-
- 30/11/2017
Trong tháng 11, Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng (CSIP) đã phối hợp với Hội Nông Dân tỉnh Hòa Bình và Hội Phụ nữ tỉnh Lào Cai tổ chức hai đợt tập huấn về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cộng đồng tại hai địa phương trên, lần lượt từ các ngày 13-15/11/2017 và 21-23/11/2017.
Các học viên, giảng viên, cán bộ CSIP cùng đối tác tại lớp tập huấn ở Hòa Bình
Đây là một hoạt động nằm trong khuôn khổ của dự án “Hỗ trợ Doanh nghiệp Xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bên vững” (SERD) được triển khai bởi Trung tâm hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng dưới sự tài trợ của Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới.
Khóa học có sự tham gia của hơn 30 doanh nghiệp cộng đồng tại mỗi tỉnh Hòa Bình và Lào Cai, 11 thực tập sinh trong chương trình Thực tập sinh phát triển kinh doanh vì cộng đồng của dự án SERD, các cán bộ đối tác địa phương cùng cán bộ dự án SERD và CSIP. Mục đích của khóa học nhằm giúp thay đổi nhận thức của các DNXH từ sản xuất kinh doanh tự phát sáng tự giác thông qua việc xác định thực trạng sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, xác lập động cơ và mục tiêu sản xuất - kinh doanh, lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, đồng thời hoạch toán được thu chi và quản lý các dòng tiền của doanh nghiệp thông qua sử dụng hệ thống công cụ kế toán.
Với kiến thức chuyên môn sâu rộng cùng các kinh nghiệm thực tế, hai giảng viên Đõ Anh Vũ – chuyên gia về phát triển kinh doanh và Nguyễn Cẩm Chi – chuyên gia về tài chính đã đem đến cho học viên những kiến thức thực tế và bổ ích về việc lập kế hoạch sản xuất cũng như quản lý tài chính trong doanh nghiệp.
Tư vấn Nguyễn Cẩm Chi hướng dẫn học viên về cách ghi chép sổ sách tại doanh nghiệp
Trong giờ giảng dạy của tư vấn Đỗ Anh Vũ, các học viên đã được tìm hiểu về các loại chi phí trong sản xuất như chi phí cố định, chi phí khấu hao tài sản và chi phí sản xuất cùng điểm hòa vốn. Cùng với đó, tư vấn Anh Vũ đã giới thiệu với các học viên về đặt mục tiêu kinh doanh, ý nghĩa và những yếu tố cần có trong việc đặt mục tiêu kinh doanh.
Tư vấn Đỗ Anh Vũ trình bày về lập kế hoạch sản xuất kinh doanh
Theo đó, mục tiêu kinh doanh bao gồm doanh thu, lợi nhuận, sản lượng hàng hóa sản xuất, số lượng khách hàng, khu vực bán hàng và sản phẩm/dịch vụ mới. Những mục tiêu này cần thỏa mãn những yêu cầu mà được khái quát thành tên gọi là mục tiêu SMART – bao gồm Specific (Cụ thể, rõ ràng và dễ hiểu); Measurable (Đo đếm được); Achievable (Có thể đạt được bằng chính khả năng của mình), Realistic (Thực tế, không viển vông) và Timely (Thời hạn để đạt được mục tiêu đã đề ra).
Tiếp nối phần lý thuyết là các bài tập thực hành. Học viên được chia thành các nhóm như Trồng trọt, Chăn nuôi, Du lịch-Dịch vụ để thực hiện các bài tập về liệt kê các loại chi phí và lập kế hoạch kinh doanh cho năm 2018 dựa trên thực trạng sản xuất của doanh nghiệp mình.
Thực tập sinh hỗ trợ các học viên tại khóa tập huấn ở Hòa Bình lập kế hoạch sản xuất kinh doanh
Tiếp đó, tư vấn Nguyễn Cẩm Chi đã giới thiệu về việc lập sổ quỹ và tầm quan trọng của công việc này trong việc quản lý dòng tiền của doanh nghiệp, đồng thời hướng dẫn các học viên thực hành hoạch toán thu chi thông qua các bài tập thực tế. Thêm vào đó, tư vấn Cẩm Chi cũng đưa ra các biện pháp giúp các doanh nghiệp quản lý tốt thu chi của đơn vị mình.
Học viên tại Lào Cai thảo luận về cách ghi chép sổ sách tại doanh nghiệp
Hoạt động cuối cùng của khóa học là cách thức tìm kiếm kinh doanh và liên kết giữa các đơn vị kinh doanh. Các nhóm thảo luận, đưa ý kiến về những sản phẩm có thể cung cấp và những sản phẩm cần mua nhằm tìm kiếm những cơ hội liên kết kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Kết thúc khóa tập huấn, các học viên đã có thể xác định các loại chi phí trong sản xuất, biết cách lập kế hoạch sản xuất-kinh doanh, tính toán điểm hòa vốn và quản lý sổ sách thu chi của doanh nghiệp.
Một học viên tại Lào Cai đã phát biểu sau buổi học: “Được tiếp xúc với giảng viên trong một ngày học được rất nhiều điều bổ ích. Ngày xưa tôi không biết tính toán điểm hòa vốn như thế nào. Tính toán rất mơ hồ. Sau một ngày học vỡ vạc ra rất nhiều điều”.
Mọi thông tin chi tiết về dự án, vui lòng liên hệ:
Đặng Hồng Mạnh (Mr.)
Điều phối Dự án
Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp Xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững
Email: dangmanh@csip.vn
SĐT: (04) 3537 8746
-----------------
Về CSIP
Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp xã hội và các sáng kiến xã hội tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Được thành lập từ năm 2008, CSIP tìm kiếm và đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nhân và doanh nghiệp xã hội đang áp dụng các giải pháp kinh doanh bền vững nhằm giải quyết các thách thức xã hội và môi trường. Chúng tôi hợp tác với các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức về doanh nghiệp xã hội , xây dựng mạng lưới trong nước và quốc tế, đồng thời thúc đẩy hình thành môi trường hoạt động thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam.
Về Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới
Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Bread for the World - BfdW) là một tổ chức phi chính phủ của Đức đã được cấp giấy phép thành lập Văn phòng Đại diện tại Việt Nam. Hoạt động của BfdW tập trung vào lĩnh vực phát triển nông thôn và nâng cao năng lực, với mục tiêu hỗ trợ những hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tôn trọng tinh thần tự lực và giữ gìn bản sắc văn hoá của các đối tác địa phương. Hiện nay, cùng với việc giúp đỡ nhân dân ở các nước đang phát triển, BfdW hoạt động nhằm nâng cao sự hiểu biết của công chúng về tình trạng mất cân bằng kinh tế, chính trị và bất công xã hội - thường là những nguyên nhân sâu xa của sự nghèo khổ.