao động trực tiếp hoặc các đối tác dệt may trong hệ sinh thái (các NGO, các tổ chức phi lợi nhuận và các doanh nghiệp vừa và nhỏ) từ Benguet, Ilocos, Mindoro, Cebu, Bukidnon và Nam Cotabato.
ANTHILL có trụ sở tại Cebu, được đồng điều hành bởi Anya Lim và mẹ cô. Anya Lim lớn lên cùng những câu chuyện về người bản địa, cô được mẹ đưa đi khắp mọi vùng đất nước nên đã trực tiếp chứng kiến những giá trị văn hóa, truyền thống ngày càng chết dần chết mòn. Cô với niềm đam mê, khát khao mong muốn lưu giữ những giá trị vô giá và mẹ cô với kinh nghiệm kinh doanh trong ngành công nghiệp vải đã cùng nhau dệt nên giấc mơ ANTHILL và giấc mơ đã trở thành hiện thực.
ANTHILL thu mua vải từ cộng đồng đối tác, trong một số trường hợp có điều chỉnh lại thiết kế và màu sắc. Mỗi năm, sẽ tung ra hai đến ba bộ sưu tập, các nhà thiết kế và toàn bộ nhóm sẽ nghiên cứu về hình ảnh, chất liệu và bảng màu. Từ đó, xác định loại sản phẩm sẽ được sản xuất. Các mẫu sẽ được gửi cho các đối tác sản xuất và cuối cùng khi mẫu thử nghiệm được chấp thuận, sẽ đặt hàng với số lượng cụ thể. ANTHILL đã tạo ra những tác động xã hội đáng kể, cụ thể như: gia tăng 57% số lao động, một nửa trong số đó là thanh niên; các bà mẹ của ANTHILL có thể đầu tư tiền tiết kiệm của họ vào các ngành kinh doanh khác, và quan trọng hơn là họ tự hào vì đang là một nhân tố quan trọng góp phần bảo vệ nét văn hóa truyền thống của đất nước Philippin. Bên cạnh đó, ANTHILL còn có chương trình Phát triển Doanh nghiệp Cộng đồng (CEDP) với nhiều hoạt động, dự án tác động trực tiếp lên các nhóm đối tượng yếu thế: phụ nữ, thanh niên, nhóm người có thu nhập thấp,…
Đúng như cái tên, ANTHILL có hàng trăm đối tác dệt, 10 cộng tác viên thiết kế và 300 đối tác sản xuất. Anya Lim mong muốn nhân rộng mô hình kinh doanh của mình và có thể mở rộng tới nhiều cộng đồng trên khắp đất nước thông qua việc thành lập Viện Thời trang ANTHILL SLOW. Thông qua một nền tảng mở rộng và vững chắc của cộng đồng, ANTHILL có thể phát triển nhiều sản phẩm hơn với sản lượng lớn hơn và sử dụng nhiều nguyên vật liệu có nguồn gốc địa phương hoặc từ các loại phế liệu. Ngoài ra, trong năm 2017 này, ANTHILL đang tập trung vào khai trương và phát triển trang thương mại điện tử của mình, đồng thời liên tục tăng các kênh bán hàng và tiếp cận thị trường toàn cầu.
-
CHUỖI WEBINAR : “TĂNG CƯỜNG NĂNG LỰC CHO HỆ SINH THÁI SIB TẠI CHÂU Á” - TỔNG KẾT60 lượt Tổ chức, chuyên gia hỗ trợ SIB và đại diện SIB đã tham gia học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia trong khu vực