Ngôn ngữ
Tin tức
DỰ ÁN “HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP XÃ HỘI VÌ SỰ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SÁNG TẠO VÀ BỀN VỮNG - SERD”
  • 18/04/2017

Vào ngày 11 tháng 4 tại thành phố Hòa Bình, hội thảo khởi động dự án “Hỗ trợ Doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thông sáng tạo và bền vững” (SERD) đã được tổ chức bởi Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP), dưới sự tài trợ của tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW). Tham dự hội thảo có hơn 60 đại biểu là lãnh đạo các Ủy ban Nhân dân, Liên minh hợp tác xã, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn,  sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch …v..v... cùng đại diện các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tỉnh.   

 

Khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thế Hách – phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình, đã có bài phát biểu giới thiệu tổng quan về bối cảnh phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Ông cho biết Hòa Bình sở hữu nền văn hóa truyền thống đa dạng và lâu đời, do đó, có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch cũng như các sản phẩm - dịch vụ dựa trên nguồn tri thức bản địa và di sản địa phương. Tuy nhiên, những tiềm năng đó vẫn chưa được khai phá hiệu quả và toàn diện. Tỷ lệ nghèo đói, thiếu việc làm và thất nghiệp vẫn duy trì ở ngưỡng cao. Ông chia sẻ tầm quan trọng của việc thúc đẩy các mô hình kinh doanh dựa vào cộng đồng như một giải pháp bền vững để xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.

 

Ông Nguyễn Thế Hách – Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình – phát biểu khai mạc hội thảo

 

Tiếp nối chương trình là bài phát biểu của bà Phạm Phương Lan – đại diện tổ chức Bánh mỳ Thế giới (BfdW). Thay mặt cho tổ chức, bà bày tò sự quan tâm đối với lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, tập trung vào phát triển cộng đồng, nâng cao năng lực cho nhóm yếu thế và xóa đói giảm nghèo. Bà cảm ơn lời chia sẻ của ông Nguyễn Thế Hách và cam kết sẽ cùng chính quyền địa phương hỗ trợ tích cực cho các mô hình kinh doanh cộng đồng, từ đó đem lại lợi ích bền vững cho người dân tộc thiểu số tại Hòa Bình.  

 

Bà Phạm Phương Lan – đại diện tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới – phát biểu tại hội thảo

 

Hai đại diện từ trung tâm CSIP là bà Phạm Kiều Oanh – Giám đốc trung tâm – và bà Vũ Thu Trang – điều phối dự án SERD – đã lần lượt có những bài trình bày về doanh nghiệp xã hội và dự án SERD. Theo bà Oanh, doanh nghiệp xã hội là “doanh nghiệp được dẫn dắt bởi các mục tiêu xã hội và môi trường”. Trong kết luận của mình, bà Oanh cho biết “doanh nghiệp xã hội không chỉ là trụ cột kinh tế của địa phương, họ còn cho thấy tiềm năng tạo ra các tác động xã hội to lớn cho những nhóm yếu thế, phụ nữ và thanh thiếu niên nghèo thông qua tạo việc làm và sinh kế bền vững cho các hộ nông dân quy mô nhỏ, phụ nữ và thanh niên nông thôn”. Mong muốn hỗ trợ và thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của doanh nghiệp xã hội cũng chính là mục tiêu của dự án SERD. Các chiến lược can thiệp của dự án nhằm trao quyền cho các doanh nghiệp xã hội, thông qua các hoạt động tăng cường năng lực, kết nối, vận động chính sách cũng đã được bà Vũ Thu Trang trình bày với các đại biểu địa phương.

 

Bà Phạm Kiều Oanh – giám đốc trung tâm CSIP – trình bày về CSIP và doanh nghiệp xã hội

 

Bà Vũ Thu Trang – điều phối dự án SERD, trung tâm CSIP – trình bày về dự án SERD

 

Hội thảo cũng đã giới thiệu ba mô hình doanh nghiệp xã hội thực tế tại Hòa Bình và Lào Cai. Mô hình Cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa tại Bản Lác, Mai Châu do bà Vi Thị Thuận sáng lập và điều hành đã góp phần quan trọng trong bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống và văn hóa ẩm thực, nghệ thuật của dân tộc Thái, đồng thời đem tới sinh kế bền vững và nơi ăn chốn ở cho gần 100 phụ nữ khuyết tật của tỉnh. DNXH Farm Food tạo ra các hoạt động liên kết với các hộ nông dân để phân phối nguồn nông sản sạch và thuần Việt tới người tiêu dùng. Với 30% lợi nhuận thu được, Farm Food sẽ chuyển về quỹ Trang trại xanh cho phụ nữ nông thôn khởi nghiệp nông nghiệp. Cuối cùng là cô gái dân tộc Mông Tẩn Thị Shu sở hữu mô hình du lịch thiện nguyện Sapa O’ Chau với mục tiêu cuối cùng không phải là lợi nhuận, mà là tạo cơ hội học tập cho trẻ em hoàn cảnh khó khăn và tạo công ăn việc làm cho thanh niên nghèo.

 

Bà Vi Thị Thuận – Chủ cơ sở bảo trợ xã hội Thuận Hòa – trình bày về sứ mệnh xã hội của mình

 

Bà Đinh Thị Huyền – Người sáng lập kiêm Giám đốc doanh nghiệp xã hội Farm Food – chia sẻ về mô hình Farm Food

 

Lắng nghe các bài trình bày, lãnh đạo các chính quyền huyện đều đánh giá cao vai trò quan trọng của doanh nghiệp xã hội đối với địa phương và nhiệt liệt ủng hộ dự án. Đông đảo các đại biểu sau đó đã tích cực tham gia phiên thảo luận và đóng góp ý kiến về thực trạng phát triển kinh tế xã hội tại mỗi huyện, các giống cây trồng, vật nuôi mũi nhọn cũng như các tiềm năng du lịch và dịch vụ tại mỗi địa phương.

 

Các đại biểu huyện Yên Thủy - tỉnh Hòa Bình thảo luận các xã trọng điểm của huyện

 

Kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Thế Hách thay mặt ban tổ chức cám ơn sự tham gia nhiệt thành từ các đại biểu. Ông khẳng định sẽ làm hết sức mình và tạo điều kiện thuận lợi nhất để dự án SERD được triển khai thành công tại tỉnh Hòa Bình.

 

Ông Nguyễn Thế Hách – Phó chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình – phát biểu bế mạc hội thảo

 

Các đại biểu chụp ảnh kỷ niệm

 

Hội thảo khởi động nằm trong khuôn khổ dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững” (SERD) được triển khai bởi Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) dưới sự tài trợ của Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Bread for the World) . Dự án góp phần nâng cao chất lượng sống của nhóm yếu thế ở vùng sâu, vùng xa và các khu vực khó khăn bằng việc phát triển một số lượng lớn các doanh nghiệp xã hội quy mô nhỏ tại cộng đồng, huy động nguồn nhân lực để tạo nên bước tiến cho sáng kiến xã hội và doanh nghiệp xã hội tại địa phương.

 

Mọi thông tin chi tiết về dự án, vui lòng liên hệ:

Vũ Thu Trang (Ms.)

Điều phối Dự án

Dự án Hỗ trợ Doanh nghiệp Xã hội vì sự phát triển nông thôn sáng tạo và bền vững

Email: thutrang@csip.vn

SĐT: (04) 3537 8746

-----------------

Về CSIP

Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận tiên phong trong việc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp xã hội và các sáng kiến xã hội tại Việt Nam và các nước trong khu vực. Được thành lập từ năm 2008, CSIP tìm kiếm và đầu tư hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nhân và doanh nghiệp xã hội đang áp dụng các giải pháp kinh doanh bền vững nhằm giải quyết các thách thức xã hội và môi trường. Chúng tôi hợp tác với các bên liên quan nhằm nâng cao nhận thức về doanh nghiệp xã hội , xây dựng mạng lưới trong nước và quốc tế, đồng thời thúc đẩy hình thành môi trường hoạt động thuận lợi hơn cho doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam.

 

Về Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới

Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (Bread for the World - BfdW) là một tổ chức phi chính phủ của Đức đã được cấp giấy phép thành lập Văn phòng Đại diện tại Việt Nam. Hoạt động của BfdW tập trung vào lĩnh vực phát triển nông thôn và nâng cao năng lực, với mục tiêu hỗ trợ những hoạt động phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, tôn trọng tinh thần tự lực và giữ gìn bản sắc văn hoá của các đối tác địa phương. Hiện nay, cùng với việc giúp đỡ nhân dân ở các nước đang phát triển, BfdW hoạt động nhằm nâng cao sự hiểu biết của công chúng về tình trạng mất cân bằng kinh tế, chính trị và bất công xã hội - thường là những nguyên nhân sâu xa của sự nghèo khổ.