-
- 08/01/2020
Bài toán “được mùa, mất giá” của nông dân
Từ bao lâu nay, người nông dân luôn gặp vấn đề được mùa mất giá. Việc tiêu thụ nông sản của nông dân chủ yếu thông qua hệ thống thương lái thu mua rồi bán lại cho các nhà máy chế biến. Cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro về giá, nông dân không quyết định được giá bán của nông sản do mình làm ra, và trở thành đối tượng nhận được ít lợi nhuận nhất từ sản phẩm phẩm của họ.
Bên cạnh đó, do những hạn chế kiến thức sản xuất và thị trường nông nghiệp hiện đại, qui mô sản xuất nhỏ, thiếu năng lực và vốn để áp dụng KHCN trong sản xuất, bảo quản, truy xuất nguồn gốc, thiếu liên kết theo chuỗi giá trị cao…, nông dân sản xuất nhỏ ít có cơ hội và tham gia quyết định bình đẳng trong chuỗi giá trị nông nghiệp.
Những thách thức trên trở thành bài toán cho bất kì doanh nghiệp nông nghiệp nào trên hành trình hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng cao khả năng tham gia và hưởng lợi công bằng từ chuỗi giá trị trong nông nghiệp, không ít giải pháp và cách thức đã được các doanh nghiệp đưa ra, nhằm giúp người nông dân không phải chịu nhiều tác động của giá cả thị trường, không phải thông qua thương lái từ đó nhận được nhiều lợi nhuận hơn từ sản phẩm của mình mang lại, giúp nâng cao mức thu nhập người nông dân, hỗ trợ duy trì vùng trồng bền vững.
Câu chuyện của Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt với sứ mệnh mang đến niềm tin, sự kết nối thân tình và bền vững cùng với nông dân thêm một lần nữa minh chứng cho mục tiêu mà dự án EFD đã và đang hướng đến, trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại cộng đồng, hướng đến sự phát triển bền vững, từ đó tạo tác động lên các hộ nông dân nhỏ.
Hồ Tiêu Việt và câu chuyện doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ hữu cơ cho hồ tiêu
Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt (Vietpepper) được thành lập năm 2012 bởi đội ngũ sáng lập giàu kinh nghiệm, đam mê gia vị Việt và khát khao đưa sản phẩm chất lượng cao ra toàn thế giới. Sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp là hạt tiêu với các dòng tiêu hữu cơ, tiêu đen, tiêu trắng và tiêu đỏ. Từ những hành trình đầu tiên, Vietpepper đã tìm kiếm những vùng nguyên liệu theo định hướng nông nghiệp bền vững và dừng chân tại vùng đất đỏ bazan màu mỡ Namyang (H. Dak Doa, Gia Lai) và Earal (H. Ea H’leo, Đắc Lắc). Những nông trại tiêu nằm ở trung tâm cao nguyên có độ cao 700-800m so với mực nước biển, khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai giàu khoáng chất, tơi xốp và không có sâu bệnh phá hoại. Tới nay công ty đã có một vùng nguyên liệu tiêu lên tới 120ha, sản lượng 600 tấn/năm trong đó 50 ha là diện tích tiêu hữu cơ đạt chứng nhận hữu cơ quốc tế (USDA Organic, JAS, Organic EU).
Vietpepper là doanh nghiệp đầu tiên tại Việt Nam đạt chứng chỉ hữu cơ cho hồ tiêu, cùng với nhà máy sản xuất với quy mô 1.000 m2 tại Tp. Hồ Chí Minh đã đạt chứng nhận HACCP, ISO 22000, Kosher. Sản phẩm của doanh nghiệp không những đã xuất khẩu tới những thị trường cao cấp như Châu Âu, Nhật Bản, Mỹ, Úc,... mà còn được phân phối trong nội địa thông qua các nhà hàng, chuỗi siêu thị lớn như Co.op Mart, Aeon, Big C, Lotte Mart, Vinmart, Emart,...
Luôn đứng về phía nông dân
Vietpepper cam kết phát triển bền vững chuỗi liên kết với người nông dân, luôn đứng về phía họ. Công ty chính là cầu nối vững chắc giữa nông dân và khách hàng, những người nông dân chuyên cần cho ra những sản phẩm chất lượng và Vietpepper tự hào mang những sản phẩm tâm huyết đó tới khách hàng khắp nơi trên thế giới.
Công ty đang trực tiếp thu mua nguyên liệu từ hơn 140 hộ nông dân trong chuỗi liên kết với giá cao hơn từ 50-80% đối với các sản phẩm hữu cơ và 5-10% đối với sản phẩm tiêu an toàn so với giá thị trường.
Thông qua việc khuyến khích và hỗ trợ bà con chuyển đổi sang phương thức canh tác hữu cơ đã góp phần nâng cao nhận thức của người nông dân trong việc bảo vệ sức khỏe, môi trường và sự an toàn cho cộng đồng.
Công ty đang góp phần tạo việc làm cho hơn 35 lao động toàn thời gian và bán thời gian tại nhà máy và vùng nguyên liệu, trong đó gần 70% là lao động nữ.
Với cam kết đồng hành cùng người nông dân, công ty không chỉ quan tâm trực tiếp lợi ích của họ mà còn cả cộng đồng xung quanh. Vietpepper tích cực triển khai nhiều hoạt động trách nhiệm xã hội tại địa phương cũng như kết hợp với chính quyền tỉnh Gia Lai xây dựng chứng nhận chỉ dẫn địa lý cho vùng tiêu Namyang.
EFD đồng hành cùng Vietpepper trên hành trình đứng về phía nông dân
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động cho công ty, từ đó gián tiếp đem đến cơ hội hưởng lợi công bằng cho những người nông dân trong chuỗi giá trị của doanh nghiệp, EFD đã tổ chức các khóa đào tạo bài bản và chuyên sâu theo các chủ đề, cung cấp kiến thức, kỹ năng, bộ công cụ cho lãnh đạo và cán bộ doanh nghiệp về Quản trị chiến lược, truyền thông thương hiệu, Quản trị nhân sự, Tài chính, Quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc cũng như giúp doanh nghiệp hiểu và đánh giá tác động xã hội theo chuỗi giá trị.
Ngoài các khóa đào tạo chung, công ty còn nhận được gói tư vấn đồng hành tương đương gần 250 giờ làm việc của các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm nhằm phản biện kế hoạch kinh doanh - tài chính, hoạt định chiến lược phát triển với các mục tiêu cụ thể, cung cấp kiến thưc hoạt động marketing bài bản,...
Bên cạnh đó, dự án còn tổ chức các hoạt động kết nối, tham quan mô hình doanh nghiệp để tăng cường sự gắn kết, chia sẻ kinh nghiệm quản trị, kinh doanh, phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ cho doanh nghiệp.
“Ban lãnh đạo doanh nghiệp định hướng rõ ràng hơn về chiến lược phát triển và con đường đang đi; từ đó đã đưa ra những quyết định mang tính chiến lược trong việc xây dựng hệ thống và quản trị doanh nghiệp tốt hơn,” chị Lê Hoài Thương, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hồ Tiêu Việt.
Nông nghiệp hữu cơ - Hướng đi bền vững cho sự phát triển của doanh nghiệp
Lựa chọn việc thay đổi phương thức canh tác từ sử dụng hóa chất sang canh tác theo phương thức hữu cơ không những giúp cây tiêu tăng cường sức đề kháng với sâu bệnh, các tác động của môi trường, đồng thời cũng giúp cải thiện môi trường đất, giúp đất khôi phục lại độ phì vốn có giúp cây phát triển và cho năng suất cao hơn, giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường do hóa chất. Bên cạnh đó, việc thay đổi phương thức canh tác cũng giúp giảm thiểu công chăm sóc của người nông dân nhưng lại có sản lượng cao hơn so với cách trồng cũ.
“Canh tác hữu cơ giúp bảo vệ sức khoẻ cho chính người nông dân tham gia sản xuất, không phải sợ bị nhiễm các chất hoá học độc hại, thuốc bảo vệ thực vật như trước kia nữa. Nguồn đất và nguồn nước ngầm dùng để tưới tiêu và để uống cũng được bảo đảm tốt hơn,” bác Nguyễn Văn Chung, Chủ nhiệm HTX Hữu cơ Hồ Tiêu Việt chia sẻ. “Đặc biệt, hoạt động canh tác hữu cơ giúp đem lại lợi ích kinh tế cao, ổn định và bền vững hơn. Cây tiêu sống lâu hơn và không sợ các bệnh kháng với thuốc sau khi chuyển đổi sang phương pháp canh tác hữu cơ.”
Đây cũng là những giá trị mà dự án EFD hướng tới, khi thông qua việc nâng cao năng lực cho doanh nghiệp trong hoạt động canh tác nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp hữu cơ, doanh nghiệp có thể phát huy đúng thế mạnh “nhỏ và vừa” của mình để gắn kết chuỗi giá trị, cải thiện đời sống cho người nông dân, và truyền thêm cho đông đảo mọi người tinh thần phát triển kinh doanh gắn kết với phát triển con người, cộng đồng và môi trường bền vững.
Chương trình Hỗ trợ Doanh Nghiệp Kinh Doanh Tạo Tác động Trong Chuỗi Giá Trị Nông Nghiệp (Dự án EFD giai đoạn 2) do Oxfam và CSIP phối hợp triển khai đang tìm kiếm doanh nghiệp tham gia dự án giai đoạn 2019-2020.
- - Thông tin chi tiết xem tại: http://bit.ly/ThongbaotuyenEFD2
- - Hạn nộp hồ sơ: 15/1/2020
- - Link đăng ký online: http://bit.ly/EFD19_Dangkyonline
- - Download Tờ thông tin và bản đăng ký EFD 2: http://bit.ly/EFD19_Infokit
- - Tìm hiểu về dự án EFD (Giai đoạn 2015 – 2018): http://bit.ly/EFD2015-2018
- - Clip Giới thiệu dự án EFD giai đoạn 1: https://youtu.be/vq_GCncbuBY
- - Liên hệ:
Ms. Hoàng Lê Trang | Điều phối dự án | letrang@csip.vn | 0917746655
Ms. Nguyễn Thị Hương Thuỷ | Cán bộ dự án | huongthuy@csip.vn | 0917622488
Hoặc email efd@csip.vn | Điện thoại: (+84-4) 3537 8746