Ngôn ngữ
Tin tức
DỰ ÁN “HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SÁNG TẠO VÀ BỀN VỮNG - SERD”
  • 16/04/2018

Xã vùng cao Tự Do (Lạc Sơn) có nhiều lợi thế phát triển du lịch nhờ thiên nhiên ưu đãi, bản sắc văn hóa và những phong tục tập quán còn lưu giữ được. Từ năm 2011, hình thái homestay đã xuất hiện, tạo dấu ấn cho điểm đến du lịch cộng đồng. Mô hình Du lịch Cộng đồng (CBT) là một loại hình du lịch nhấn mạnh tính bền vững của môi trường và xã hội.

Theo bác Bùi Thị Minh Tiến, một trong những phụ nữ tham dự Chương trình tập huấn về triển khai mô hình du lịch cộng đồng (CBT) do CSIP phối hợp với Hội Nông dân Hòa Bình tổ chức, dưới tài trợ của tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới, việc triển khai mô hình homestay Du lịch cộng đồng (Mô hình CBT) đã trở nên bài bản và thuận lợi hơn rất nhiều. Theo đó, ngoài các kiến thức về du lịch cộng đồng do ông Dương Minh Bình – Chuyên gia hàng đầu tại Việt Nam về CBT hướng dẫn, bà con cũng được ông Dương Minh Bình tư vấn về nội dung và cách thức triển khai các dịch vụ văn hóa cho khách du lịch. Theo ông Bình, việc đưa văn hóa bản địa người Mường vào các mô hình CBT không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên sức hút của các mô hình này. Hơn thế, đó là một trong những nỗ lực hiệu quả nhất để văn hóa Mường “sống” và được lưu truyền đến thế hệ sau.

Đến với Tự do, giữa vùng đất núi non hoang sơ hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, thác Mu, thác Cao thơ mộng. Cùng với đó, du khách được hòa mình vào đời sống cộng đồng của đồng bào dân tộc Mường, trải nghiệm nét văn hóa đẹp thể hiện trong nếp ăn, nếp ở, lối sinh hoạt của người dân bản xứ. “Không có cồng chiêng người già chết đi hồn ma không biết lối về trời, người trẻ thương nhau không ai đến chứng giám thành duyên. Tiếng chiêng cồng ăn sâu trong tiềm thức, trở thành một phần tâm hồn tôi và làm tôi luôn đau đáu nhớ”, nhà báo Tú Anh đã từng viết như vậy trong bút ký của mình về văn hóa cồng chiêng xứ Mường.