Ngôn ngữ
Tin tức
DỰ ÁN “HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP KINH DOANH TẠO TÁC ĐỘNG TRONG CHUỖI GIÁ TRỊ NÔNG NGHIỆP - EFD”
  • 25/12/2019

Bài toán thách thức

Với số dân trên 50 vạn người trong đó người dân tộc thiểu số chiếm 95%, Cao Bằng từng là địa phương nhiều năm liền phải đối mặt với tình trạng kinh tế - xã hội chậm phát triển, bế tắc trong các kế sách xóa đói giảm nghèo. Cùng với đó, các hộ nông dân sản xuất nhỏ và các nhóm yếu thế không có khả năng tham gia và hưởng lợi công bằng từ chuỗi giá trị trong nông nghiệp do thiếu thông tin, kiến thức, năng lực và vốn. Mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp chưa tận dụng được lợi thế của cả 2 bên, dẫn đến sự tham gia của người dân chưa cao, đồng thời hiệu quả vốn đầu tư của doanh nghiệp còn thấp.

Theo báo cáo của Tổng cục thống kê năm 2018, năng suất lao động của Việt Nam thời gian qua có sự cải thiện đáng kể theo hướng tăng đều qua các năm và là quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN.  Tuy nhiên, sự gia tăng trong năng suất lao động này chủ yếu ở các ngành khai khoáng, phân phối điện, khí đốt…còn năng suất lao động của ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn ở mức thấp nhất trong nền kinh tế.

Điều nay đã  đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp và tổ chức xã hội có những hướng tiếp cận đổi mới, sáng tạo và hiệu quả hơn nhằm giải quyết bài toán sinh kế bền vững cho người DTTS.

Câu chuyện của DACE trong việc tạo sinh kế ổn định cho người DTTS tại địa phương cũng như “triết lý” của dự án EFD trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tại cộng đồng phát triển bền vững, từ đó tạo tác động lên các nhóm yếu thế được coi là một trong những cách thức tiếp cận mới nhằm giải quyết vấn đề trên.

Doanh nghiệp với sứ mệnh “mang gia vị Việt chinh phục bàn ăn thế giới”

Được thành lập năm 2013 bởi đội ngũ kỹ sư và chuyên gia trường Đại học Nông nghiệp I, DACE là công ty phát triển mạnh với các dòng sản phẩm chủ lực gồm gừng, ớt, nghệ, tỏi, sả, và trở thành nhà cung cấp uy tín tới các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Nga.

Nền tảng cốt lõi nhất của DACE là vùng nguyên liệu hữu cơ hợp tác sản xuất cùng nông hộ dân tộc thiểu số tại vùng miền núi phía Bắc. Với vùng nguyên liệu chính đặt tại Cao Bằng và Quảng Trị - nơi công ty đầu tư xây dựng chuỗi giá trị nông sản gia vị theo hướng hữu cơ với các nông hộ, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, công ty đã tiến hành xây dựng mô hình liên kết sản xuất-đồng hành hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm của nông hộ, góp phần nâng cao năng lực và thu nhập cho các đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương là người dân đồng bào dân tộc thiểu số. Thông qua việc kí kết phát triển vùng nguyên liệu hữu cơ với huyện Hà Quảng, Cao Bằng, DACE đã góp phần tăng cường khả năng tham gia và hưởng lợi công bằng từ chuỗi giá trị trong nông nghiệp của các hộ nông dân sản xuất nhỏ và các nhóm yếu thế như người dân tộc thiểu số.  Với việc sử dụng nông dân là người bản địa đã có được nguồn tri thức về điều kiện tự nhiên, khí hậu cũng như con người tại địa phương, đồng thời phổ biến kiến thức, thông tin về hữu cơ cũng như hướng dẫn người dân các kĩ thuật canh tác hữu cơ hiệu đại, mô hình liên kết giữa nông dân và DACE luôn cố gắng tận dụng được tối đa lợi thế của cả 2 bên.

Ngoài ra, các sản phẩm của DACE được sản xuất theo phương thức hữu cơ hiện đại, áp dụng khoa học kĩ thuật trong canh tác, đạt nhiều chứng nhận hữu cơ có giá trị trên toàn cầu như chứng nhận USDA (Mỹ), chứng nhận Organic EU (châu Âu), chứng nhận JAS (Nhật), chứng nhận HACCP. Điều này góp phần giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng, thuận tiện hơn với thông tin về sản phẩm và góp phần thực hiện mục tiêu số 12 của Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững “Đảm bảo các hình mẫu sản xuất và tiêu dùng bền vững”.

Đặc biệt, với định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững, trong quá trình sản xuất, DACE cũng hướng dẫn người dân thực hiện các phương thức canh tác thân thiện với môi trường, sử dụng tiết kiệm và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Đồng hành của người DTTS trên hành trình phát triển bền vững

Là doanh nghiệp tham gia dự án EFD giai đoạn 2017-2018, DACE là một trong những điển hình của doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động xã hội, đóng vai trò quan trọng trong việc tạo sinh kế cho người DTTS tại địa phương cũng như phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững. Tính đến năm 2018, DACE đã hỗ trợ kỹ thuật, đồng hành và bao tiêu sản phẩm gừng, nghệ, ớt cho khoảng 500 nông hộ thu nhập thấp, trong đó 100% DTTS người Nùng, Tày, Mông. Bên cạnh đó, công ty góp phần tạo thu nhập ổn định và cao hơn khoảng 5 lần so với sinh kế truyền thống từ cây ngô, lạc, trung bình ước tính đạt 4,5 triệu đồng/hộ/tháng. Cùng với đó, hoạt động của công ty đã tạo ra 20 lao động thường xuyên và 40 lao động thời vụ tại các xưởng sản xuất, trong đó 80% là lao động nữ.

EFD – Người bạn của các doanh nghiệp kinh doanh tạo tác động

Xuất phát từ thực tế những thách thức chính về năng lực mà DACE phải đối mặt, dự án EFD đã triển khai hỗ trợ công ty thông qua các khóa đào tạo về “Nâng cao năng lực cạnh tranh hướng đến tác động bền vững” và “Quản trị chiến lược cho DNNVV” cho các lãnh đạo cốt cán, cung cấp kiến thức & kĩ năng về quản trị tinh gọn và lãnh đạo DNNVV, quản trị chiến lược, xây dựng chiến lược thương hiệu. Các khoá đào tạo cũng cung cấp kiến thức và phương pháp giúp doanh nghiệp hiểu và đánh giá tác động xã hội theo chuỗi giá trị, và lồng ghép vấn đề nhạy cảm giới trong quản trị kinh doanh.

Ngoài các khoá đào tạo chung, công ty còn nhận được gói tư vấn đồng hành tương đương hơn 400 giờ làm việc của các chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm trong vấn đề xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản trị nhân sự, nâng cao năng lực quản lý tài chính, đồng thời đào tạo chuyên sâu về xây dựng chiến lược thương hiệu theo tiêu chuẩn quốc tế cũng như hướng dẫn xây dựng khung đánh giá tác động xã hội gắn với chuỗi giá trị doanh nghiệp.

Với DACE, dự án EFD kỳ vọng ban lãnh đạo doanh nghiệp sẽ có định hướng chiến lược rõ ràng hơn, làm rõ tầm nhìn phát triển dài hạn, từ đó có khả năng hoạch định và quản lý kế hoạch chiến lược cũng như hình thành và chuẩn hóa hệ thống quản trị nhân sự. Cùng với đó, doanh nghiệp sẽ nắm được cách thức xây dựng chến lược thương hiệu và xây dựng được trụ cột về chiến lược thương hiệu truyền thông và văn hóa doanh nghiệp trên nền tảng các giá trị cốt lõi được xác định rõ ràng.

“EFD đã giúp thay đổi tư duy của lãnh đạo công ty về quản trị doanh nghiệp, từ đó tạo nên sự bứt phá về nội lực; thực sự tôi thấy có một bước chuyển mạnh mẽ từ nội bộ công ty khi trải qua quá trình đào tạo và tư vấn đồng hành của EFD,” bà Phạm Thị Bích Thủy – Phó Giám đốc Công ty DACE.

 

Không ngừng lan tỏa những giá trị cộng đồng

“Trước đây tôi trồng và bán ở ngoài chợ thì cũng chẳng được bao nhiêu. Nhưng khi có công ty giúp dân bao tiêu tận nơi, thu mua hết toàn bộ ớt từ đầu đến cuối mùa vụ giúp chúng tôi yên tâm, tập trung trồng và sản xuất đúng quy trình,” bà Nông Thị Hòa, Cao Bằng (người dân tộc Nùng).

Theo bà Hòa, việc trồng ớt gặp nhiều rủi ro về thời tiết, bệnh thán thư nên lúc đầu nhiều bà con dè chứng không dám nhận trồng. Tuy nhiên, sau khi trao đổi và được tập huấn với công ty, thì cả xã đã quyết tâm làm. Thêm vào đó, DACE cung cấp giống, hướng dẫn kĩ thuật canh tác, chăm sóc, thu hoạch và thực hiện bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con. Nếu trồng và chăm sóc theo đúng quy trình thì một cây có thể đem lại sản lượng 4, 5 kg, giúp đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Cùng với bà Hòa, ở Cao Bằng hiện còn rất nhiều người DTTS đã và đang được hưởng lợi khi tham gia chuỗi sản xuất của DACE. Từ con số 879 hộ năm 2016, sang năm 2019, số hộ dân tham gia đã tăng gấp hơn 3 lần, đạt mức 2704 hộ. So với tổng số hộ dân là 4808 hộ, tỷ lệ hộ tham gia mô hình liên kết với DACE đã đạt hơn một nửa, chiếm 56,24%.

Qua 4 năm liên kết với DACE, thu nhập bình quân của nhiều người dân tại Hà Quảng, Cao Bằng đã tăng lên rõ rệt. Từ mức 22,56 triệu đồng/hộ/năm (2015) đã tăng gấp 2,5 lần, đạt mức 56,58 triệu đồng/ hộ/ năm vào 2019.

Câu chuyện của DACE một lần nữa là minh chứng cho những giá trị mà các doanh nghiệp đã và đang mang lại cho cộng đồng, trao cơ hội cho những người yếu thế, phụ nữ DTTS được làm việc, cống hiến và tạo dựng sinh kế, hướng đến xây dựng  một nền nông nghiệp phát triển bền vững tại Việt Nam.

---

Chương trình Hỗ trợ Doanh Nghiệp Kinh Doanh Tạo Tác động Trong Chuỗi Giá Trị Nông Nghiệp (Dự án EFD giai đoạn 2) do Oxfam và CSIP phối hợp triển khai đang tìm kiếm doanh nghiệp tham gia dự án giai đoạn 2019-2020.

Ms. Hoàng Lê Trang | Điều phối dự án | letrang@csip.vn | 0917746655

Ms. Nguyễn Thị Hương Thuỷ | Cán bộ dự án | huongthuy@csip.vn | 0917622488 

Hoặc email efd@csip.vn | Điện thoại: (+84-4) 3537 8746